Thủy điện vào rừng, cả xã nghèo dáo dác

Đó là Dự án thủy điện Xuân Nha do Công ty Cổ phần Xây dựng và Dịch vu kỹ thuật Thăng Long làm chủ đầu tư, được đặt tại xã Xuân Nha (huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La).

Hiện dự án đã được tỉnh Sơn La thông qua về mặt chủ trương và cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất để thực hiện. Tuy nhiên, điều đáng nói là gần như toàn bộ khu vực dự án này nằm trong địa giới của Khu bảo tổn thiên nhiên Xuân Nha. Nếu được triển khai, sẽ có hàng chục héc ta rừng tại đây bị xóa sổ.

Địa phương có tỉ lệ hộ nghèo lên tới gần 60% bỗng chốc trở thành “bãi đáp” của một dự án xây dựng nhà máy thủy điện. Mới nghe tới thông tin này, cả xã đã dáo dác trong tâm trạng lo âu, thấp thỏm.

Dự án thủy điện Xuân Nha nằm trong Quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ của tỉnh Sơn La theo Quyết định số 9307/QĐ-BCT ngày 1/9/2015 của Bộ Công thương. Ngày 10/11/2015, UBND tỉnh Sơn La ra Quyết định số 2767/QĐ-UBND cho phép chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Xây dựng và Dịch vụ kỹ thuật Thăng Long (Công ty Thăng Long) lập dự án.

Đến ngày 30/3/2016, dự án này chính thức được UBND tỉnh Sơn La chấp thuận chủ trương đầu tư theo Quyết định số 749/QĐ-UBND. Trước đó, ngày 29/3/2016, Hội đồng Nhân dân tỉnh Sơn La ra Quyết định số 2339/HĐND cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án.

Theo đó, Dự án thủy điện Xuân Nha có công suất thiết kế 4MW; nhu cầu sử dụng đất của dự án là 28,36ha gồm 1,5ha đất nông nghiệp và 26,86ha đất lâm nghiệp. Trong đó đất rừng sản xuất 7,01ha, đất rừng phòng hộ 2,95ha và đất rừng đặc dụng 16,9ha. Đặc biệt, diện tích 16,9ha rừng đặc dụng nằm hoàn toàn trong vùng phục hồi sinh thái của Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Nha.

them mot du an thuy dien sap moc giua rung
Con Suối Quanh nơi được chọn để xây nhà máy thủy điện Xuân Nha.

Chỉ muốn được sống yên ổn

Từ trung tâm huyện Vân Hồ đến khu vực dự kiến xây dựng nhà máy thủy điện Xuân Nha chỉ hơn 20km nhưng có gần 3km đường rừng. Sợ chúng tôi lạc đường, anh Ngần Văn Thứ, Phó Bí thư bản Chiềng Hin (xã Xuân Nha) trực tiếp dẫn đường.

Vị trí xây đập nằm ở khu vực gần thượng nguồn con Suối Quanh, nơi có bề ngang hẹp nhất chỉ khoảng 80m còn vị trí đặt nhà máy ở khu vực ngã ba nơi suối Quanh hợp lưu với một nhánh suối khác. Cả hai đều nằm lọt thỏm trong khu vực rừng đặc dụng của Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Nha. Anh Thứ cho biết, sau khi những thông tin liên quan đến Dự án thủy điện Xuân Nha đến tai bà con địa phương, ai cũng trong tâm trạng thấp thỏm lo âu. Bất kể người có đất nằm trong quy hoạch dự án hay không thì nỗi lo của bà con đều giống nhau.

“Lúc công ty xuống bản, đa số bà con đều không đồng ý. Bản đã có điện của Nhà nước rồi, xây thủy điện nữa làm gì. Chúng tôi chỉ muốn sống yên ổn như bây giờ thôi”, anh Thứ nói.

them mot du an thuy dien sap moc giua rung
Anh Thứ chỉ lên khu vực dự kiến đắp đập để tạo hồ thủy điện của dự án thủy điện Xuân Nha.

Nhà ở ngay dưới chân núi nơi có con đường dẫn vào rừng, bà Hà Thị Tháu (bản Chiềng Hin) có khoảng 1.200m2 đất nương nằm trong quy hoạch của dự án nhưng bà chẳng mấy quan tâm đến việc sẽ được đền bù bao nhiêu tiền từ số đất ấy, mà chỉ lo khối đất khổng lồ từ quả núi trước mặt sẽ bị sạt lở vào một ngày nào đó.

“Đất ở đây chủ yếu là đất cát, dễ sạt lở lắm. Giờ đang có cây rừng giữ thì còn đỡ, sau này thủy điện chặt hết cây đi lấy gì giữ đất. Mưa xuống nó sạt, lấp hết nương, hết nhà cửa chúng tôi thì sao?”, bà Tháu lo ngại.

them mot du an thuy dien sap moc giua rung
Bà Tháu lo sợ nguy cơ sạt lở đất khi xây thủy điện.

Hàng xóm của bà Tháu là ông Đinh Văn Định, người có thâm niên làm nghề đánh cá ở Suối Quanh lại bày tỏ lo ngại nhà máy thủy điện sẽ “cướp” đi kế sinh nhai của ông.

