Thống kê từ Trung tâm thông tin công nghiệp và thương mại - Bộ Công Thương, hiện các tỉnh khu vực trung du và miền núi Bắc bộ như Tuyên Quang, Thái Nguyên, Yên Bái, Lào Cai… giá heo hơi đạt đỉnh 61.000 - 63.000 đồng/kg. Tại khu vực phía Nam, Bình Phước, Bình Dương, Vũng Tàu là 3 địa phương có giá heo hơi lên đến ngưỡng 58.000 - 60.000 đồng/kg.
Tại miền Trung, Tây Nguyên, giá heo hơi lại biến động trái chiều, nhiều nơi tăng - giảm không đồng nhất. Tính chung toàn miền, giá heo hơi bình quân đạt khoảng 55.000 đ/kg. Tại TP HCM, giá heo hơi vẫn "bình thản" ở mức thấp 52.000 đ/kg.
Giá heo hơi dần tìm đà tăng trở lại mốc 60.000 đồng/kg. (Ảnh: Báo LĐ).
Trước tình trạng giá thịt heo nội địa tăng nhanh, thịt heo nhập khẩu tìm cách ào ạt cập cảng. Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), lượng thịt heo nhập khẩu trong 9 tháng đầu năm 2019 cao hơn hẳn tổng số lượng thịt nhập khẩu 12 của từng năm 2016, 2017 và 2018.
Riêng tại TP HCM, theo số liệu của Cục Hải quan, lũy kế từ đầu năm đến 15/10, lượng thịt heo nhập khẩu cập cảng đã lên đến 10.820 tấn, với kim ngạch hơn 21,325 triệu USD, tăng đến 155% cả về lượng và giá trị so với cùng kì năm ngoái.
Brazil, Ba Lan, Mỹ và Bỉ là 5 nguồn cung cấp thịt heo lớn cho thành phố gần 10 triệu dân. Giá thịt heo nhập khẩu tại TP HCM trung bình chỉ ở mức trên dưới 46.000 đồng/kg. Nếu tính từng thị trường, thịt heo nhập khẩu từ Mỹ có giá trung bình chỉ 49.000 đồng/kg; thịt heo Brazil chỉ 47.000 đồng/kg; thịt heo từ Ba Lan rẻ hơn chỉ 45.000 đồng/kg…
Chỉ riêng 9 tháng đầu 2019, lượng thịt heo nhập về Việt Nam đã phá kỉ lục 12 tháng cộng lại kể từ năm 2016. (Đồ họa: Tất Đạt).
Giá heo hơi tăng khá nhanh, Bộ NN&PTNT giải thích là do tác động của dịch tả heo châu Phi. Cụ thể, sau 8 tháng dịch bệnh hoành hành, sản lượng thịt heo đã giảm 8,2%, trong khi đây là nguồn đạm chiếm tới 65-70% trong cơ cấu rổ thực phẩm của người Việt. Cung giảm nên ảnh hưởng đến thị trường.
Thêm nữa, mặc dù sản lượng thịt heo chỉ giảm 8,2%, trong thực tế không hiếm thịt heo, song một số cơ sở chăn nuôi cố tình găm giữ heo lại để chờ giá cao. Những ngày gần đây xuất hiện hiện tượng vận chuyển heo sang thị trường bên cạnh. Tất cả những nguyên nhân đó đã đẩy giá heo tăng mạnh trong thời gian gần đây.
Chỉ còn gần 3 tháng nữa là Tết Nguyên đán, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường yêu cầu các doanh nghiệp phải bảo vệ thị trường cùng với người tiêu dùng; các doanh nghiệp không được tăng giá vô lối, không găm hàng làm giá.
Đặc biệt, Bộ chỉ đạo các trang trại, doanh nghiệp tuyệt đối không được xuất khẩu heo tiểu ngạch sang Trung Quốc.
Ngoài ra, thời gian gần đây, dư luận dấy lên thông tin heo từ Thái Lan, Campuchia vận chuyển vào Việt Nam. Ông Nguyễn Xuân Dương, Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết điều này hoàn toàn xảy ra, mặc dù Campuchia không có heo.
Ông nhận định: "Không loại trừ khả năng heo từ Thái Lan quá cảnh qua Campuchia sau đó vận chuyển sang Việt Nam. Trong khi đó, dịch tả heo châu Phi cũng đã xuất hiện ở Thái Lan. Do đó chúng ta cần kiểm soát chặt chẽ, nhất là cơ quan thú y", ông Dương cho biết.
Bộ NN&PTNT sẽ thắt chặt việc xuất khẩu heo sang Trung Quốc theo đường tiêu ngạch. (Ảnh: TTXVN).
Trước nguy cơ thiếu thịt heo dịp cuối năm, Bộ NN&PTNT đã có kịch bản chi tiết cụ thể tình hình sản xuất, dịch bệnh, đánh giá sát từng tháng tình hình cung - cầu và phối hợp Bộ Công Thương để có biện pháp bảo đảm nguồn cung cho tiêu dùng trong nước; tránh tình trạng tăng giá đột xuất nhóm hàng này.
Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo tái đàn ở các khu vực hết dịch; đa dạng hóa nguồn cung các sản phẩm thay thế.
Tổng cục Quản lí thị trường cũng chỉ đạo lực lượng quản lí thị trường cả nước chốt ở các điểm kiểm dịch 24/24, tránh tình trạng kinh doanh, vận chuyển heo bệnh vào tiêu thụ. Đồng thời, vận động các tiểu thương trong chợ kí cam kết không kinh doanh, tiêu thụ heo bệnh.
Trong trường hợp nguồn cung không đủ đáp ứng nhu cầu, ngành công thương sẽ có kế hoạch nhập khẩu nguồn thịt từ nước ngoài để thay thế.
Kinh doanh 05:00 | 05/01/2022
Kinh doanh 05:00 | 14/11/2021
Kinh doanh 05:00 | 11/10/2021
Kinh doanh 05:00 | 05/10/2021
Kinh doanh 05:00 | 03/09/2021
Tiêu dùng 05:17 | 09/06/2020
Tiêu dùng 17:31 | 27/05/2020
Tiêu dùng 21:24 | 26/03/2020