Giá heo hơi tăng nóng đẩy CPI tháng 11 cao kỉ lục 9 năm qua

Giá heo hơi tăng nóng, thịt heo bán lẻ đã tăng lên hơn 200.000 đồng/kg trong tháng 11, đẩy chỉ số giá tiêu dùng tăng 0,96%. Các sản phẩm thay thế thịt heo hoặc làm từ heo cũng tăng vài điểm %.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê vừa công bố, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11/2019 tăng 0,96% so với tháng trước. Đây là mức tăng cao nhất của tháng 11 trong 9 năm gần đây.

Tuy nhiên, nếu tính bình quân 11 tháng của năm 2019, chỉ số giá tiêu dùng chỉ tăng 2,57% so với cùng kì năm 2018.

IMG_8714

Giá thịt heo niêm yết của Vissan hiện nay tại siêu thị Co.opmart sau khi TP HCM đồng ý nâng giá thịt bình ổn thị trường vào đầu tháng 11. (Ảnh: Phúc Minh).

CPI tháng 11/2019 tăng cao do nguồn cung thịt heo giảm

Tổng cục Thống kê cho biết sở dĩ CPI tháng 11 tăng cao là do nguồn cung thịt heo giảm, làm giá thịt heo và các thực phẩm chế biến từ thịt tăng cao.

Trong mức tăng 0,96% của CPI tháng 11/2019, có 9 nhóm hàng hóa và dịch vụ chỉ số giá tăng. Nhóm hàng dịch vụ ăn uống tăng cao nhất, với 2,74%.

Nhóm thực phẩm tăng 4,11%. Nguyên nhân chính là giá thịt heo tăng 18,51%, tác động CPI chung tăng 0,78%. 

Trước đó, Tổng cục Thống kê cũng đã dự báo CPI tháng 11 sẽ tăng khoảng 0,8-1%, chủ yếu do giá thịt heo tăng, riêng giá thịt heo tác động đến mức tăng CPI dự báo là  0,75%. Như vậy, thực tế, mức tác động của thịt heo tới CPI chung tăng cao hơn so với dự báo của Tổng cục Thống kê trước đó.

Thay thế thịt heo, các sản phẩm chế biến từ thịt heo và giá các mặt hàng thay thế cũng bắt đầu tăng. Theo đó, thịt quay, giò chả tăng 5,99%; giá thịt hộp, chế biến khác tăng 0,59%; giá thịt bò tăng 1,29%; giá thịt gà tăng 1,57%; giá cá, tôm tươi ướp lạnh tăng từ 0,89-1,36%; giá thủy sản chế biến tăng 0,49%…

Nhận định chung về tình hình chăn nuôi, Tổng cục Thống kê cho biết chăn nuôi bò và gia cầm đang phát triển tốt, sản xuất thủy sản tiếp tục giữ được đà tăng trưởng về sản lượng nuôi trồng.

Dịch tả heo châu Phi tại nhiều địa phương được kiểm soát, tổng đàn heo giảm mạnh dẫn đến thiếu hụt nguồn cung gây nên tình trạng tăng giá.

Chăn nuôi heo trong tháng tiếp tục giảm mạnh 22% so với cùng thời điểm năm trước. Lũy kế từ đầu tháng 2/2019 đến ngày 19/11/2019, dịch tả heo châu Phi đã xảy ra tại 8.505 xã thuộc 666 huyện của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, với tổng số heo tiêu hủy gần 5,9 triệu con, tương đương tổng trọng lượng 338 tấn. 

Trong đó, có 54% số xã qua 30 ngày không phát hiện ổ dịch mới.

IMG_3418

Giá các loại thực phẩm khác thay thế thịt heo cũng bắt đầu tăng. (Ảnh: Phúc Minh).

Kiểm soát dư thừa nguồn cung thịt heo nếu ồ ạt tái đàn

Theo Tổng cục Thống kê, dù dịch tả heo châu Phi tại nhiều địa phương được kiểm soát, một số địa phương đã công bố hết dịch, nhưng việc tái đàn diễn ra chậm, do tâm lí của người sản xuất còn e ngại nguy cơ tái phát dịch bệnh.

Về việc cơ cấu lại ngành chăn nuôi, đàn bò trong tháng 11 ước tính tăng 2,4%.

Đàn gia cầm cả nước tăng cao 12% so với cùng thời điểm năm trước, do trong thời gian qua, nhiều hộ chuyển hướng từ chăn nuôi heo sang gia cầm, các cơ sở chăn nuôi cũng chủ động tăng đàn gia cầm trước tình hình dịch tả châu Phi. 

Tuy nhiên, Tổng cục Thống kê khuyến cáo người chăn nuôi cần theo dõi sát tình hình thị trường, các cơ quan chức năng cần cung cấp thông tin kịp thời, kiểm soát tình hình chăn nuôi tại địa phương, không nên tăng đàn ồ ạt dẫn tới tình trạng dư thừa nguồn cung khiến giá bán giảm sâu, gây thua lỗ. 

Về lạm phát, Tổng cục Thống kê cho biết lạm phát cơ bản tháng 11/2019 tăng 0,3% so với tháng trước và tăng 2,18% so với cùng kì năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 11 tháng năm 2019 tăng 1,94% so với bình quân cùng kì năm 2018.

Trước tình hình giá heo hơi tăng cao, tác động CPI, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định Chính phủ sẽ kiểm soát lạm phát từ 3,3-3,9%, và có thể thấp hơn mức này, dù giá xăng dầu thế giới tăng và giá heo cũng tăng.

Việc kiểm soát, điều chỉnh được thực hiện dựa trên cơ sở bảo đảm cung cầu, minh bạch các thông tin cho người dân và người tiêu dùng nhằm hài hoà lợi ích các bên.

chọn
Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (20/7 - 26/7): Hơn 11.500 tỷ đồng làm cao tốc Sơn La - cửa khẩu Tây Trang, chính thức mở rộng TP Nam Định
Chính thức mở rộng TP Nam Định; thông tin mới về dự án khép kín đường Vành đai 3 Hà Nội qua huyện Đông Anh; hơn 11.500 tỷ đồng làm cao tốc Sơn La - cửa khẩu Tây Trang; duyệt điều chỉnh quy hoạch chung TP Cam Ranh... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.