Theo báo Tiền phong, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa có công văn trả lời Bộ Tài chính về việc trích 7,835 triệu USD từ Hiệp định vay vốn bổ sung để trả cho tư vấn giám sát tại dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông.
Theo đó, do hợp đồng xây dựng dự án (hợp đồng EPC) không hoàn thành đúng tiến độ, nên phải kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng tư vấn giám sát. Điều này làm tăng chi phí hợp đồng tư vấn thêm khoảng 7,8 triệu USD (khoảng 177 tỷ đồng) so với ký kết ban đầu.
Hiện tại nguồn vốn đối ứng của dự án còn lại rất ít, trong khi Hiệp định vay bổ sung còn dư khoảng 26,421 triệu USD. Do đó, Ban quản lý dự án đường sắt (đại diện chủ đầu tư, Bộ GTVT) đã có văn bản đề xuất Bộ GTVT cho sử dụng phần vốn vay còn dư của hợp đồng vay vốn để bù cho chi phí tăng thêm ở hợp đồng tư vấn giám sát.
Bộ đã có văn bản đề nghị Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc sửa đổi một phần hiệp định vay vốn bổ sung, để bổ sung nội dung thanh toán từ hợp đồng vay vốn cho chi phí thuê tư vấn giám sát.
Tuy nhiên, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc cho rằng, khoản tiền tăng thêm của hợp đồng tư vấn giám sát không thể dùng nguồn vốn vay từ hợp đồng tài trợ cho dự án, nên không cần thiết phải sửa hiệp định vay.
Đường sắt Cát Linh - Hà Đông có tổng chiều dài 13,05 km, gồm 12 ga và 1 khu depot. Tổng mức đầu tư ban đầu 8.770 tỷ đồng, sau điều chỉnh lên tới 18.002 tỷ đồng.
Dự án được khởi công tháng 10/2011, dự kiến kế hoạch hoàn thành đưa vào khai thác vào năm 2015.
Mới đây, Bộ GTVT cho biết dự án đã được Tư vấn ACT cấp Chứng nhận an toàn hệ thống ngày 29/4.
Tư vấn ACT đã đánh giá 263 nội dung chuyên ngành công trình, 76 mối nguy hiểm, 31 chức năng an toàn, quản lý rủi ro của 11 chuyên ngành thiết bị. Đồng thời, Tư vấn chỉ ra 16 nội dung khuyến cáo chưa đạt tiêu chuẩn châu Âu và cần khắc phục tại dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông.
Về vấn đề này, UBND TP Hà Nội vừa có công văn gửi Bộ GTVT về việc giải pháp khắc phục đối với các khuyến cáo của Tư vấn đánh giá an toàn hệ thống dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông.