Theo VTV, tại Hội thảo góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nhằm lấy ý kiến cộng đồng doanh nghiệp hoàn thiện dự thảo tổ chức ngày 8/3 vừa qua, một số đại diện doanh nghiệp đã kiến nghị cần xây dựng cơ chế đền bù đất.
Có doanh nghiệp chia sẻ, họ có dự án 8 năm không thể triển khai do gặp khó trong khâu giải phóng được mặt bằng, không thể thỏa thuận với người dân.
Theo kiến nghị của các doanh nghiệp, cần xây dựng cơ chế đền bù Nhà nước phê duyệt, còn doanh nghiệp chịu trách nhiệm về chi phí; đồng thời, quy định tỷ lệ đồng thuận tối thiểu để đẩy nhanh quá trình triển khai dự án.
“Chúng tôi đề nghị xem xét bổ sung khi đã đạt được thỏa thuận đa số trên 50% diện tích đất dự án hoặc số người sử dụng đất thuộc khu đất dự án, thì chủ đầu tư được phép yêu cầu các cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức thực hiện công tác cưỡng chế thu hồi đất", bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn BRG phát biểu tại Hội nghị.
Chuyên gia kinh tế, TS. Cấn Văn Lực nói, “Nên quy định rõ là khi nào chúng ta quyết định cưỡng chế, khi thu hồi tỷ lệ đồng thuận là 80:20 hay là 70:30. Chúng ta nên quy định một tỷ lệ cụ thể”.
Bên cạnh vấn đề trên, theo Cổng TTĐT Quốc Hội Việt Nam, góp ý vào dự thảo Luật, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam kiêm Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Bất động sản Toàn cầu cho rằng, dự thảo chưa phân định rõ rệt giữa các loại đất bị thu hồi và bồi thường.
Do đó, đề nghị Điều 170 cần xác định rõ đền bù hoa màu cụ thể là bao nhiêu. Khung giá đền bù do chính quyền địa phương cấp huyện phê duyệt. Đồng thời đề nghị cần làm rõ điều kiện chuyển tiếp, làm rõ những dự án nào đã có phương án đền bù giải phóng mặt bằng và đã có thống nhất do UBND tỉnh quyết định thì cần được thực hiện nghiêm chỉnh.
Giá đền bù phải được thực hiện theo đúng phương án giá đền bù đã được phê duyệt, không thể thực hiện bằng phương pháp tự thoả thuận giữa từng hộ gia đình với chủ đầu tư. Ông Hiệp chia sẻ, doanh nghiệp không thể tự thoả thuận với người dân về giải phóng mặt bằng.