Phối cảnh sân bay Long Thành (Đồng Nai).
Liên quan đến dự án sân bay Long Thành, Bộ GTVT đã cung cấp thông tin mới nhất về tình hình triển khai.
Cụ thể, Bộ GTVT cho biết, dự án sân bay Long Thành gồm 2 dự án thành phần: Dự án đầu tư xây dựng sân bay Long Thành do Bộ GTVT là cơ quan chủ quản và Dự án GPMB do UBND tỉnh Đồng Nai là chủ đầu tư.
Đối với dự án xây dựng sân bay Long Thành, trên cơ sở đề nghị của Bộ GTVT, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chấp thuận giao Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) làm chủ đầu tư và cho phép sử dụng nguồn vốn từ Quỹ đầu tư phát triển của doanh nghiệp để thực hiện lập báo cá nghiên cứu khả thi (FS) giai đoạn 1.
Tiếp theo đó, Bộ GTVT đã có quyết định giao ACV làm chủ đầu tư giai đoạn lập FS giai đoạn 1 và phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu các gói thầu tư vấn của dự án.
Bộ GTVT cho biết, theo qui định, Chủ đầu tư phải tổ chức lựa chọn phương án kiến trúc Nhà ga hành khách của sân bay Long Thành trước khi lập Báo cáo nghiên cứu khả thi.
Thủ tướng Chính phủ có thẩm quyền quyết định hình thức lựa chọn phương án kiến trúc thông qua thi tuyển hoặc tuyển chọn. Được biết, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tổ chức thi tuyển phương án thiết kế kiến trúc.
Ngày 08/8/2016, có 9 hồ sơ đề xuất dự thi của các tổ chức tư vấn quốc tế đến từ các quốc gia khác nhau nộp hồ sơ thi tuyển.
Sau đó, Bộ GTVT đã có văn bản số 2805/BGTVT-KHĐT ngày 21/03/2018 thống nhất chọn Phương án LT-03 (Hoa Sen) của tác giả HEERIM Architects and Planners Co., Ltd (Hàn Quốc) là phương án được chọn trong 3 phương án kiến trúc được trao giải nhất để triển khai các bước tiếp theo.
Được biết, song song với quá trình lựa chọn phương án kiến trúc Nhà ga hành khách, để đảm bảo tiến độ, trên cơ sở đề nghị của ACV, Bộ GTVT đã có văn bản đồng ý cho ACV triển khai ngay công tác đấu thầu dịch vụ tư vấn lập Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1.
Đến ngày 18/5/2018, ACV đã có Quyết định số 1781/QĐ-TCTCHKVN phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu tư vấn lập FS giai đoạn 1.
Theo đó Liên danh JFV (gồm các công ty tư vấn JAV của Nhật Bản - APDi của cộng hòa Pháp - Nippon Koei của Nhật Bản - OC Global của Nhật Bản - ADCC của Việt Nam - TEDI của Việt Nam) đã trúng thầu.
Đến cuối tháng 9/2018, Tư vấn đã hoàn thành Báo cáo đầu kỳ và cuối tháng 12/2018, Tư vấn đã hoàn thành Báo cáo giữa kỳ để Bộ GTVT, các bộ, ngành, đơn vị liên quan tham gia ý kiến để hoàn thiện.
"Theo kế hoạch, hiện nay Tư vấn đang hoàn thiện Báo cáo cuối kỳ FS giai đoạn 1 để ACV trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ và Hội đồng thẩm định nhà nước", Bộ GTVT cho hay.
Được biết, hiện Bộ GTVT đang chỉ đạo ACV phối hợp với Tư vấn khẩn trương hoàn thành Báo cáo cuối kỳ FS giai đoạn 1.
Theo đó, đơn vị này dự kiến trình FS giai đoạn 1 lên Thủ tướng Chính phủ và Hội đồng thẩm định nhà nước vào tháng 6/2019.
Hội đồng thẩm định nhà nước sẽ thẩm định FS giai đoạn 1 từ tháng 6/2019 - 8/2019. Chính phủ gửi FS giai đoạn 1 cho Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thẩm tra vào cuối tháng 8/2019.
Bộ GTVT cũng dự kiến Quốc hội thông qua FS giai đoạn 1 vào tháng 11/2019 và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt FS giai đoạn 1 vào tháng 12/2019.
Theo Bộ GTVT, ACV đang phấn đấu để có thể khởi công dự án sân bay Long Thành vào cuối năm 2020.
Đối với dự án giải phóng mặt bằng (GPMB), ngày 11/3/2019, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành 2 Quyết định phê duyệt phương án bồi thường đối với Tổng công ty Cao su Đồng Nai với tổng giá trị phương án là hơn 208 tỉ đồng.
Theo dự kiến, Tổng công ty Cao su Đồng Nai sẽ bàn giao mặt bằng trong tháng 5/2019.
Đối với 3,58 ha đất của 22 hộ gia đình, cá nhân, hiện Trung tâm Phát triển quĩ đất đã kiểm đếm xong và đã chuyển hồ sơ cho UBND xã Bình Sơn và huyện Long Thành để xác nhận nguồn gốc đất.
Về xây dựng, đối với Khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn, UBND tỉnh Đồng Nai đã phê duyệt dự án đầu tư; đang tổ chức đấu thầu Tư vấn thiết kế bản vẽ thi công.
Dự kiến hoàn thành đấu thầu xây lắp trong tháng 6/2019 và khởi công tháng 7/2019.
Đối với Phân khu III Khu tái định cư Bình Sơn, đã thẩm định dự án đầu tư, dự kiến phê duyệt dự án trong tháng 5/2019 và khởi công xây dựng trong tháng 9/2019.
Về khu đất 5.000 ha để xây dựng Cảng hàng không, đối với đất của các hộ gia đình, cá nhân, UBND huyện Long Thành đã gửi thông báo thu hồi đất cho 5.283 hộ/15.716 thửa đất/30.251.107,4 m2 trên địa bàn 6 xã: Bàu Cạn, Bình Sơn, Cẩm Đường, Long Phước, Long An và Suối Trầu.
Đối với đất của các tổ chức. UBND tỉnh Đồng Nai đã phê duyệt Kế hoạch thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm và ban hành 4 thông báo thu hồi đất đối với 4 tổ chức gồm:
Tổng công ty Cao su Đồng Nai với diện tích thu hồi khoảng 18.117.384,5 m2; Chùa Bửu Lâm với diện tích thu hồi khoảng 10.942,0 m²; Giáo xứ Thành Đức với diện tích thu hồi khoảng 3.760,0 m2; Giáo xứ Thành Tâm với diện tích thu hồi khoảng 13.990,0 m2.
"Do phần lớn diện tích đất cần bàn giao cho Bộ GTVT để xây dựng giai đoạn 1 là diện tích đất vườn cây cao su của Tổng công ty Cao su Đồng Nai (khoảng 1.099 ha) và khoảng gần 200 hộ dân nên việc GPMB có thuận lợi nhất định, đảm bảo tiến độ chung của dự án.
Hiện nay, UBND tỉnh Đồng Nai đang tập trung chỉ đạo GPMB phần diện tích đất giai đoạn 1, phấn đấu bàn giao đất vào đầu năm 2020 để Bộ GTVT triển khai rà phá bom mìn và các công việc liên quan đến triển khai dự án", Bộ GTVT cho biết thêm.
Ngày 25/6/2015, Quốc hội đã có Nghị quyết số 94/2015/QH13 thông qua chủ trương đầu tư dự án sân bay Long Thành.
Cụ thể, sân bay Long Thành được thực hiện trên địa bàn 6 xã, gồm: Bình Sơn, Suối Trầu, Cẩm Đường, Long An, Long Phước và Bàu Cạn, thuộc huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai.
Sân bay Long Thành cách TP HCM 40 km theo hướng Đông Bắc, cách thành phố Biên Hoà 30 km theo hướng Đông Nam; nằm bên cạnh Quốc lộ 51A và cách Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất 43 km.
Qui mô đầu tư xây dựng các hạng mục của Dự án để đạt công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa năm.
Về tổng mức đầu tư, khái toán cho toàn bộ dự án là 336.630 tỉ đồng (tương đương 16,06 tỉ USD, áp dụng tỉ giá của năm 2014), trong đó giai đoạn 1 là 114.450 tỉ đồng (tương đương khoảng 5,45 tỉ USD).
Dự án này được sử dụng một phần vốn ngân sách nhà nước, vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước của ngành hàng không, vốn doanh nghiệp, vốn đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) và các loại vốn khác theo qui định của pháp luật.
Diện tích đất của dự án là 5.000ha, trong đó, diện tích đất xây dựng kết cấu hạ tầng cảng hàng không là 2.750ha; diện tích đất cho quốc phòng là 1.050ha; diện tích đất dành cho hạng mục phụ trợ và công nghiệp hàng không, các công trình thương mại khác là 1.200ha.
Dự án sân bay Long Thành gồm 3 giai đoạn:
Giai đoạn 1: Đầu tư xây dựng 1 đường cất hạ cánh và 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm, nhà ga hàng hóa 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm; chậm nhất năm 2025 hoàn thành và đưa vào khai thác.
Giai đoạn 2: Tiếp tục đầu tư xây dựng thêm 1 đường cất hạ cánh cấu hình mở và 1 nhà ga hành khách để đạt công suất 50 triệu hành khách/năm, 1,5 triệu tấn hàng hóa/năm.
Giai đoạn 3: Hoàn thành các hạng mục để đạt công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm.