Theo báo cáo tài chính hợp nhất quí I/2020 Cenland vừa công bố mới đây, công ty tiếp tục ghi nhận thêm một kì lưu chuyển tiền thuần âm gần 38,2 tỉ đồng. Mặc dù dòng tiền kinh doanh có sự cải thiện và đạt 20,7 tỉ đồng nhưng dòng tiền từ hoạt động đầu tư và dòng tiền hoạt động tài chính lần lượt âm 26 tỉ đồng và 33 tỉ đồng. Thời điểm cuối năm 2019, công ty cũng ghi nhận lưu chuyển tiền thuần âm 155 tỉ đồng.
Vấn đề về dòng tiền của Cenland, đặc biệt là dòng tiền kinh doanh nhận được được chú ý cổ đông lớn. Tại ĐHĐCĐ năm 2019 của công ty diễn ra vào giữa tháng 4 năm ngoái, đại diện cổ đông ngoại lớn nhất – nhóm quĩ VinaCapital từng có ý kiến về việc dòng tiền kinh doanh âm của Cenland.
Theo lý giải của đại diện nhóm quĩ VinaCapital, dù Cenland có việc huy động vốn từ các cổ đông lớn thì cũng không thể hụt mãi như vậy: "Chúng ta cần phải cân đối, tự bản thân nó phải cân đối được cho nó trong hoạt động hiện hữu và chúng ta tăng vốn cho những hoạt động mở rộng thôi!".
Đáp lại ý kiến từ nhóm quỹ VinaCapital, theo ông Phạm Thanh Hưng, Phó Chủ tịch HĐQT Cenland, do nguồn vốn khá hạn hẹp nên mới xảy ra tình trạng âm trong một thời điểm nhất định, đó là lý do chính Cenland tiến hành tăng vốn hoạt động.
Cập nhật mới nhất, doanh thu Cenland đạt gần 275 tỉ đồng trong quí I/2020, giảm 29% so với cùng kì năm ngoái. Trong đó, doanh thu môi giới bất động sản sụt giảm mạnh từ 312 tỉ đồng còn 221 tỉ đồng, đây cũng là khoản thu chiếm tới 80% tổng doanh thu của công ty.
Ngoài ra, các khoản thu từ mảng đầu tư bất động sản, dịch vụ quảng cáo, tổ chức sự kiện hay dịch vụ cho thuê văn phòng đều ghi nhận sự sụt giảm rõ rệt.
Kết quả là, công ty báo lãi ròng sau thuế 42,3 tỉ đồng, tương đương tỉ lệ giảm 47% so với quí I/2019.
Bên cạnh đó, theo giải trình từ Cenland, chi phí quản lí doanh nghiệp tăng 6,58% so với cùng kì cũng là một phần nguyên nhân khiến lợi nhuận công ty suy giảm.
Về kết quả kinh doanh năm 2019, công ty ghi nhận doanh thu cả năm đạt 2.325 tỉ đồng cùng lợi nhận sau thuế 393 tỉ đồng. So sánh với mục tiêu kinh doanh đặt ra, tỉ lệ thực hiện chỉ đạt 91% cho doanh thu và 70% cho lợi nhuận.
Trong năm 2019, sự kiện đáng chú ý nhất của Cenland là cho ra mắt nền tảng bất động sản Cenhomes.vn vào tháng 5. Mục tiêu là mang lại một phương thức giao dịch mới, trải nghiệm mới về mua bán bất động sản cho nhà đầu tư, nhà môi giới, các đối tượng người có nhu cầu mua bán, giao dịch BĐS thông thường.
Đánh giá về sản phẩm này, HĐQT Cenland liên tục khẳng định đây là 'vũ khí chiến lược', 'giá trị Cenhomes cũng sẽ tương đương với Cenland hiện nay', 'đại nhạc hội của dân môi giới', 'tương lai có vài vạn người môi giới'.
Sự kì vọng của lãnh đạo Cenland với sản phẩm này được thể hiện rõ ràng qua mức chi 'khủng' 35,6 tỉ đồng trả trước dài hạn truyền thông cho Cenhomes.
