'Giá đất trước và sau khi có dự án chênh lệch từ 50 - 700 lần'

Theo PGS.TS Doãn Hồng Nhung, giá đất trước khi có dự án và giá đất sau khi có dự án thường chênh nhau từ 50 - 700 lần. Địa tô chênh lệch đã thể hiện rất rõ tình trạng chưa có sự cân bằng giữa lợi ích của người dân, chủ đầu tư và Nhà nước trong thu hồi đất.

Tại Tọa đàm chuyên đề "Đánh giá vòng 2 việc công khai thông tin kế hoạch sử dụng đất cấp huyện và bảng giá đất cấp tỉnh trên môi trường điện tử năm 2022" do Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) tại Việt Nam và Trung tâm Thúc đẩy giáo dục và Nâng cao năng lực phụ nữ (CEPEW) phối hợp tổ chức sáng 9/3, PGS.TS Doãn Hồng Nhung, Giảng viên Cao cấp - Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội,Phó Trưởng ban Pháp chế, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã có những chia sẻ về vai trò của công bố, công khai thông tin đất đai trong vấn đề thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng.

PGS.TS Doãn Hồng Nhung, Giảng viên Cao cấp - Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ tại tọa đàm sáng 9/3. (Ảnh chụp màn hình).

Theo bà Nhung, các vụ đại án liên quan đến đất đai xảy ra trong những năm vừa qua đều có tình trạng vi phạm thực hiện dân chủ ở địa phương, quyền tiếp cận thông tin của người dân. Hành vi trục lợi chính sách được thể hiện rất rõ qua giá đất và bảng giá đất. 

“Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, giá đất trước khi có dự án và giá đất sau khi có dự án chênh lệch từ 50 - 700 lần”, bà Nhung cho biết, địa tô chênh lệch đã thể hiện rõ việc chưa có sự cân bằng giữa lợi ích của người dân, chủ đầu tư và Nhà nước trong thu hồi đất “qua đó, có thể thấy những dấu hiệu của rửa tiền, tham nhũng từ đất đai. Đây chính là vấn đề nhức nhối trong xã hội”.

Qua khảo sát, có thể thấy ngay trong việc công bố, công khai thông tin đất đai trên các cổng thông tin điện tử địa phương cũng tồn tại ba vấn đề gồm: có công bố, công bố nhưng chưa đầy đủ và không công bố. 

Trong khi đó, theo PGS.TS Doãn Hồng Nhung, việc công bố và thời điểm công bố thông tin rất quan trọng vì gắn liền với nghĩa vụ tài chính của doanh nghiệp khi thực hiện bồi thường, hỗ trợ thu hồi đất. Chỉ khi thông tin được công bố, công khai thì vai trò giám sát của nhân dân, của các cơ quan báo chí mới có thể được thực hiện. 

PGS.TS nhận định, mọi người dân đều muốn biết giá trị tài sản của mình. Quyền được biết thông tin chính xác về giá trị tài sản là quyền lợi chính đáng của người dân, là nhu cầu bức thiết của xã hội trong bối cảnh giá đất có xu hướng không giảm mà chỉ chững lại hoặc tăng lên, giá đất bị đẩy lên quá cao so với giá trị và thị trường bất động sản được dự đoán sẽ còn biến động trong ít nhất 2 - 3 năm tới đây.

“Quyền tài sản thuộc nhà ở trên đất thuộc sở hữu tư, nhưng đất thuộc sở hữu công. Vậy thì giá trị nhà trên đất sẽ được tính thế nào khi Nhà nước thu hồi đất và bồi thường giải phóng mặt bằng”, PGS.TS Doãn Hồng Nhung đặt vấn đề về những thắc mắc của người dân.

Hiện nay việc triển khai công bố, công khai thông tin trên website của các địa phương còn chưa đồng đều. Trong khi một số địa phương như Bắc Giang, Kon Tum, Phú Yên, Ninh Thuận… thực hiện tốt, cho thấy thế mạnh trong việc sử dụng công cụ thông tin thì một số địa phương còn thực hiện chậm. 

PGS.TS Doãn Hồng Nhung gợi ý một số giải pháp như tổ chức tập huấn cho các địa phương, kết nối số liệu giữa các địa phương để chính quyền công khai thông tin và người dân tiếp cận thông tin được thuận lợi hơn.

Theo kết quả nghiên cứu của UNDP và CEPEW, tính đến ngày 6/10/2022, chỉ có 41/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã đăng tải công khai bảng giá đất giai đoạn 2020 - 2024 trên cổng thông tin điện tử của địa phương. Tuy nhiên, tài liệu ở một số cổng thông tin điện tử được lưu dưới dạng tài liệu nén và lưu trữ thiếu tính hệ thống, dẫn tới khó khăn cho việc tìm kiếm. 

Về việc công khai kế hoạch sử dụng đất cấp huyện, tính đến ngày 6/10/2022, có 389/705 UBND cấp huyện đã thực hiện công khai kế hoạch sử dụng đất năm 2022. Trong đó, chỉ có 19 đơn vị  ban hành đúng thời hạn.

Về việc công khai thông tin quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thời kỳ 2021 - 2030, tính đến hết ngày 6/10/2022, có 345/705 UBND cấp huyện đã thực hiện công khai. Trong đó 105 cơ quan được ghi nhận đã công khai đúng thời hạn, 116 cơ quan công khai không đúng thời hạn và 124 cơ quan không xác định được thời gian công khai.

Về tính đầy đủ, có 171/345 UBND cấp huyện đã đăng tải đầy đủ ba văn bản bao gồm quyết định phê duyệt, báo cáo thuyết minh tổng hợp và bản đồ quy hoạch sử dụng đất. Kết quả ghi nhận chỉ có 53 UBND cấp huyện đáp ứng cả 5 tiêu chí đề ra bao gồm công khai thông tin, khả năng tìm kiếm, tính kịp thời, tính đầy đủ và khả năng sử dụng.

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.