FLC có kế hoạch 'trở mình', nhắm đến loạt dự án mới ngay trước khi ông Trịnh Văn Quyết bị bắt

Trước thời điểm ông Trịnh Văn Quyết bị bắt, Tập đoàn FLC vẫn có những kế hoạch "trở mình" sau hai năm chịu ảnh hưởng từ đại dịch. Cụ thể, doanh nghiệp đang lên phương án đầu tư vào loạt dự án BĐS mới cùng mục tiêu lãi kỷ lục trong năm nay.

FLC lên kế hoạch phục hồi BĐS nghỉ dưỡng, tham vọng lãi kỷ lục năm nay

Trên thị trường bất động sản, FLC được biết đến là chủ nhiều dự án nghỉ dưỡng nổi bật trải dài từ Bắc chí Nam. Công ty cho biết, một trong những định hướng chiến lược chính của FLC là phát triển chuỗi dự án quần thể nghỉ dưỡng kết hợp sân golf và đô thị sinh thái trong lòng khu nghỉ dưỡng, tạo thành những hệ sinh thái khép kín tại những khu vực tiềm năng, chưa hoặc ít được khai thác.

Đây cũng lĩnh vực từng giúp FLC tăng trưởng ấn tượng giai đoạn 2015 – 2019 trước khi trải qua hai năm trì trệ. 

Giai đoạn 2020 - 2021, dịch Covid-19 bùng phát, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng trong nước theo đó cũng gần như bị “đóng băng”, tình hình kinh doanh của FLC theo đó cũng đi lùi. Lũy kế cả năm 2021, FLC thu được 6.772 tỷ đồng doanh thu thuần và 84 tỷ đồng lãi sau thuế, lần lượt giảm 50% và 73% so với năm 2020.

 Lợi nhuận của FLC lao dốc trong hai năm đại dịch. (Tổng hợp: Hiền Minh).

Năm 2022, cùng với sự hồi phục của thị trường này khi du lịch mở cửa trở lại, FLC cũng bắt đầu có những động thái đẩy mạnh trở lại các dự án bất động sản nghỉ dưỡng. 

Theo kế hoạch mà công ty từng công bố, chỉ tiêu doanh thu năm nay là gần 27.000 tỷ đồng, lợi nhuận ước tính 2.100 tỷ đồng. Trong đó, mảng bất động sản được cho là sẽ dẫn dắt doanh thu năm 2022 với mục tiêu hơn 18.000 tỷ đồng, tương đương hơn 67% tổng doanh thu.

Đại diện công ty cho biết, nếu tính thêm các lĩnh vực bổ trợ như hàng không và mảng đầu tư thi công, kế hoạch doanh thu của toàn hệ thống sẽ vào khoảng 42.000 tỷ đồng.

Công bố triển khai 25 dự án mới cho năm 2022

Hiện, FLC đang xúc tiến pháp lý khoảng 300 dự án trên hơn 40 tỉnh thành cả nước và có kế hoạch tiếp tục mở rộng quỹ đất từ Bắc vào Nam. 

Theo kế hoạch, năm 2022, công ty sẽ chính thức triển khai gần 25 dự án mới tại nhiều tỉnh thành như Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Thanh Hoá, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Gia Lai, các tỉnh Tây Nguyên và Tây Nam Bộ…, trong đó có các dự án hợp phần mới từ những đại dự án đã và đang được FLC triển khai như FLC Quảng Bình, FLC Quy Nhơn…

  Một hợp phần dự án tại FLC Quảng Bình. (Ảnh: FLC).

Tại khu vực phía Bắc, địa phương trọng điểm đầu tư của FLC là tỉnh Quảng Ninh với gần 30 dự án đang nghiên cứu. Hiện, hai dự án đang được công ty chú trọng triển khai là FLC Grand Villa Halong và Khu đô thị FLC Tropical City Ha Long.

Bên cạnh đó, công ty cũng lên kế hoạch triển khai các dự án như Khu đô thị mới Ninh Dương – Móng Cái, Khu dịch vụ thương mại Cảng Cái Rồng, Khu đô thị kết hợp dịch vụ tại phường Hồng Hải, Hồng Hà… trong năm 2022.

Ngoài ra, cũng tại khu vực phía Bắc, công ty đang có kế hoạch triển khai dự án tại các tỉnh thành như Hà Nội, Hoà Bình, Lào Cai, Tuyên Quang, Thái Nguyên…

Trong đó, tháng 3 vừa qua, UBND tỉnh Hòa Bình đã ban hành quyết định cho FLC đầu tư dự án Quần thể du lịch, nghỉ dưỡng và sân golf Yên Thủy với quy mô 150,33 ha, tổng mức đầu tư của dự án là 2.883 tỷ đồng. Thời hạn hoạt động của dự án trong 50 năm. Theo kế hoạch, đến hết tháng 7/2022, công ty sẽ hoàn thành các thủ tục pháp lý của dự án. 

Tại khu vực miền Trung, các tỉnh Thanh Hóa, Quảng Bình, Bình Định… là khu vực tập trung nguồn lực đầu tư của FLC với các dự án mới thuộc Quần thể FLC Sầm Sơn, FLC Quy Nhơn và FLC Quảng Bình… 

Nhiều dự án đô thị tại các tỉnh Quảng Trị, Quảng Ngãi cũng đã được FLC lên kế hoạch triển khai trong năm 2022.

  Quần thể nghỉ dưỡng và đô thị sinh thái tại FLC Gia Lai. (Ảnh: FLC)

Tại Tây Nguyên, ngoài dự án Quần thể nghỉ dưỡng & đô thị sinh thái FLC Gia Lai quy mô khoảng 500 ha, FLC tiếp tục kế hoạch với loạt dự án đô thị, tổ hợp thương mại – dịch vụ tại các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông… 

Tại khu vực miền Nam, thị trường chính mà FLC hướng đến là các tỉnh Tây Nam Bộ. Bên cạnh Khu đô thị FLC La Vista Sadec (Đồng Tháp) đang tiến hành bàn giao theo tiến độ,  tháng 4 tới đây, công ty dự kiến khởi công dự án Khu phức hợp kết hợp giữa du lịch nghỉ dưỡng, sân golf và đô thị sinh thái FLC Mega City Bạc Liêu với quy mô hơn 400 ha.

Bên cạnh đó, tại TP HCM, đại diện FLC đã có đề xuất nghiên cứu đầu tư hai dự án tại huyện Củ Chi là Công viên Sài Gòn Safari (quy mô hơn 456 ha) và Khu đô thị nghỉ dưỡng ven sông Sài Gòn (quy mô hơn 910 ha). Công ty cho biết, hai dự án này sẽ hình thành một tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí kết hợp đô thị trên địa bàn huyện.

Đầu tháng 2, công ty cũng đề xuất xây Khu đô thị nghỉ dưỡng Smart Eco City theo mô hình phức hợp xanh tại huyện Bình Chánh với quy mô hơn 1.150 ha, tổng mức đầu tư 80.000 tỷ đồng. Theo quy hoạch, dự án sẽ có tòa tháp Landmark 99 tầng.

  Phối cảnh FLC Mega City Bạc Liêu. (Ảnh: FLC). 

Không chỉ thị trường trong nước, tại buổi làm việc với doanh nghiệp Lào, đại diện FLC cũng bày tỏ mong muốn đầu tư xây dựng các dự án nghỉ dưỡng quy mô lớn tại nước bạn song song với việc ký kết hợp tác phát triển dự án Tuyến đường Viêng Chăn – Vũng Áng.

 

Tag:
chọn
Chủ tịch Lương Minh Tuấn: Kính siêu trắng sẽ là mũi nhọn 5 năm tới của Đạt Phương, dự kiến mang về doanh thu nghìn tỷ từ 2026
Theo kế hoạch, quý I /2025 Đạt Phương sẽ khởi công nhà máy sản xuất kính siêu trắng tại Thừa Thiên - Huế, dự kiến từ 2026 sẽ mang về doanh thu 1.500 - 2.000 tỷ đồng. Chủ tịch Đạt Phương cho biết, đây là ngành mũi nhọn của Đạt Phương trong thời gian tới, doanh nghiệp đang có những lợi thế lớn trên thị trường kính siêu trắng.