UBND tỉnh Bắc Giang vừa có quyết định ban hành Đề án nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư tỉnh Bắc Giang đến năm 2030. Quyết định được Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương ký vào ngày 4/8.
Đề án đề ra 7 chỉ tiêu về nâng cao hiệu quả các dự án đầu tư tỉnh Bắc Giang đến năm 2030.
Đáng chú ý là đóng góp của các dự án đầu tư vào GRDP của tỉnh dự kiến đạt từ 60 - 62% vào năm 2025 và đạt 66 - 68% vào năm 2030.
Tổng vốn đầu tư của các dự án (vốn thực hiện) giai đoạn 2021 - 2025 đạt 246.000 tỷ đồng, chiếm 45 - 46% tổng vốn đầu tư toàn xã hội; giai đoạn 2026 - 2030 đạt 613.000 tỷ đồng, chiếm 47 - 48% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.
Đồng thời, hiệu suất sử dụng đất của các dự án đầu tư tăng bình quân 6%/năm, đạt 0,8 tỷ đồng/ha vào năm 2025, đến năm 2030 đạt 1,1 tỷ đồng/ha.
Một chỉ tiêu khác là 100% các dự án đầu tư đều hoàn thành các thủ tục về bảo vệ môi trường trước khi đi vào hoạt động.
Dự kiến đến năm 2025 có 45% các dự án sử dụng công nghệ tiên tiến, đến năm 2030 là 55 - 60%.
Về quy hoạch đô thị, tỉnh phát triển đô thị theo hướng mở rộng, sáp nhập một số đô thị hiện có, thành lập một số đô thị mới; phát triển đô thị tại các trung tâm phát triển công nghiệp theo quy hoạch.
Đến năm 2030, toàn tỉnh có 32 đô thị, trong đó có một đô thị loại I là TP Bắc Giang; một đô thị loại III là thị xã Việt Yên; 4 đô thị loại IV gồm thị xã Hiệp Hòa, thị trấn Chũ, thị trấn Đồi Ngô và thị trấn Vôi; 26 đô thị loại V, trong đó có 17 đô thị thành lập mới.
Về lĩnh vực công nghiệp, từ nay đến năm 2025, Bắc Giang chuyển dần hoạt động thu hút đầu tư phát triển công nghiệp từ phát triển theo chiều rộng sang chiều sâu. Sau năm 2025 tập trung chuyển mạnh sang chiều sâu theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sử dụng ít tài nguyên, năng lượng, thân thiện môi trường.
Khu vực phát triển công nghiệp chỉ xem xét chấp thuận các dự án đầu tư sản xuất vào các khu, cụm công nghiệp theo quy hoạch. Ngoài khu, cụm công nghiệp chỉ xem xét chấp thuận đối với các dự án lớn có tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, các dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện khó khăn (như Sơn Động, Lục Ngạn, Yên Thế), các dự án có tính chất đặc thù không thể sản xuất trong khu, cụm công nghiệp (Các dự án sản xuất vật liệu xây dựng, dự án khai thác, chế biến khoáng sản).
Về hạ tầng các khu công nghiệp, UBND tỉnh sẽ tập trung thu hút nhà đầu tư vào các KCN Quang Châu, Hòa Phú, Việt Hàn.
Từ nay đến năm 2030 thực hiện bổ sung quy hoạch thêm 23 KCN với tổng diện tích khoảng 5.834 ha để đáp ứng nhu cầu phát triển trong những năm tiếp theo, nâng tổng số KCN đến năm 2030 thành 29 KCN với tổng diện tích khoảng 7.840 ha.
Về hạ tầng các cụm công nghiệp, từ nay đến năm 2030, Bắc Giang giữ nguyên diện tích 34 CCN đã thành lập với diện tích 1.263 ha; mở rộng diện tích ba CCN hiện có với diện tích sau mở rộng là 225 ha (bao gồm các CCN Yên Lư, Việt Tiến, Thanh Vân); quy hoạch mới 28 CCN với diện tích 1.676 ha.
Về lĩnh vực thương mại, dịch vụ, từ nay tới năm 2030, tỉnh tập trung thu hút các dự án đầu tư khu đô thị, trung tâm thương mại, chợ đầu mối, khách sạn cao cấp, dịch vụ vui chơi giải trí; dịch vụ logistic; dịch vụ tài chính, ngân hàng, y tế, bảo hiểm tại TP Bắc Giang.
Các dự án đô thị nghỉ dưỡng được chú trọng tại một số địa bàn có thế mạnh như Lạng Giang, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Dũng.
Văn bản của tỉnh cũng chỉ rõ sẽ ưu tiên thu hút các nhà đầu tư thực hiện các dự án khu du lịch: Khu du lịch Suối Mỡ (huyện Lục Nam); khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng hồ Cấm Sơn, hồ Khuôn Thần (huyện Lục Ngạn); Khu giải trí, nghỉ dưỡng, tâm linh (Núi Nham Biền, huyện Yên Dũng).