Dòng vốn lớn sắp đổ vào thị trường bất động sản phía Nam

Cuộc đổ bộ của các doanh nghiệp lớn phía Bắc hứa hẹn sẽ mang theo một dòng vốn lớn làm sôi động thị trường bất động sản một số khu vực phía Nam.

Trước tình trạng quỹ đất nội đô tại các thị trường chính như Hà Nội và TP HCM đang ngày càng khan hiếm, các doanh nghiệp bất động sản muốn phát triển thì buộc phải tìm đến những địa phương khác. Đây cũng là lý do khiến cuộc "viễn chinh" của các doanh nghiệp tìm về tỉnh lẻ diễn ra mạnh mẽ trong những năm gần đây.

Còn nhớ năm 2020, giới chuyên gia nhận định, các nhà phát triển bất động phía Nam đang có xu hướng Bắc tiến và nhắm đến thị trường Hà Nội. Dẫn chứng là thị trường miền Bắc nhận được sự quan tâm nhiều và dòng tiền đang dần dịch chuyển về khu vực này. Một số cái tên có thể kể đến như Phú Mỹ Hưng, Masterise Group,...

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp, trong đó chủ yếu là các doanh nghiệp phía Bắc thời gian gần đây lại có xu hướng đổ bộ vào các tỉnh phía Nam để mở rộng quỹ đất.

Hòa Phát, Sovico, T&T đổ bộ Cần Thơ

Dòng vốn lớn sắp đổ vào thị trường bất động sản phía Nam - Ảnh 1.

Cần Thơ được dự báo sẽ là tâm điểm mới cho các cuộc chơi lớn trên thị trường bất động sản. (Ảnh: Báo Cần Thơ).

Với vị trí trung tâm vùng ĐBSCL, sở hữu lợi thế về hạ tầng giao thông,... Cần Thơ đang lọt tầm ngắm của nhiều doanh nghiệp bất động sản nhờ quỹ đất sạch còn nhiều.

Ngoài những cái tên quen thuộc như Vingroup, Novaland, FLC, KITA Group, LDG, Phú Cường, Hoàng Quân,... địa phương này thời gian gần đây đón nhiều doanh nghiệp lớn về tìm hiểu, nghiên cứu cơ hội đầu tư như Hòa Phát, Sovico, T&T, Văn Phú,...

Đơn cử, tháng 3/2021, Chủ tịch Hội đồng sáng lập CTCP Tập đoàn Sovico Nguyễn Thanh Hùng đã có buổi làm việc với lãnh đạo TP Cần Thơ để đề xuất đầu tư dự án trung tâm logistics hàng không tại quận Bình Thủy (khoảng 50 ha) và Khu đô thị mới để kết nối cùng với dự án trung tâm logistics hàng không (khoảng 948 ha).

Đến tháng 6/2021, UBND TP Cần Thơ đã có công văn chấp thuận doanh nghiệp thực hiện khảo sát, nghiên cứu và đề xuất đầu tư ba dự án quy mô hơn 2.600 ha.

Cụ thể, gồm: Khu Logistic và Công nghiệp Hàng không Cần Thơ tại đường Võ Văn Kiệt, quận Bình Thủy (quy mô khoảng 1.650 ha, giai đoạn 1 khoảng 350 ha); Khu đô thị du lịch sinh thái Phong Điền, huyện Phong Điền (quy mô khoảng 1.000 ha) và dự án Nhà bảo dưỡng tàu bay tại Sân bay quốc tế Cần Thơ (1,8 ha).

Một trong những tập đoàn sản xuất công nghiệp lớn của Việt Nam là Hòa Phát cũng đang khảo sát, nghiên cứu và đề xuất đầu tư ba Khu đô thị thương mại - dịch vụ tại TP Cần Thơ với quy mô hơn 540 ha.

Trong đó, Khu đô thị thương mại - dịch vụ cao cấp tại quận Bình Thủy (452 ha); Khu đô thị thương mại - dịch vụ tại phường Phú Thứ, quận Cái Răng quy mô 88,2 ha (gồm khu nhà ở 58,2 ha và trung tâm hội chợ triển lãm 30 ha); Khu đô thị thương mại - dịch vụ tại đường Lê Lợi và đường Trần Văn Khéo thuộc phường Cái Khế, quận Ninh Kiều (6,24 ha).

Hồi tháng 4/2021, UBND TP Cần Thơ và CTCP Tập đoàn T&T (T&T Group) đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược trong các lĩnh vực: Bất động sản, du lịch - thương mại dịch vụ, thể thao, công nghiệp và logistics, nông nghiệp công nghệ cao.

Tại buổi lễ, UBND TP Cần Thơ đã trao văn bản chấp thuận chủ trương cho Tập đoàn T&T nghiên cứu, khảo sát một số dự án để triển khai Bản thỏa thuận hợp tác chiến lược giữa hai bên.

