'Giá nhà ở xã hội đang quá cao'

Theo ĐBQH tỉnh Hậu Giang, thủ tục đầu tư, mua bán nhà ở xã hội kéo dài và phức tạp hơn nhà ở thương mại; còn giá bán thì quá cao so với thu nhập của người dân nói chung và công nhân nói riêng.

Một dự án NOXH triển khai nhiều năm tại huyện Hoài Đức, TP Hà Nội. (Ảnh tư liệu: Di Anh). 

Tham gia thảo luận tại Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV vào chiều 29/5, đại biểu Lê Thị Thanh Lam - Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang đánh giá, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 tuy đạt được những kết quả quan trọng nhưng vẫn còn những tồn tại.

Một số trong đó gồm GDP tăng trưởng thấp hơn mục tiêu đề ra, công nghiệp phục hồi chậm, công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế còn xảy ra tình trạng nợ đọng, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật.

Nguyên vật liệu khan hiếm, tăng giá, gây ảnh hưởng đến tiến độ thi công các dự án, nhất là những công trình trọng điểm quốc gia.

Ngoài ra, trình tự thủ tục đầu tư, mua bán nhà ở xã hội còn kéo dài, thậm chí phức tạp hơn nhà ở thương mại; một số địa phương chưa thực hiện quyết liệt công tác cải cách thủ tục hành chính để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân tham gia đầu tư, xây dựng nhà ở xã hội, dẫn đến thời gian chuẩn bị đầu tư, bồi thường, giải phóng mặt bằng, giao đất, thẩm định, phê duyệt quy hoạch dự án bị kéo dài theo. 

Chưa kể nhiều doanh nghiệp trong khu công nghiệp còn chưa quan tâm đến chỗ ở cho công nhân và người lao động của đơn vị. 

Đại biểu Lê Thị Thanh Lam. (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội).

Nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên và triển khai hiệu quả công tác phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2024, đại biểu này đã đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các địa phương chia sẻ nguồn cát cung cấp thi công các dự án cao tốc (điển hình như cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1). Nên kiểm tra chất lượng cát biển khi đưa vào sử dụng công trình.

Đồng thời, đề nghị Chính phủ chỉ đạo ngành chuyên môn khi giải tỏa đường cao tốc nên giải tỏa đền bù trọn tuyến, nhất là tại những góc tam giác hoặc phần đất của dân trong đường cao tốc. Bởi, thời gian qua, phần đất của dân trong đường cao tốc hoặc không sản xuất được, không có nước tưới tiêu; hoặc là các nhà tạm bợ gây mất mỹ quan.

Song song đó, đề nghị Chính phủ có chỉ đạo về tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai nhà ở xã hội. Có những chính sách đồng bộ từ trung ương đến địa phương, giúp nhanh chóng tháo gỡ các vướng mắc trong khâu quy hoạch, thủ tục xét duyệt quỹ đất.

Theo đại biểu, việc phát triển nhà ở xã hội cần phải được lập các nguồn vốn bền vững, đi kèm với đó là việc phát triển hệ thống thông tin, dữ liệu nhà ở xã hội. Lực lượng công nhân lao động nhập cư, làm việc trong các cụm công nghiệp còn gặp nhiều khó khăn trong việc tìm chỗ ở, chỗ học cho con. Lý do bởi nhà ở xã hội chưa nhiều, chưa đáp ứng đủ nhu cầu của người lao động.

"Trên thực tế, giá nhà ở xã hội vẫn đang quá cao so với thu nhập của người dân nói chung và công nhân lao động có nhu cầu về nhà ở nói riêng", bà Lam bổ sung. 

chọn