'Giá BĐS tại Đà Lạt chưa bao giờ xuống và hiện đang đi lên do nhiều nhà đầu tư ngoại tỉnh kéo đến'

Trong quý III, lượng giao dịch đất nền tại Lâm Đồng cao vượt trội so với các sản phẩm căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ.

Nhà đầu tư đặc biệt quan tâm đất nền

Theo báo cáo ngày 4/10 của Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng gửi Bộ Xây dựng, trong quý III vừa qua, tổng lượng giao dịch căn hộ chung cư trên địa bàn đạt 17 căn, nhà ở riêng lẻ là 261 căn. Trong khi đó, có tới 6.766 sản phẩm đất nền được giao dịch. Tồn kho bất động sản là 81 nền.

Giá phân khúc đất nền trên địa bàn huyện Cát Tiên từ 1 - 1,55 triệu đồng/m2, tại huyện Đam Rông là 1 triệu đồng/m2, huyện Lạc Dương là 3 - 5 triệu đồng/m2 và huyện Đạ Tẻh ba triệu đồng/m2.

'Giá BĐS tại Đà Lạt chưa bao giờ xuống và hiện đang đi lên do nhiều nhà đầu tư ngoại tỉnh kéo đến' - Ảnh 1.

Giá bán và cho thuê một số phân khúc bất động sản trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. (Ảnh chụp màn hình).

Trước đó, tại buổi công bố báo cáo thị trường bất động sản quý III của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), bà Lê Thắm, Phó Giám đốc Tâm Real chi nhánh Đà Lạt, đại diện tổ công tác VARS tại khu vực Tây Nguyên cho biết, đất nền tại các huyện Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng và Lâm Hà của Lâm Đồng đang được nhà đầu tư đặc biệt quan tâm. Đây đều là những huyện có thông tin quy hoạch sáp nhập vào TP Đà Lạt mở rộng.

Giá đất không có thổ cư, có sổ hồng tại các khu vực vùng ven TP Đà Lạt trong quý III, dao động từ 800.000 - 5 triệu đồng/m2. Đất thổ cư có giá dao động từ 5 - 15 triệu đồng/m2.

Giá đất khu vực trung tâm dao động từ 200 - 500 triệu đồng/m2. Giá đất thổ cư khu vực bán kính 5 - 10 km quanh trung tâm dao động từ 10 - 100 triệu đồng/m2.

"Lâm Đồng nói chung và Đà Lạt nói riêng vẫn là chốn an toàn cho tất cả mọi người với điều kiện khí hậu, môi trường, cùng với sự kiểm soát dịch tốt. Chính điều này tạo nhiều cơ hội giúp các nhà đầu tư tìm đến mua bán đất Lâm Đồng.

Đặc biệt, những doanh nghiệp, nhà đầu tư sẵn sàng xuống tiền với những sản phẩm tiềm năng. Tại địa bàn TP Đà Lạt, giá bất động sản chưa bao giờ xuống và hiện có xu hướng đi lên do có rất nhiều nhà đầu tư từ các tỉnh khác đến", bà Lê Thắm cho biết.

Lý giải về sức hút của đất nền Lâm Đồng, ông Đặng Trung Hiếu, Giám đốc GM Property Group, chủ đầu tư và nhà phát triển nhiều dự án tại địa bàn này cho biết, phân khúc này phù hợp với túi tiền nhiều người: "Nhà đầu tư chỉ cần bỏ ra chi phí từ một triệu đồng/m2 đối với đất không thổ cư, 4 - 5 triệu đồng/m2 đối với đất có một phần thổ cư hoặc đầy đủ thổ cư. 

Các nhà đầu có thể làm thêm cảnh quan như trồng cây hoa, xây nhà tiền chế và bổ sung dịch vụ tiện ích để làm du lịch, tạo thêm giá trị trên đất, hạn chế được tình trạng đất bỏ hoang".

Các phân khúc khác gặp khó 

Theo Sở Xây dựng Lâm Đồng, trong tình hình đại dịch Covid-19 kéo dài, diễn biến phức tạp, trên địa bàn tỉnh đã thực hiện việc giãn cách xã hội theo các chỉ thị số 15 và 16 của Thủ tướng Chính phủ tại một số xã, thị trấn trên địa bàn TP Đà Lạt, huyện Đơn Dương, Đạ Tẻh.

Tình hình kinh tế - xã hội gặp nhiều khó khăn chung, nhất là các ngành nghề thuộc hoạt động du lịch, dịch vụ; thu nhập của các tầng lớp nhân dân nhìn chung giảm và thấp. Hoạt động xây dựng cũng phải giảm khối lượng thi công, giảm tiến độ đầu tư xây dựng theo kế hoạch. 

