Dự báo giá heo hơi ngày 14/1: Xu hướng tăng tiếp diễn trên cả nước?

Giá heo hơi hôm nay (13/1) tăng từ 1.000 đồng/kg đến 2.000 đồng/kg. Dịch tả heo châu Phi tại Thanh Hóa đã được kiểm soát, khống chế hoàn toàn và mọi hoạt động chăn nuôi, vận chuyển, kinh doanh, giết mổ heo trên địa bàn tỉnh trở lại bình thường theo quy định.

Giá heo hơi hôm nay tăng rải rác ở cả ba miền

Giá heo hơi tại miền Bắc dao động trong khoảng 49.000 - 53.000 đồng/kg. Cụ thể, sau khi tăng nhẹ một giá, thương lái tại Yên Bái, Nam Định và Vĩnh Phúc đang cùng thu mua tại mức 50.000 đồng/kg. Tỉnh Thái Nguyên cũng điều chỉnh tăng 2.000 đồng/kg lên 51.000 đồng/kg.

Tại miền Trung, Tây Nguyên, giá heo hơi tăng theo xu hướng thị trường. Theo đó, thương lái tại tỉnh Khánh Hòa hiện đang thu mua heo hơi với giá 49.000 đồng/kg, tăng nhẹ 1.000 đồng/kg. Tương tự, sau khi tăng 2.000 đồng/kg, tỉnh Quảng Nam điều chỉnh giao dịch lên mốc 50.000 đồng/kg, ngang bằng với tỉnh Thanh Hóa, cao nhất khu vực.

Thị trường heo hơi miền Nam chứng kiến giá thu mua tăng nhẹ so với ngày hôm qua. Hiện tại, các tỉnh Tiền Giang và Tây Ninh cùng tăng nhẹ 1.000 đồng/kg, lần lượt thu mua với giá 49.000 đồng/kg và 50.000 đồng/kg. Thương lái tại tỉnh Đồng Nai tiếp tục giao dịch với giá cao nhất khu vực là 51.000 đồng/kg.

Dự báo giá heo hơi ngày 14/1: Xu hướng tăng tiếp diễn trên cả nước? - Ảnh 1.

Ảnh: Financial Times

Thanh Hóa công bố hết dịch tả heo châu Phi

Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thanh Hóa cho biết, các ổ dịch tả heo châu Phi (DTHCP) cuối cùng tại các phường Ninh Hải, Hải Hòa và xã Ngọc Lĩnh (thị xã Nghi Sơn) đã qua 21 ngày không phát sinh ổ dịch mới, theo Thông tấn xã Việt Nam.

Ngày 20/9/2021, dịch bắt đầu xuất hiện với 2 ổ dịch tại xã Thiệu Thịnh và Thiệu Hợp (huyện Thiệu Hóa). Đến ngày 8/1, dịch bệnh xảy ra tại 644 hộ của 226 thôn, 71 xã thuộc 12 huyện, thị xã gồm: Thiệu Hóa, Nông Cống, Triệu Sơn, Như Thanh, Quan Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Nga Sơn, Thạch Thành, Như Xuân, Nghi Sơn và Bỉm Sơn, buộc phải tiêu hủy 4.156 con heo.

Ngay sau khi phát hiện ổ dịch, Sở NN&PTNT đã nhanh chóng phối hợp chặt chẽ với các địa phương phân công lực lượng giám sát dịch bệnh đến tận thôn, bản để phát hiện sớm, xử lý và khống chế các ổ dịch; thành lập tổ công tác điều tra tổng đàn; ký cam kết giữa người chăn nuôi với chính quyền địa phương không bán chạy, giết mổ, vứt xác heo bệnh ra môi trường.

Bên cạnh đó, tổ chức tiêu hủy toàn bộ số heo chết, mắc bệnh theo đúng quy trình kỹ thuật, đảm bảo không làm phát tán mầm bệnh; tăng cường tiêu độc khử trùng, tiêu diệt mầm bệnh đối với vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp và vùng đệm với 41.746 lít hóa chất phun tiêu độc khử trùng, 1.805 lít hóa chất diệt côn trùng và 38,7 tấn vôi bột.

Ông Đặng Văn Hiệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thanh Hóa cho biết, DTHCP được khống chế trước Tết Nguyên đán là nỗ lực của ngành Nông nghiệp và các địa phương. Nhờ đó, việc mua bán, vận chuyển, kinh doanh thịt heo sẽ đáp ứng được nhu cầu mua thực phẩm tăng cao của người dân trong dịp Tết.

Xem thêm: Dự báo giá heo hơi xuất chuồng trong thời gian tới

chọn
Những ông lớn địa ốc hiện diện tại 'Đất Tổ' Phú Thọ
Vài năm trở lại đây, Phú Thọ liên tục đón các doanh nghiệp lớn ngành bất động sản như GP Invest, T&T hay BV Land... Hiện nay, Ecopark và Tasco cũng đang hướng đến dự án bất động sản đầu tiên tại địa phương này.