Chốt phiên giao dịch ngày 7/7, giá thép thanh hợp đồng tháng 7 trên Sàn Thượng Hải tăng nhẹ 4 nhân dân tệ, tương đương 0,13%, lên mức 3.082 nhân dân tệ/tấn.
Ngược lại, thị trường quặng sắt ghi nhận xu hướng giảm. Tại Sàn Đại Liên, giá hợp đồng kỳ hạn tháng 7 giảm mạnh 5,01%, tương đương 38,5 nhân dân tệ, xuống còn 729,5 nhân dân tệ/tấn.
Trên Sàn Singapore (SGX), giá quặng sắt cùng kỳ hạn cũng điều chỉnh giảm 0,64 USD, chốt phiên ở mức 95,25 USD/tấn.
Diễn biến giá thép thanh kỳ hạn tháng 7 trên Sàn Thượng Hải. Nguồn: Barchart
Theo Hellenic Shipping News Worldwide, giá hợp đồng tương lai quặng sắt đã giảm vào thứ Hai (7/7), do lo ngại về nhu cầu tiếp tục đè nặng lên thị trường. Áp lực đến từ việc Trung Quốc – quốc gia tiêu thụ lớn nhất thực hiện các biện pháp hạn chế sản lượng tại trung tâm sản xuất thép lớn là Đường Sơn, cùng với sự không chắc chắn kéo dài liên quan đến thuế thương mại của Mỹ.
Tại thành phố Đường Sơn, các nhà máy luyện thép ở miền Bắc Trung Quốc đã nhận được thông báo về việc kiểm soát sản xuất vì lý do bảo vệ môi trường – theo nguồn tin từ Tangshan Baochun Data, công bố trên tài khoản WeChat vào thứ Bảy (5/7). Một số nhà máy địa phương cũng đã tiến hành bảo trì một số thiết bị thiêu kết. Theo các nhà phân tích, động thái này sẽ làm giảm nhu cầu đối với quặng sắt.
Ngoài ra, thị trường vẫn trong trạng thái lo lắng khi thời hạn cuối cho các thỏa thuận thương mại của Mỹ đang đến gần – theo ghi nhận từ ANZ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết vào Chủ Nhật (6/7) rằng ông sắp hoàn tất một số thỏa thuận thương mại và sẽ thông báo với các quốc gia khác về việc tăng thuế trước ngày 9/7, với mức thuế cao hơn sẽ có hiệu lực từ ngày 1/8.
Trong khi đó, Việt Nam – điểm đến xuất khẩu thép lớn nhất của Trung Quốc đã chính thức áp thuế chống bán phá giá lên tới 27,83% đối với một số sản phẩm thép từ Trung Quốc sau khi thuế tạm thời hết hiệu lực.
Tuy vậy, nhu cầu quặng sắt trong ngắn hạn vẫn khá ổn định, được hỗ trợ bởi biên lợi nhuận ngành thép mạnh, giúp hạn chế đà giảm giá sâu hơn.
Sản lượng kim loại nóng trung bình hàng ngày – một chỉ số phản ánh nhu cầu quặng sắt vẫn ở mức 2,41 triệu tấn tính đến ngày 3/7, cao hơn so với cùng kỳ năm trước, theo dữ liệu từ hãng tư vấn Mysteel, dù có dấu hiệu chững lại.
Ảnh: Minh Thư
Giá thép xây dựng tại thị trường nội địa tiếp tục đi ngang, duy trì ổn định trên diện rộng tại các thương hiệu lớn.
Theo khảo sát, giá thép Hòa Phát hôm nay không có biến động so với trước đó. Cụ thể, thép cuộn CB240 được giữ nguyên ở mức 13.230 đồng/kg, trong khi thép thanh vằn D10 CB300 ổn định ở 12.830 đồng/kg.
Giá thép từ các nhà sản xuất khác như Việt Ý, Việt Đức và Việt Sing cũng giữ ở mặt bằng cũ. Thép Việt Ý hiện có giá 13.130 đồng/kg đối với CB240 và 12.520 đồng/kg với D10 CB300. Thép Việt Đức giao dịch ở mức 13.050 đồng/kg cho CB240 và 12.440 đồng/kg cho D10 CB300. Trong khi đó, Việt Sing niêm yết CB240 ở mức 13.130 đồng/kg và D10 CB300 ở 12.930 đồng/kg.
Promina tiếp tục dẫn đầu về giá với thép cuộn CB240 không đổi ở mức 14.440 đồng/kg, còn D10 CB300 vẫn ở 14.290 đồng/kg.
Riêng giá thép Miền Nam vẫn duy trì ở nhóm cao nhất thị trường. Thép CB240 hiện được giao dịch ở mức 14.210 đồng/kg, trong khi D10 CB300 giữ nguyên tại 14.410 đồng/kg.