Dự án thủy điện Xuân Nha: 'Chỉ phá một mét vuông rừng cũng không được'

Liên quan đến chủ trương cho phép đầu tư xây dựng Dự án Thủy điện Xuân Nha của UBND tỉnh Sơn La mà Việt Nam Mới phản ánh, lãnh đạo Tổng cục Lâm nghiệp đã chính thức lên tiếng khẳng định quan điểm phủ quyết đối với chủ trương này.

Cùng với Tổng cục Lâm nghiệp, nhiều chuyên gia, nhà khoa học tiếp tục bày tỏ quan ngại về tác động tiêu cực của dự án thủy điện này đối với dân sinh và môi trường sinh thái. Họ cho rằng đây là những hệ lụy nhãn tiền.

du an thuy dien xuan nha chi pha mot met vuong rung cung khong duoc
Bản đồ thể hiện vị trí xây dựng thủy điện Xuân Nha

Không đánh đổi môi trường với bất kì giá nào

Trao đổi với PV Việt Nam Mới, ông Nguyễn Quốc Trị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, những thông tin cụ thể về Dự án Thủy điện Xuân Nha ông chưa nắm được vì chưa có văn bản, thông báo nào từ địa phương. Tuy nhiên, ông Trị khẳng định quan điểm của đơn vị đối với tất cả các dự án đầu tư xây dựng thủy điện gây ảnh hưởng tới Vườn quốc gia và Khu bảo tồn Thiên nhiên (KBTTN) thì đều phải dừng lại hết.

“Thủ tướng Chính phủ đã ra lệnh đóng cửa rừng. Những dự án thủy điện nào chưa xây dựng đề án hay đã xây dựng đề án rồi mà chưa triển khai cũng phải dừng lại. Quan điểm của Tổng cục Lâm nghiệp cũng như lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là không cho phá rừng tự nhiên để làm thủy điện, kể cả chỉ là một mét vuông rừng cũng không đồng ý”, ông Trị nói.

du an thuy dien xuan nha chi pha mot met vuong rung cung khong duoc
Phạm vi quy hoạch dự kiến của dự án được đánh dấu bằng sơn đỏ trong KBTTN Xuân Nha

Đại diện Tổng cục Lâm nghiệp cho rằng, dù hiện tại Dự án Thủy điện Xuân Nha đã được tỉnh Sơn La đồng ý về mặt chủ trương đầu tư nhưng nếu trong trường hợp Dự án này được đưa lên Bộ để hiệp thương thì ông Trị tin tưởng rằng cũng không có ai đồng ý.

Trong khi đó, PGS.TS Bùi Thị An, Viện trưởng Viện trưởng Viện Tài nguyên Môi trường và Phát triển cộng đồng, nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XIII cho hay, Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo rất rõ ràng đối với việc bảo vệ môi trường là không đồng ý đánh đổi môi trường lấy lợi ích kinh tế trước mắt với bất kỳ giá nào.

du an thuy dien xuan nha chi pha mot met vuong rung cung khong duoc
PGS.TS Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội khóa XIII

“Tài nguyên rừng hiện nay đối với nước ta là vô cùng quý giá. Đặc biệt rừng đặc dụng không chỉ là nơi bảo tồn gen mà còn là tấm lá chắn chống biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường sống của con người. Do đó, nếu chỉ vì 4MW điện mà đổi lấy gần 20ha rừng (16,9ha rừng đặc dụng – PV) như thế thì tôi đề nghị các đồng chí lãnh đạo tỉnh Sơn La cần phải xem xét lại”, PGS.TS Bùi Thị An nói.

Theo Đại biểu Quốc hội khóa XIII, tình trạng thiếu điện năng ở nước ta hiện nay là có nhưng nếu với một nhà máy thủy điện có công suất chỉ 4MW thì chẳng thấm vào đâu và không mang nhiều ý nghĩa đối với an ninh năng lượng đất nước. Trong khi đó, những hệ lụy từ việc phá rừng làm thủy điện gây hậu quả sinh thái và cả thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế cho đất nước, cho các địa phương vẫn đang là bài học nhãn tiền.

Đại biểu Quốc hội yêu cầu tỉnh báo cáo chi tiết

Trao đổi với PV Việt Nam Mới, ông Quàng Văn Hương, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La cho hay, thông tin liên quan đến Dự án Thủy điện Xuân Nha ông mới chỉ biết được qua phản ánh của cử tri trong đợt tiếp xúc cử tri ở huyện Vân Hồ đợt vừa rồi. Tuy nhiên, nội dung cụ thể về dự án này ông Hương vẫn đang chờ báo cáo của tỉnh Sơn La.

du an thuy dien xuan nha chi pha mot met vuong rung cung khong duoc
Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La Quàng Văn Hương (bên trái) trong một buổi tiếp xúc cử tri

“Chúng tôi vừa có văn bản gửi UBND tỉnh Sơn La đề nghị báo cáo chi tiết toàn bộ thông tin về dự án. Từ chủ trương đầu tư, quy trình thực hiện, lấy ý kiến người dân, quy trình vận hành của nhà máy… Phải làm rõ cả quá trình lập dự án đã làm đủ quy trình chưa, có vấn đề gì không? quá trình vận hành nhà máy sau này có đảm bảo quyền lợi của người dân không. Lúc đó mới có thể đưa ra đánh giá”, ông Hương nói.

