Chính sách biến thiên, nhà đầu tư kêu khó
Dự án này bao gồm hạng mục nâng cấp QL 6 đoạn Xuân Mai đi TP Hoà Bình (đã thu phí hơn 1 năm nay) và xây dựng tuyến mới từ Hoà Lạc đi Hoà Bình, dài 31 km. Dù nhiều lần lỡ hẹn nhưng đến nay, dự án vẫn còn dang dở, trong đó phần mặt đường - hạng mục đắt tiền, quan trọng nhất của dự án vẫn chưa được thực hiện.
Các cầu trên tuyến đã lao dầm nhưng thiếu bóng dáng công nhân, sắt nhô khỏi bê tông, gỉ sét, cầu và đường chưa nối liền. Một số đoạn vướng mặt bằng, chưa thể triển khai.
Ông Bùi Quang Bát, Giám đốc Cty BOT QL6 Hòa Lạc - Hòa Bình (chủ đầu tư dự án) cho hay, dự án đình trệ do bên cho vay (Ngân hàng SHB) ngừng cấp vốn từ tháng 9/2016 vì lo dự án bị “vỡ” phương án tài chính.
Lý do “vỡ” phương án tài chính được ông Bát đưa ra gồm: Doanh thu thu phí trên QL 6 chỉ đạt 8 tỷ đồng/tháng, thấp hơn 3 tỷ đồng/tháng so với hợp đồng. Theo ông này, thu không đạt do doanh nghiệp không được tăng phí theo hợp đồng đã ký.
Không những thế, chủ đầu tư phải giảm phí đối với một số loại phương tiện tải trọng lớn, có mức thu cao. Ngoài ra, phát sinh miễn giảm cho các tổ chức cá nhân xung quanh trạm thu phí cũng khiến dự án “hụt thu” so với hợp đồng.
Theo ông Bát, ngay cả dự báo lưu lượng xe trên tuyến lên vùng khó khăn của phía Bắc này cũng không đạt như kỳ vọng (xe con dưới 12 chỗ tăng 6%/năm như hợp đồng nhưng xe tải và xe khách cỡ lớn hầu như không biến động).
Hiện tại, công ty này đề nghị cắt giảm một số hạng mục để giảm mức đầu tư. Tuy nhiên, ngay cả phương án này, doanh nghiệp vẫn đề nghị tăng thời gian thu phí.
“Chúng tôi giảm các hạng mục với khoảng 300 tỷ đồng nhưng vẫn không “lại” được việc giảm thu. Vì vậy, chúng tôi đề nghị tăng thời gian thu phí từ 24 năm 11 tháng, lên khoảng 26 năm và một số đề nghị khác về thuế, hỗ trợ giải phóng mặt bằng” - ông Bát nói.
Ngày 26/7 vừa qua, Bộ trưởng GTVT Trương Quang Nghĩa đã chủ trì cuộc họp để giải quyết đề nghị này. Dù chưa quyết định cụ thể nhưng Bộ trưởng GTVT đã cho phép nghiên cứu lại phương án tài chính này và để ngỏ thời gian thu phí.
Tháng 5 vừa qua, Bộ GTVT công bố việc điều chỉnh thời gian thu phí 21 dự án BOT, trong đó, hầu hết các dự án giảm thời gian thu, chỉ có 4 dự án tăng thời gian thu (cầu Mỹ Lợi, cầu Yên Lệnh, Quốc lộ 18 đoạn Uông Bí - Hạ Long…).
Đa phần các dự án tăng thời gian thu này đều đã đi vào vận hành với thực trạng giảm mạnh lưu lượng xe. Nếu dự án BOT QL 6, Hoà Lạc- Hoà Bình được điều chỉnh tăng thời gian thu, đây sẽ là trường hợp đầu tiên được thực hiện khi dự án còn dang dở.
Đáng nói, ngoài các khó khăn nêu trên, các nhà đầu tư dự án vẫn chưa đóng đủ vốn theo quy định. Cụ thể, đến hết ngày 30/6 mới chỉ có Tổng Cty 36 (Bộ Quốc phòng) hoàn thành 100% mức đóng góp, Cty ĐT & TM Hà Nội mới đóng 40%, Cty Xây lắp và thương mại Trưởng Lộ đóng 71%. Tổng số tiền còn thiếu của chủ đầu tư lên đến 100 tỷ đồng.
Không thể “bí mật” với người dân
Ông Lưu Việt Khoa, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án 2 (Ban QLDA 2, Thay mặt Bộ GTVT giám sát dự án) cho hay: Sau đề nghị của chủ đầu tư, Ban QLDA rà soát toàn bộ các hạng mục dự án để cắt giảm.
Theo đó, các hạng mục phát sinh như đường nối giữa dự án Hoà Lạc - Hoà Bình và tỉnh lộ 446 (Hoà Bình), một đoạn đi trùng giữa hai tuyến đường này (dài khoảng 1 km) sẽ chưa đầu tư. “Chúng tôi sẽ hạn chế thấp nhất việc phải thay đổi phương án tài chính, không kéo dài thời gian thu phí của dự án”– ông Khoa cho hay.
Ông Nguyễn Danh Huy, Trưởng Ban Đầu tư các dự án công tư (Bộ GTVT) cho hay, các cơ quan tham mưu đang thực hiện theo hướng cắt giảm các hạng mục và “chạy” lại phương án tài chính.
“Về cơ bản, phương án tài chính của dự án sẽ giữ được như ban đầu, có thể sẽ không kéo dài thời gian thu phí. Chúng tôi cũng đã trao đổi kỹ với nhà đầu tư rằng, đây là tuyến đường mới, khi hình thành tuyến, các dự án đầu tư mới như dự án sân golf tại Hoà Bình sẽ hoạt động, lưu lượng xe sẽ tăng, đảm bảo phương án tài chính ” - ông Huy cho hay.
Hiện nay, hầu hết các dự án BOT chủ yếu tiến hành theo biện pháp chỉ định nhà đầu tư. Điều này khiến nhiều chuyên gia nghi ngại về tính thiếu minh bạch, lợi ích nhóm. Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh cho hay, việc kéo dài thời gian thu phí, đồng nghĩa với tăng tổng mức đầu tư của dự án tăng kéo theo việc đóng góp của người dân tăng lên.
Ông Thanh đề nghị cần có cơ chế để minh bạch, giám sát độc lập việc tăng phí cũng như việc tăng phí có “chảy” vào dự án hay không. “Dự án BOT là do người dân góp tiền chi trả, vì vậy không thể có chuyện bí mật với người dân” – ông Thanh nói.
Tổng cục Đường bộ vừa yêu cầu các nhà đầu tư BOT lắp bảng điện tử để công khai các thông tin tại trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ.
Biển điện tử gắn tại khu vực nhà điều hành trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ phải thể hiện đầy đủ các thông tin như: Tổng mức đầu tư; tổng thời gian thu; thời điểm bắt đầu thu; thời gian thu còn lại; doanh thu tháng trước; doanh thu lũy kế...
Kinh phí đầu tư biển điện tử lấy từ nguồn chi phí bảo trì của các dự án BOT.
Bộ GTVT nói gì về cao tốc Chợ Mới - Bắc Kạn
Liên quan đến việc Bộ KH&ĐT đề nghị Bộ GTVT làm rõ các nội dung về dự án cao tốc Chợ Mới – Bắc Kạn, Thứ trưởng GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho hay: Cao tốc Chợ Mới - Bắc Kạn chưa có trong quy hoạch như ý kiến của Bộ KH&ĐT.
Bộ GTVT đang tiến hành bổ sung tuyến này vào quy hoạch, nối thông với tuyến QL 3 (đoạn Hà Nội – Thái Nguyên đã được xây dựng theo quy mô cao tốc). Sau khi, bổ sung quy hoạch, trong giai đoạn đầu, tuyến đường này cũng chỉ được xây dựng ở quy mô đường cấp 3, hai làn xe chạy.
Ông Đông cho hay, Bộ GTVT sẽ hoàn thiện quyết toán QL 3 mới ngay trong năm nay. Từ đó, Bộ GTVT đề xuất với Chính phủ kêu gọi đầu tư bằng cách cho nhà đầu tư thu phí tuyến QL 3 mới nhưng xây dựng tuyến Chợ Mới – Bắc Kạn.
Đề nghị rà soát lại việc xây dựng cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên - Bắc Kạn Liên quan đến tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên - Bắc Kạn, Bộ KH&ĐT đề nghị Bộ GTVT rà soát lại quy hoạch, ... |