Hôm qua (24/5), UBND tỉnh Đồng Tháp công bố thông tin dịch tả heo châu Phi đã xuất hiện trên địa bàn. Ổ dịch đầu tiên tại tỉnh Đồng Tháp được phát hiện tại ấp Chiến Thắng, xã Tân Hộ Cơ, huyện Tân Hồng.
Theo Chi cục Chăn nuôi Thú y Đồng Tháp, tổng đàn heo mắc bệnh là 187 con, gồm 117 con heo rừng và 70 con heo nhà.
Lực lượng chức năng tiến hành tiêu huỷ đàn heo bị dịch tả châu Phi tại Vĩnh Long. (Ảnh: Báo Vĩnh Long).
Ngay sau khi địa phương lấy mẫu xét nghiệm và cho kết quả dương tính với dịch tả heo châu Phi, chính quyền đã tiến hành tiêu huỷ số đàn heo nói trên.
Đồng thời, thực hiện nghiêm công tác phòng chống, hạn chế lây lan. Tỉnh Đồng Tháp đã thành lập 14 trạm kiểm dịch và chốt kiểm dịch trên địa bàn nhằm kiểm soát việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra, vào tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Dương đã ban hành công điện khẩn, yêu cầu các Sở, ngành và địa phương trong tỉnh nhanh chóng triển khai các biện pháp phòng, chống dịch tả heo châu Phi trên địa bàn.
Cũng trong ngày 24/5, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Kiên Giang cho biết đã phát hiện ổ dịch tả heo châu Phi đầu tiên trên địa bàn nằm tại xã Tân Hiệp B, huyện Tân Hiệp. Địa phương đã tiêu huỷ 33 con heo mắc bệnh của hộ chăn nuôi này.
Kiên Giang công bố thông dịch tả châu Phi xuất hiện trên địa bàn ngay sau khi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang và Vĩnh Long công bố dịch tả.
Cụ thể, tại An Giang, ổ dịch đầu tiên được phát hiện tại phường Mỹ Thạnh, TP Long Xuyên với tổng số heo là 52 con. Trong khi đó, hai ổ dịch được Vĩnh Long công bố nằm tại phường 5 và phường 8, TP Vĩnh Long. Tổng đàn heo phát dịch và bị tiêu huỷ tại Vĩnh Long là hơn 100 con.
Tại khu vực Tây Nam Bộ, tỉnh Hậu Giang là địa phương đầu tiên xuất hiện dịch tả heo châu Phi, ổ dịch này được phát hiện vào đầu tháng 4. Trong hơn một tháng sau, tình hình kiểm soát dịch được thực hiện khá tốt khi không địa phương nào công bố phát sinh dịch.
Tuy nhiên, chỉ trong vòng một tuần trở lại đây, An Giang, Vĩnh Long, Kiên Giang và mới đây nhất là Đồng Tháp liên tục công bố dịch. Như vậy, hiện miền Tây đã có 5 tỉnh xuất hiện dịch tả heo châu Phi.
Ngày 21/5, Chi cục chăn nuôi, thú y và thủy sản tỉnh Bình Dương cho biết phát hiện hai ổ dịch xuất hiện đầu tiên trên địa bàn với tổng đàn hơn 1.000 con. Hai ổ dịch này nằm tại xã Vĩnh Hòa, huyện Phú Giáo. Đây là địa phương nằm liền kề huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước, nơi đã xuất hiện dịch tả trước đó.
Đàn heo bị dịch tả châu Phi tại Bình Dương được lực lượng chức năng tiêu huỷ. (Ảnh: Tuổi Trẻ).
Như vậy, tại khu vực Đông Nam Bộ, vùng trọng điểm chăn nuôi lớn, đã có 3 tỉnh xảy ra dịch tả heo châu Phi là Đồng Nai, Bình Phước và Bình Dương.
Đáng chú ý, vài ngày qua, dịch tả châu Phi tại Đồng Nai xuất hiện thêm tại một số địa bàn mới với số lượng lớn. Cụ thể, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Đồng Nai cho biết xuất hiện thêm ổ dịch hơn 10 con tại xã An Phước, huyện Long Thành. Ngày 20/5, Đồng Nai cũng tiêu huỷ thêm khoảng 1.000 con heo tại 2 ổ dịch thuộc huyện Vĩnh Cửu.
Kể từ khi phát hiện ổ dịch đầu tiên cách đây một tháng, Đồng Nai đã có 4 huyện xuất hiện dịch tả heo châu Phi, gồm Trảng Bom, Nhơn Trạch, Vĩnh Cửu và Long Thành.
Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết tình hình dịch tả heo châu Phi đang diễn biến rất phức tạp.
Theo Bộ trưởng, hiện nay, dịch tả heo châu Phi không chỉ những hộ nhỏ lẻ, mà đã tấn công vào các hộ chăn nuôi lớn với số lượng hàng trăm con.
Bộ trưởng yêu cầu phải huy động cả hệ thống chính trị cùng tham gia phòng, chống dịch, bởi nếu thực hiện không tốt, dịch sẽ tiếp tục lây lan, có thể lên tới 100% địa bàn, kể cả những nơi hết dịch sau 30 ngày thì bệnh vẫn quay trở lại.
Kinh doanh 05:00 | 05/01/2022
Kinh doanh 05:00 | 14/11/2021
Kinh doanh 05:00 | 11/10/2021
Kinh doanh 05:00 | 05/10/2021
Kinh doanh 05:00 | 03/09/2021
Tiêu dùng 05:17 | 09/06/2020
Tiêu dùng 17:31 | 27/05/2020
Tiêu dùng 21:24 | 26/03/2020