Nguồn vốn đầu tư vào bất động sản cũng chưa có dấu hiệu phục hồi. Trong quý III, chỉ có ba dự án du lịch, nghỉ dưỡng với 14 sản phẩm được cấp phép; một dự án nhà ở thương mại với số lượng 8 căn được triển khai. Đặc biệt, không có dự án phát triển nhà ở, dự án bất động sản nào hoàn thành. Và cũng không có dự án, căn hộ nào đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai.

Một số ít dự án khu dân cư, nhà ở, khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái, thương mại có quy mô nhỏ tại Lâm Đồng vẫn đang tiếp tục triển khai thực hiện. Một số dự án đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư và triển khai những thủ tục pháp lý để thực hiện dự án đầu tư như giao đất hoặc thuê đất, xin giấy phép xây dựng,…

Hiện nay công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng cho các dự án đầu tư xây dựng vẫn còn chậm. Theo Sở Xây dựng Lâm Đồng, nguyên nhân là vì còn nhiều khó khăn, vướng mắc, bất cập trong việc xác định đơn giá đất bồi thường, hỗ trợ và giao đất cho các nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án.

Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện dự án, do đặc thù về địa hình, địa chất phức tạp nên thường xuyên phải xử lý hiện trường.

Nguồn cung cấp nguyên vật liệu khan hiếm, giá thành cao, hạn chế trong quá trình vận chuyển cũng là một trong những khó khăn của thị trường Lâm Đồng trong quý vừa qua.

Đích ngắm của nhiều doanh nghiệp địa ốc

Thời gian gần đây, một số tập đoàn lớn như Novaland, Hưng Thịnh, Đại Quang Minh, Ecopark,… đã đổ bộ lên Lâm Đồng để khảo sát, đề xuất loạt dự án quy mô lớn.

Đầu tháng 8, CTCP Đầu tư địa ốc Đại Quang Minh đã được UBND tỉnh Lâm Đồng đồng ý việc nghiên cứu khảo sát, lập ý tưởng thiết kế quy hoạch khu đô thị phía Đông TP Đà Lạt rộng 530 ha. 

Hồi tháng 6, Liên danh CTCP Tập đoàn Hưng Thịnh – CTCP Tập đoàn Đèo Cả - CTCP Tập đoàn Nam Miền Trung Group đã có văn bản đề xuất tài trợ lập quy hoạch và đăng ký đầu tư dự án 15.000 ha tại huyện Lâm Hà - Lâm Đồng.

Hay CTCP Đầu tư và Phát triển đô thị TDH Ecoland (công ty con của Tập đoàn Ecopark) cũng tài trợ lập quy hoạch Khu đô thị đường Nguyễn Hoàng và hồ Vạn Kiếp rộng 207 ha.

'Giá BĐS tại Đà Lạt chưa bao giờ xuống và hiện đang đi lên do nhiều nhà đầu tư ngoại tỉnh kéo đến' - Ảnh 2.

TP Đà Lạt. (Ảnh: BĐS Lâm Đồng).

Trước đó, một số cái tên khá mới trên thị trường BĐS cũng có ý định đổ bộ vào mảnh đất này. Đơn cử, CTCP Đầu tư Nam Á đề xuất tài trợ lập quy hoạch tỷ lệ 1/500 hai điểm dân cư rộng khoảng 120 ha tại xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương.

Hay CTCP Đầu tư bất động sản Green Valley xin tài trợ sản phẩm quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 dự án Khu du lịch sinh thái kết hợp nghỉ dưỡng, hội nghị, hội thảo,... quy mô khoảng 250 ha tại phân khu số 10-4, Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm, TP Đà Lạt.

CTCP Golden City cũng có văn bản đề nghị tìm hiểu quy hoạch, khảo sát tìm kiếm địa điểm đầu tư dự án có diện tích khoảng 165 ha tại đồi Đa Phú, phường 7, TP Đà Lạt.

Cùng với sự đổ bộ của nhiều doanh nghiệp địa ốc, nhiều dự án quy mô lớn tại Lâm Đồng cũng đang chứng kiến những chuyển động mới.

Đơn cử, CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va là đơn vị tài trợ lập quy hoạch Khu đô thị Liên Khương - Prenn, huyện Đức Trọng quy mô gần 2.970 ha. 

Mới đây, thông tin về Khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh (khu đô thị Nam Đà Lạt) cũng gây chú ý trên thị trường bất động sản khi có sự xuất hiện của ông Nguyễn Cao Trí, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc CTCP Tập đoàn Capella.

Dự án này có quy mô khoảng 3.595 ha có tổng vốn đầu tư hơn 25.000 tỷ đồng, do CTCP Đầu tư Du lịch Sài Gòn - Đại Ninh (Sài Gòn - Đại Ninh) làm chủ đầu tư.