Ông Hương cũng khẳng định quan điểm rõ ràng của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La là sẽ đánh giá và có ý kiến về dự án thủy điện này một cách rành mạch, khách quan, tất cả đặt trên quyền lợi của cử tri. Nếu dự án có điểm gì sai như không đảm bảo quy trình, không lấy ý kiến của người dân, không đảm bảo quyền lợi cho người dân… thì chắc chắn phải xem xét lại.

du an thuy dien xuan nha chi pha mot met vuong rung cung khong duoc
Người dân xã Xuân Nha lo ngại việc xây dựng thủy điện sẽ ảnh hưởng tới cuộc sống và sinh kế của họ

“Chờ khi nào có báo cáo chi tiết của tỉnh, tôi sẽ có ý kiến đánh giá chính thức về dự án này. Đây không chỉ là phản ánh của báo chí mà còn có ý kiến của cử tri, trách nhiệm của đại biểu quốc hội là phải trả lời cử tri, nên vấn đề này chúng tôi ý thức rất rõ trách nhiệm của mình”, ông Hương nhấn mạnh.

Lấy gần 20ha đất rừng, chỉ phải trồng bù 8,61ha

Được biết, ngày 18/8, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Sơn La có Tờ trình số 275/TTr-SNN về việc chấp thuận phương án nộp tiền trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác thuộc Dự án thủy điện Xuân Nha. Theo tờ trình này, chủ đầu tư chỉ phải nộp gần 552 triệu đồng vào Quỹ Bảo vệ phát triển rừng tình Sơn La cho 8,61ha diện tích thực hiện trồng rừng thay thế.

du an thuy dien xuan nha chi pha mot met vuong rung cung khong duoc
Những đồng lúa xanh tốt ở xã Xuân Nha có nguy cơ thiếu nước tưới nếu nhà máy thủy điện được xây dựng

Trước đó, trong Văn bản số 2339/HĐND ngày 29/3/2016 của Hội đồng Nhân dân tỉnh Sơn La về việc cho chủ trương chuyển đối mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án thủy điện Xuân Nha. Văn bản này ghi rõ nhu cầu sử dụng đất của dự án là 28,36ha. Trong đó đất lâm nghiệp là 26,86 ha (gồm 7,01ha đất rừng sản xuất, 2,95ha đất rừng phòng hộ và 16,9ha đất rừng đặc dụng). Tổng diện tích đất rừng được chuyển đổi mục đích sử dụng là 19,85ha nhưng diện tích rừng mà doanh nghiệp phải trồng thay thế chỉ có 8,61ha, quy thành tiền chưa đầy 552 triệu đồng.

PGS.TS Bùi Thị An cho hay, vấn đề trồng rừng thay thế đối với những dự án thủy điện lấy đất lâm nghiệp để chuyển đổi mục đích sử dụng từ lâu đã tồn tại nhiều vấn đề bất cập. Về nguyên tắc, thủy điện lấy bao nhiêu héc ta đất rừng thì phải trồng bồi hoàn lại đúng bằng ấy diện tích. Tuy nhiên thực tế cho thấy có nhiều chủ dự án đã không thực hiện được hoặc thực hiện chưa đầy đủ nghĩa vụ trồng rừng thay thế.

du an thuy dien xuan nha chi pha mot met vuong rung cung khong duoc
KBTTN Xuân Nha nơi dự định xây dựng nhà máy thủy điện còn giữ được khá nhiều cây gỗ lớn

“Vấn đề này đã được Thủ tướng Chính phủ đề cập đến trong một hội nghị hồi tháng 6 vừa rồi. Thủ tướng đã chỉ đạo phải kiên quyết thu hồi giấy phép và dừng hoạt động đối với các dự án thủy điện không chấp hành quy định trồng rừng thay thế và chi trả dịch vụ môi trường rừng”, PGS.TS Bùi Thị An nhấn mạnh.

Ngày 14/10, trả lời PV Việt Nam Mới, ông Vũ Đức Thuận, Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Sơn La cho biết, UBND tỉnh Sơn La vừa yêu cầu chủ đầu tư dừng việc nộp tiền trồng rừng thay thế vào Quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Sơn La để kiểm tra lại toàn bộ quy trình của dự án. “Đây chỉ là tạm dừng thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng thôi. Còn việc dừng dự án hay không phải đợi kết quả đánh giá tác động môi trường của Hội đồng đánh giá tác động môi trường do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì”, ông Thuận nói.

chọn
Hình ảnh khu phức hợp Đại sứ quán Mỹ sau hơn năm khởi công
Hình ảnh mới nhất về tiến độ khu phức hợp Đại sứ quán Hoa Kỳ sau hơn năm khởi công.