Trước đó, tháng 1/2021, UBND TP Cần Thơ đã có quyết định chấp thuận đầu tư dự án Khu đô thị mới Cồn Khương do Liên danh CTCP Đầu tư Văn Phú Invest (Mã: VPI) và CTCP 216 làm chủ đầu tư. Dự án có quy mô hơn 53 ha, tổng vốn đầu tư gần 5.000 tỷ đồng.

FLC, Sao Mai đổ bộ Hậu Giang

Dòng vốn lớn sắp đổ vào thị trường bất động sản phía Nam - Ảnh 2.

Thị trường bất động sản Hậu Giang đang trở nên sôi động hơn nhờ đòn bẩy hạ tầng giao thông. (Ảnh: Báo Hậu Giang).

Là tỉnh nằm ở trung tâm châu thổ sông Mê Kông, sở hữu nhiều khu, cụm công nghiệp quy mô lớn và lợi thế về giao thông,... Hậu Giang thời gian gần đây đang được nhiều doanh nghiệp chú ý.

Ngoài những doanh nghiệp đi trước như Vingroup, TNR Holdings, Cát Tường Group, DIC Group,... thị trường bất động sản Hậu Giang dự kiến sắp đón thêm loạt dự án lớn đến đến từ các tập đoàn như FLC, Đất Xanh, Sao Mai,...

Mới đây, UBND tỉnh Hậu Giang vừa có văn bản đồng ý chủ trương cho CTCP Tập đoàn Sao Mai (Mã: ASM) tài trợ kinh phí tổ chức lập quy hoạch chi tiết trên địa bàn TP Vị Thanh và huyện Châu Thành A.

Theo đó, Tập đoàn Sao Mai tài trợ 100% kinh phí (không hoàn lại) cho tỉnh Hậu Giang lập quy hoạch chi tiết ba khu đô thị với diện tích hơn 450 ha.

Cụ thể, gồm: Đồ án Quy hoạch chi tiết Khu đô thị mới 1 tại phường 3, TP Vị Thanh (gần 45 ha); đồ án Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu dân cư thương mại tại phường 4, TP Vị Thanh và xã Vị Đông, huyện Vị Thủy (hơn 59 ha); đồ án Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2.000 Khu dân cư - tái định cư phục vụ KCN Nhơn Nghĩa A, huyện Châu Thành A (khoảng 350 ha).

Hồi tháng 5/2021, UBND tỉnh này đã có buổi làm việc với CTCP Tập đoàn FLC (Mã: FLC) để nghe báo cáo phương án quy hoạch hai khu đô thị tại TP Vị Thanh.

Dự án thứ nhất là KĐT mới kết hợp công viên cây xanh Vị Thanh phường V với quy mô khoảng 185 ha. Dự án thứ hai là Khu đô thị mới Nam Vị Thanh (phường V, TP Vị Thanh và huyện Vị Thủy) với quy mô khoảng 170 ha.

Trước đó, CTCP Tập đoàn Đất Xanh (Mã: DXG) là nhà đầu tư duy nhất được phê duyệt đáp ứng yêu cầu sơ bộ năng lực, kinh nghiệm thực hiện dự án Khu đô thị mới Mái Dầm, thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành. Dự án có quy mô gần 97 ha, tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 4.000 tỷ đồng.

FLC, T&T, Tuần Châu đổ bộ Bạc Liêu, Cà Mau

Dòng vốn lớn sắp đổ vào thị trường bất động sản phía Nam - Ảnh 3.

Thị trường bất động sản đang ở giai đoạn sơ khởi khi chưa có nhiều dự án quy mô lớn được triển khai. (Ảnh: Báo ảnh Đất Mũi).

Cà Mau là một tỉnh thuộc vùng Tây Nam Bộ của Việt Nam, được biết đến là thủ phủ của ngành chế biến xuất khẩu thủy sản cả nước. Xét về lĩnh vực bất động sản, Cà Mau vẫn đang là một thị trường đi sau khi chưa có nhiều dự án quy mô lớn được triển khai.

Song, TP Cà Mau hiện đang tập trung hoàn thành các tiêu chí để hướng tới đô thị loại I vào năm 2025, cùng với việc đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, sự góp mặt của các doanh nghiệp lớn, ... sẽ là động lực thúc đẩy thị trường bất động sản địa phương này sôi động hơn trong thời gian tới.

Mới đây, CTCP Tập đoàn T&T đã trúng thầu dự án đầu tư xây dựng nhà ở Khu đô thị mới khóm 5 (phường 1, TP Cà Mau). Dự án có quy mô gần 23 ha, tổng chi phí thực hiện hơn 1.000 tỷ đồng.

Trước đó, tháng 3/2021, tập đoàn này đã ký kết hợp tác chiến lược với tỉnh Cà Mau, tiến tới đầu tư nhiều dự án lớn tại địa phương này.

Cụ thể, tập đoàn sẽ nghiên cứu, lập quy hoạch và thực hiện đầu tư Sân bay Cà Mau đạt cấp 4C, công suất dự kiến đạt 1 triệu khách hàng/năm. Đồng thời nghiên cứu, lập quy hoạch khu vực sân bay Cà Mau để thực hiện đầu tư theo mô hình đô thị sân bay.

Đồng thời, nghiên cứu lập quy hoạch để làm cơ sở tổ chức thực hiện các dự án gồm: Cảng nước sâu Hòn Khoai; tuyến cao tốc đoạn từ thành phố Cà Mau đến Mũi Cà Mau; Khu đô thị Liên hiệp Thể Dục Thể Thao, Trung tâm bóng đá trẻ và câu lạc bộ bóng đá.

Tại buổi làm việc với UBND tỉnh Cà Mau mới đây, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tuần Châu Đào Hồng Tuyển cho biết, sau khi khảo sát một số khu vực trên địa bàn tỉnh Cà Mau, đặc biệt là khu Năm Căn (huyện Năm Căn) và Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời), doanh nghiệp mong muốn xây dựng một dự án thành phố hải sản với quy mô 500ha, xây dựng cả sân bay nếu cần thiết,...

Cũng là một tỉnh thuộc vùng Tây Nam Bộ, Bạc Liêu được biết đến là điểm giao thương quan trọng giữa vùng Đông Nam Bộ với vùng ĐBSCL.

Thời gian vừa qua, nhờ thế mạnh phát triển du lịch cũng như tốc độ đô thị hóa nhanh, Bạc Liêu liên tiếp đón nhận các nguồn đầu tư từ các "ông lớn" trên thị trường bất động sản đổ về. Trong đó phải kể đến các tập đoàn lớn như Vingroup, FLC, Đất Xanh,...

Mới đây, Tập đoàn FLC được chấp thuận đầu tư thực hiện ba dự án tại TP Bạc Liêu. Cụ thể, gồm: Dự án nhà ở mật độ cao Hiệp Thành - Vĩnh Trạch Đông (hơn 11 ha), Dự án nhà ở kết hợp quảng trường Vĩnh Trạch Đông (hơn 12 ha) và Dự án nhà ở kết hợp công viên cây xanh Vĩnh Trạch Đông (hơn 8,5 ha).

FLC, Sovico đổ bộ Đồng Nai

Dòng vốn lớn sắp đổ vào thị trường bất động sản phía Nam - Ảnh 4.

Thị trường bất động sản Đồng Nai những năm gần đây trở nên sôi động hơn, giá đất nhiều nơi ghi nhận tăng mạnh. (Ảnh: Báo Đồng Nai).

Là tỉnh thuộc miền Đông Nam Bộ, nằm trong vùng phát triển kinh tế trọng điểm phía Nam, thị trường bất động sản Đồng Nai thời gian gần đây chứng kiến sự sôi động nhờ cơ sở hạ tầng đang được đầu tư mạnh và ngày càng hoàn thiện.

Nhờ đó, những năm gần đây, nhiều "ông lớn" trên thị trường bất động sản như Vingroup, FLC, Nam Long, Đất Xanh, Novaland, Hưng Thịnh, Kim Oanh,... cũng đua nhau đổ bộ về địa phương này.

Hồi tháng 3/2021, Tập đoàn FLC đã đến Đồng Nai để khảo sát các điểm quy hoạch dự án khu dân cư, du lịch có diện tích lớn.

Trong đó, doanh nghiệp quan tâm đến một số dự án như Khu dân cư cao cấp Gia Tân 1, Khu thương mại dịch vụ ven hồ Trị An; khu thương mại, dịch vụ hồ Gia Đức trên địa bàn huyện Thống Nhất và các dự án du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái rừng trên địa bàn huyện Vĩnh Cửu.

Hồi cuối tháng 2/2021, Tập đoàn này cho biết đã được tỉnh Đồng Nai chấp thuận nghiên cứu, đề xuất lập quy hoạch đầu tư Khu du lịch nghỉ dưỡng, sân golf tại khu vực hồ Đa Tôn.

Dự án có diện tích quy hoạch khoảng 892 ha, mục tiêu là phát triển khu quần thể du lịch nghỉ dưỡng, sân golf, khu biệt thự và khu dân cư đô thị.

Hay Tập đoàn Sovico vừa qua cũng đến Đồng Nai đề xuất tham gia đầu tư xã hội hoá các hạng mục phụ trợ phục vụ cho việc vận hành sân bay như dịch vụ sửa chữa máy bay, khu nhà ở cho phi công, kho cung ứng xăng dầu, phục vụ suất ăn,…

Bên cạnh đó, Sovico cũng mong muốn được tìm hiểu khu vực phụ cận sân bay để có thể đầu tư các dịch vụ logicstics, dự án bất động sản, thành phố thông minh, khu công nghiệp công nghệ cao hàng không,…