Đường vành đai 'đánh bại' mọi dự án về khả năng kết nối liên vùng, chạy qua cảng biển, sân bay, KCN lớn

Dài gần 198 km và đi qua rất nhiều công trình, dự án lớn như sân bay, cảng biển, khu công nghiệp, khu đô thị, Vành đai 4 TP HCM được đánh giá là có khả năng kết nối liên vùng vượt trội.

Vành đai 4 TP HCM đi qua sân bay Long Thành, cảng Cái Mép - Thị Vải 

Dự án đường Vành đai 4 TP HCM được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch chi tiết năm 2011 với chiều dài 197,6 km. Hướng tuyến đi qua 5 tỉnh thành, gồm Bà Rịa-Vũng Tàu (18,3 km), Đồng Nai (45,45 km), Bình Dương (48,25 km), TP HCM (20,5 km) và Long An (67,85 km). Dự án được đặt mục tiêu hoàn thành trước năm 2025. 

Trong số các dự án đường vành đai chuẩn bị được đầu tư, có thể nói vành đai 4 TP HCM có khả năng kết nối liên vùng vượt trội khi không những giao cắt với các tuyến cao tốc huyết mạch mà còn chạy qua nhiều KCN, KĐT lớn, cả cảng biển và sân bay,

 

 Vành đai 4 TP HCM đi qua 5 tỉnh thành. (Ảnh: Báo Đầu tư).

 Mới đây tại cuộc họp bàn phương án đầu tư đường Vành đai 4 TP HCM đi qua Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu, ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, đoạn tuyến đi qua địa bàn tỉnh và Đồng Nai là cung đường đầu tuyến, có tính liên kết chặt chẽ với nhau trong lưu thông vận tải đường bộ, thuộc khu vực kinh tế xã hội Đông Nam Bộ sầm uất, có cảng biển và sân bay cùng nhiều khu công nghiệp, khu đô thị mật độ cao.

Hai tỉnh cũng thống nhất cùng lúc triển khai thi công đường Vành đai 4 TP HCM, dự kiến hoàn thành trước năm 2025. 

Vành đai 4 TP HCM đoạn qua Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu. (Nguồn: Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Đồng Nai đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050).  

Tại Đồng Nai, đường vành đai 4 chạy qua huyện Trảng Bom và huyện Long Thành. Về Trảng Bom, đây là khu vực có dân số đông thứ hai của Đồng Nai, dự kiến sẽ lên thị xã vào năm 2025. Huyện hiện có 4 khu công nghiệp quy mô lớn là Sông Mây (473 ha), Hố Nai (523 ha), Bàu Xéo (500 ha) và Giang Điền (600 ha).

Hồi đầu năm, theo quy hoạch sử dụng đất cấp huyện giai đoạn 2021-2030 mới được phê duyệt thì huyện Trảng Bom sẽ có gần 2.300 ha đất phát triển công nghiệp, tăng hơn 900 ha so với thời điểm hiện nay. Trong đó, huyện Trảng Bom sẽ triển khai đầu tư mới Khu công nghiệp Bàu Xéo 2 tại xã Đồi 61 với diện tích khoảng 380 ha. Đồng thời, mở rộng diện tích 4 khu công nghiệp khác là: Hố Nai, Giang Điền, Bàu Xéo và Sông Mây thêm hơn 270 ha.

Trong khi đó, huyện Long Thành nổi bật với siêu dự án sân bay Long Thành có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 gần 110.000 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành và đưa vào khai thác trong năm 2025. 

Ngoài ra, Long Thành cũng định hướng thành nơi có công nghiệp phát triển nhất tỉnh. Trong quy hoạch sử dụng đất cấp huyện đến năm 2030, huyện Long Thành sẽ tăng thêm gần 4.900 ha đất công nghiệp. Diện tích đất công nghiệp tăng thêm thuộc 9 khu công nghiệp (KCN) và 4 cụm công nghiệp (CCN).

Đây cũng là huyện được ưu tiên nhiều nguồn vốn ngân sách để đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật kết nối, phục vụ cho sân bay Long Thành và kết nối giao thông của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với các tỉnh khu vực Tây Nguyên, Tây Nam Bộ. 

Còn trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đường vành đai 4 dự kiến giao cắt cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và đi qua cảng Cái Mép - Thị Vải - cảng được quy hoạch thành "siêu cảng" ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. 

KCN ở Bình Dương quy mô 1.000 ha vừa khởi công nằm ngay trên trục vành đai 4 

Một tỉnh khác cũng có vành đai 4 chạy qua là Bình Dương, mới đây cũng vừa thành lập tổ chỉ đạo triển khai dự án này.

Đáng chú ý, đường vành đai 4 đi qua thị xã Bến Cát và Tân Uyên. Đây là hai thị xã được định hướng lên thành phố trực thuộc tỉnh Bình Dương. Theo dự kiến, đến giữa năm 2022, các địa phương sẽ hoàn thành đề án thành lập TP Bến Cát và TP Tân Uyên gửi HĐND, UBND tỉnh Bình Dương trình Trung ương  theo quy định. 

Vành đai 4 đi qua thị xã Bến Cát và Tân Uyên của Bình Dương. Đây là hai thị xã dự kiến sẽ lên thành phố trực thuộc tỉnh. (Đồ họa: Đức Bùi).

Một điểm chung nữa của hai thị xã này là đều có nhiều khu công nghiệp lớn đang hoạt động. Tân Uyên có Nam Tân Uyên, Nam Tân Uyên mở rộng, Phú Chánh, VSIP 2, Sóng Thần 3, Đất Cuốc và sắp tới còn có thêm VSIP 3 quy mô lên đến 1.000 ha. KCN VSIP III được khởi công hồi đầu tháng 3, nằm liền kề các VSIP hiện hữu ở Bình Dương và trung tâm Thành phố Mới Bình Dương; nằm trên trục đường Vành đai 4, dễ dàng tiếp cận đường cao tốc Mỹ Phước - Tân Vạn.   

Đến nay, 31 tập đoàn, công ty trong và ngoài nước đã quan tâm tìm hiểu khả năng phát triển sản xuất tại VSIP III - Bình Dương, tương đương 176 ha đất công nghiệp và 1,8 tỷ USD vốn đầu tư dự kiến.

Trong khi đó Bến Cát sở hữu đến 8 KCN, 1 khu sản xuất tập trung với tổng diện tích gần 4.100 ha.

chọn
Lãnh đạo Everland chia sẻ về dự án HH5 Bắc An Khánh vừa M&A ở khu tây Hà Nội
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, Chủ tịch Everland Lê Đình Vinh cho biết, hiện nay tình hình thị trường bất động sản phía tây Hà Nội đang ấm dần, do tập đoàn đang phối hợp với chủ khu đô thị Bắc An Khánh để hoàn thiện các thủ tục về đầu tư, xây dựng ô đất HH5 để có thể triển khai xây dựng từng phần ngay trong 2024.