'Giá nhà ở tăng quá cao so với mặt bằng thu nhập của người dân'

Đó là một trong những tồn tại trên thị trường bất động sản được Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh chỉ ra tại Hội thảo “Một số kiến nghị và giải pháp tháo gỡ khó khăn để phục hồi thị trường bất động sản trong giai đoạn hiện nay” do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tổ chức ngày 25/11 vừa qua.

Thông tin về tình hình thị trường bất động sản, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, giá giao dịch bất động sản đã tăng mạnh và có hiện tượng sốt giá cục bộ tại một số khu vực, phân khúc bất động sản trong năm 2021.

Thời điểm cuối quý I đầu quý II, thị trường đã xảy ra hiện tượng tăng giá, thậm chí "sốt giá" tại một số phân khúc.

Cụ thể, giá giao dịch căn hộ chung cư ở nhiều dự án, đặc biệt tại Hà Nội và TP HCM đều tăng khoảng 5 - 7%.

Giá giao dịch nhà ở riêng lẻ trong các dự án tại nhiều địa phương tăng bình quân 8 - 10%. Tích lũy cả hai quý, giá nhà ở riêng lẻ tại nhiều địa phương có mức tăng khoảng 15 - 20% so với mức quý IV/2020. Trong đó, Hải Phòng, Đà Nẵng, Bình Dương là những địa phương có mức giá bình quân tăng cao.

Giá nhà ở tại khu vực đô thị đã tăng quá cao so với mặt bằng thu nhập chung của người dân.

Đất nền tại một số điểm cục bộ của một số địa phương cũng đã ghi nhận mức tăng cao. Tại vùng ven Thủ đô Hà Nội như Quốc Oai và Ba Vì, giá tăng lần lượt 20% và 45%. Một số điểm tại các tỉnh cũng ghi nhận mức tăng cao như Hòa Bình tăng 46%, Bắc Ninh tăng 20%, Hưng Yên tăng 26%.

Nhiều nơi như Thanh Hóa; TP Thủ Đức và huyện Cần Giờ của TP HCM; Biên Hòa, Nhơn Trạch và Long Thành của tỉnh Đồng Nai… cũng ghi nhận hiện tượng giá đất nền tăng rất nhanh trong thời gian ngắn.

Giá bất động sản nhà ở tăng quá cao so với mặt bằng thu nhập của người dân - Ảnh 1.

Giá bất động sản nhà ở, đặc biệt tại khu vực đô thị đã tăng quá cao so với mặt bằng thu nhập của người dân. (Ảnh minh họa: Hạ Vũ).

Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, đây là một trong những khó khăn, tồn tại được đặt ra cho thị trường bất động sản. Nguyên nhân dẫn đến giá bất động sản, đặc biệt là đất nền tăng nhanh trong thời gian ngắn như trên là do xuất hiện các thông tin chưa rõ ràng về quy hoạch hành chính từ huyện, thị xã lên quận, thành phố; về chủ trương đầu tư xây dựng các khu đô thị, khu du lịch mới, đầu tư xây dựng sân bay, dẫn đến giới đầu cơ, môi giới lợi dụng để thổi giá thu lợi.

Hiện tượng tăng giá đất nền nóng cục bộ đã nhanh chóng hạ nhiệt khi Chính Phủ, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường có các văn bản chỉ đạo chính quyền địa phương kịp thời đưa ra các thông báo cảnh báo, cũng như công khai các thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giá đất trên địa bàn. Đơn cử như thông tin quy hoạch sân bay Tec-nich tại Bình Phước, quy hoạch hành chính huyện Thủy Nguyên tại Hải Phòng, điều chỉnh bảng giá đất tại Đà Nẵng...

Thứ trưởng Bộ Xây dựng nhận định, thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản vẫn còn nhiều hạn chế, thiếu tính minh bạch, dẫn đến tình trạng người mua bị lừa đảo, chiếm dụng tiền huy động tại các dự án bất động sản, nhà ở chưa đủ cơ sở pháp lý, điều kiện huy động vốn hoặc dự án không có thật (dự án ma). Bên cạnh đó còn có tình trạng lợi dụng các thông tin quy hoạch, nâng cấp đô thị, cấp hành chính để thối giá, gây sốt ảo bất động sản.

Để giải quyết các khó khăn của thị trường, rất cần sự chung sức của các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và hiệp hội trong việc phục hồi, sản xuất, kinh doanh.

Trong đó, các địa phương cần công khai thông tin về thị trường; về chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, về việc sáp nhập, thành lập, nâng cấp đơn vị hành chính tại địa phương; thông tin về đầu tư phát triển hạ tầng của địa phương... cho các cơ quan, tổ chức, người dân nắm rõ nhằm bảo đảm minh bạch thông tin thị trường, ngăn chặn các hiện tượng lừa đảo, đầu cơ thổi giá bất động sản để thu lợi bất chính.

Đặc biệt, địa phương cần có biện pháp quản lý, ngăn chặn việc chia tách, "phân lô, bán nền" tại các khu vực chưa được phép đầu tư, thiếu hệ thống hạ tầng; tăng cường kiểm soát hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản, các tổ chức, cá nhân hành nghề môi giới bất động sản; chấn chỉnh hành vi mua bán trao tay nhiều lần, thổi giá gây nhiễu loạn thông tin thị trường bất động sản.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.