“Con suối này nhiều cá lắm. Chỉ cần thả lưới một lúc là bắt được cả cân cá. Nó là nguồn thức ăn quan trọng của dân bản này đấy. Sau này thủy điện làm xong, nước cạn đi thì lấy đâu ra cá mà bắt nữa”, ông Định phân trần.

Theo ông Định, Suối Quanh không chỉ nhiều cá mà rất nổi tiếng với loài cá Dầm Xanh, một loại cá đặc sản ngon không kém gì cá Anh Vũ. Thế nhưng nếu thủy điện được xây, môi trường sống của loài cá này ở Suối Quanh sẽ không còn nữa.

them mot du an thuy dien sap moc giua rung

Ông Suồi lo sợ dự án xây thủy điện khiến ruộng lúa không đủ nước tưới.

Trong khi đó, ông Hà Văn Suồi (SN 1947, ở bản Chiềng Nưa) dù không có đất nằm trong quy hoạch làm thủy điện nhưng cũng đang đứng ngồi không yên trước thông tin sắp có một nhà máy thủy điện mọc trên Suối Quanh, vốn vẫn là nguồn cung cấp nước tưới tiêu cho khu vực ruộng lúa Nà Vá và Nà Hằng.

“Tôi nghe đài báo nói ở trong Tây Nguyên các nhà máy thủy điện làm nước sông hồ cạn kiệt, gây hạn hán ghê lắm. Con Suối Quanh này đôi khi vẫn bị cạn nước vào mùa khô, chúng tôi phải đắp đập giữ nước để tưới cho lúa đấy. Giờ làm cái thủy điện ở phía trên thì lấy đâu ra nước mà tưới lúa nữa”, ông Suồi lo ngại.

Ở bản Chiềng Nưa ông Suồi thuộc nằm trong số có diện tích đất lúa lớn nhất với khoảng 5.000m2 ở khu ruộng Nà Vá. Cùng với Nà Hằng, khu vực này được coi là vựa lúa lớn của xã Xuân Nha.

them mot du an thuy dien sap moc giua rung
Ông Hà Văn Quang, Chủ tịch UBND xã Xuân Nha.

Lợi ích chưa thấy, hệ lụy đã nhãn tiền

Trao đổi với PV Việt Nam Mới, ông Hà Văn Quang, Chủ tịch UBND xã Xuân Nha cho biết có 3 bản của xã là Chiềng Hin, Chiềng Nưa và Thín là chịu tác động trực tiếp và nhiều nhất từ Dự án thủy điện Xuân Nha. Theo quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng đất để phục vụ dự án của Hội đồng Nhân dân tỉnh Sơn La thì chỉ có 1,5ha đất nông nghiệp nằm trong quy hoạch, tuy nhiên ông Quang thừa nhận nếu dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng, diện tích đất nông nghiệp, đặc biệt là đất lúa của xã Xuân Nha có nguy cơ bị ảnh hưởng tiêu cực lớn hơn con số 1,5ha rất nhiều.

“Sẽ có ít nhất khoảng 50ha đất lúa bị ảnh hưởng, tập trung nhiều nhất ở 2 bản Chiềng Hin và Chiềng Nưa. Bà con lo ngại khi thủy điện đắp đập tích nước, nguồn nước ở khu vực hạ nguồn Suối Quanh chắc chắn sẽ ít đi không đủ cho canh tác. Lo lắng của bà con là hoàn toàn có cơ sở”, ông Quang nói.

them mot du an thuy dien sap moc giua rung

Hàng chục héc ta ruộng lúa ở xã Xuân Nha có nguy cơ thiếu nước nếu Dự án thủy điện Xuân Nha được triển khai.

Theo số liệu của UBND xã Xuân Nha, địa phương này có 8 bản với hơn 900 hộ với hơn 4.000 khẩu trong đó chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái và Mường. Hiện tỉ lệ hộ nghèo của địa phương này vẫn đang ở mức rất cao với con số lên tới gần 60%.

Ông Quang cho hay, nghề chính của người dân địa phương vẫn chỉ là nông nghiệp, do đó quỹ đất nông nghiệp vẫn được coi là “cần câu cơm” duy nhất của bà con. Nếu sinh kế này bị ảnh hưởng từ việc xây nhà máy thủy điện thì chắc chắn số hộ nghèo của xã trong những năm tới sẽ không chỉ dừng lại ở con số gần 60% như hiện nay.

“Quan điểm của xã là nếu thủy điện không mang lại lợi ích gì cho bà con mà còn làm ảnh hưởng đến kinh tế xã hội địa phương, ảnh hưởng đến ruộng lúa của người dân thì chúng tôi nhất quyết không đồng ý”, ông Quang quả quyết.

Còn nữa...

chọn
Công ty con Kinh Bắc tăng vốn gấp rưỡi trước thềm xây khu công nghiệp 466 ha ở Long An
Sài Gòn Tây Bắc (SCD) - công ty con của Kinh Bắc sắp xây dựng KCN Lộc Giang gần 5.200 tỷ tại Đức Hòa, Long An. Vừa qua, doanh nghiệp này đã thực hiện tăng vốn điều lệ từ 750 tỷ đồng lên 1.181 tỷ đồng.