Theo thông tin từ website, Cenhomes là sản phẩm công nghệ của CTCP Dịch vụ Bất động sản Ngôi Sao Toàn Cầu (Worldstar Land). Ghi nhận tại thời điểm 31/3, vốn điều lệ của Worldstar Land là 20 tỉ đồng, tỉ lệ sở hữu của Cenland tại đơn vị này là 80%.
Trước đó, trong tháng 4/2019, công ty chính thức đưa vào vận hành mô hình văn phòng dịch vụ cho thuê Co-working với thương hiệu Cen X Space tại tầng 3, tòa nhà Dolphin Plaza, số 6 Nguyễn Hoàng, Mỹ Đình, Hà Nội.
Sản phẩm được cho ra mắt với tham vọng trong vòng 5 năm sẽ trở thành không gian làm việc chung lớn nhất Việt Nam và khu vực, hỗ trợ tối đa cho các start-up, tổ chức, cá nhân, mong muốn tạo ra giá trị cho cộng đồng.
Liên quan đến mảng đầu tư cho các nền tảng công nghệ mới, đầu năm 2020, công ty mẹ của Cenland là Tập đoàn Tập đoàn Thế Kỷ (CenGroup) công bố sẽ rót 1 triệu USD vào nền tảng công nghệ đầu tư chung bất động sản Revex.
Ông Phạm Thanh Hưng, Phó Chủ tịch HĐQT CenGroup cho biết với nền tảng này, nhà đầu tư có số vốn từ vài triệu đồng cũng có thể tham gia đầu tư bất động sản. Chưa hết, ông Nguyễn Trung Vũ, Chủ tịch HĐQT CenGroup tham vọng nền tảng này dần có thể thu hút nhiều chủ đầu tư lớn hơn, uy tín hơn, thậm chí vượt hơn nhiều lần thị trường chứng khoán.
Trước tình hình kinh doanh không mấy khởi sắc cùng dòng tiền thuần âm trong thời gian dài, nhiều quĩ ngoại duy trì động thái bán ra cổ phiếu CRE trong hơn một năm gần đây. Hai nhóm quĩ ngoại trong cơ cấu cổ đông của Cenland gồm nhóm Dragon Capital và VinaCapital.
Trong đó, từ tháng 4/2019 đến tháng 2/2020, các quĩ thành viên của nhóm Dragon Capital đã liên tiếp bán ra phần lớn cổ phiếu CRE, khiến tỉ lệ sở hữu của nhóm này tại Cenland giảm mạnh từ 12,33% xuống 4,88% và không còn là cổ đông lớn của công ty.
Lần thoái vốn đáng chú ý nhất gần đây là quĩ lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam - Vietnam Enterprise Investments Limited (VEIL) vừa công bố thông tin đã bán ra 2,5 triệu cổ phiếu CRE trong phiên 24/4. Sau giao dịch, quĩ này chỉ còn sở hữu 2,82 triệu cổ phiếu CRE, tương đương 3,525% vốn điều lệ của công ty.
Song song với đó, nhóm Dragon Capital chỉ còn nắm giữ hơn 3,9 triệu cổ phiếu CRE, tương đương 4,88% vốn điều lệ của Cenland.
Với việc không còn là cổ đông của Cenland, nhóm quĩ Dragon Capital sẽ không phải công bố thông tin về giao dịch cổ phiếu CRE trong lần sau đó.
Về phía nhóm quĩ ngoại còn lại là VinaCapital cũng từng thông qua quĩ thành viên Vietnam Master Holdings 2 Limited bán bớt một phần sở hữu cổ phiếu CRE trong tháng 2/2019, giảm tỉ lệ nắm giữ từ 12% còn 11,76% vốn điều lệ.
Được biết, VinaCapital từng lên tiếng về việc dòng tiền kinh doanh liên tục âm của Cenland. Đồng thời, cổ đông lớn này cũng cho dù có huy động được vốn từ các cổ đông thì cũng chỉ nên phân bổ cho các hoạt động mở rộng, tự doanh nghiệp phải cân đối được trong hoạt động kinh doanh hiện hữu.