Những người đứng tên trong đơn gồm: NSƯT Hồ Thị Thanh Hương, nguyên Trưởng đoàn ca nhạc dân tộc Đài Tiếng nói Việt Nam, NSƯT Thanh Lam (trưởng nữ) và nhạc sĩ Trí Minh (trưởng nam).
Gia đình cố nhạc sĩ Thuận Yến (Ảnh tư liệu). |
Lá đơn trình bày, trước đây gia đình đã nhận được thông tin từ Hội Nhạc sĩ và báo chí cho biết nhạc sĩ Thuận Yến đã có tên trong danh sách được Hội đồng xét thưởng giải thưởng Hồ Chí Minh thông qua. Mặc dù vậy, vào ngày 26.2, cũng là ngày viết đơn, gia đình được báo chí và bạn bè thông báo nhạc sĩ Thuận Yến không có tên trong danh sách giải thưởng Hồ Chí Minh đợt này. Vì vậy, gia đình nhạc sĩ muốn được Thủ tướng và ban xét thưởng gặp gỡ, cho gia đình được biết vì sao nhạc sĩ Thuận Yến lại không được xét nhận giải thưởng Hồ Chí Minh.
Lá đơn cũng nói đến việc nhạc sĩ Thuận Yến đã tham gia cách mạng từ năm 15 tuổi tới khi 83 tuổi. “Cả gia đình, bạn bè, đồng chí kính nể, trân trọng sức lao động sáng tạo, bền bỉ của nhạc sĩ, tình yêu đất nước, tình yêu lực lượng vũ trang, thành kính Bác Hồ đã thể hiện qua các ca khúc bất hủ, xuất sắc để đời cho Tổ Quốc Việt Nam và đã được nhà nước đánh giá đúng qua các giải thưởng: giải thưởng nhà nước được trao 2001; 1 Huân chương Lao động Hạng Ba; 2 Huân chương Lao động hạng Hai; 1 Huân chương Lao động hạng Nhất”.
Một số bài hát nổi tiếng của nhạc sĩ cũng được nêu trong đơn như: Gửi em ở cuối sông Hồng, Màu hoa đỏ, Người về thăm quê, Con gái mẹ đã thành chiến sĩ...
“Các đồng chí nếu thấy đúng, công bằng, để nhạc sĩ Thuận Yến được nhận giải thưởng Hồ Chí Minh đợt này, đó là niềm vinh hạnh tự hào cho dòng họ, gia đình chúng tôi. Xin trân trọng cảm ơn các đồng chí”, nội dung lá đơn viết.
Nhạc sĩ Thuận Yến được đề cử giải thưởng Hồ Chí Minh năm nay, Hội đồng xét giải của Bộ VH-TT-DL đã chuyển danh sách lên Ban thi đua khen thưởng T.Ư. Tuy nhiên, trong bản danh sách cuối cùng lại không có tên ông.