Suốt từ cuối năm 2019 đến nay, giá thịt lợn luôn duy trì ở mức cao.Trong khoảng thời gian đó, Bộ NN&PTNT đưa ra giải pháp nhập khẩu thịt đông lạnh và yêu cầu doanh nghiệp lớn hạ giá lợn hơi xuống 70.000 đồng/kg.Tuy nhiên, sau gần 2 tháng, các doanh nghiệp này cũng đua nhau tăng giá lợn hơi lên hơn 80.000 đồng/kg.Giá lợn hơi ngoài thị trường cũng “nhảy” giá không thể kiểm soát được.
Theo khảo sát của PV ngày 29/5, giá lợn hơi ở nhiều địa phương giảm nhẹ so với ngày hôm trước nhưng vẫn duy trì ở mức 97.000 đồng/kg đến 100.000 đồng/kg. Ở phía Bắc, giá lợn hơi tại Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam vẫn đạt 99.000-100.000 đồng/kg; tại Tuyên Quang, Hà Nội giá lợn hơi ở mức 98.000 đồng/kg.
Theo các thương lái, lượng lợn hơi xuất chuồng khá khan hiếm, gần như họ không mua được với giá 70.000 đồng/kg trở xuống -mức giá mà Chính phủ yêu cầu. Vì thế, giá thịt lợn đến tay người tiêu dùng vẫn ở mức 150.000 đồng/kg đến 280.000 đồng/kg, tùy theo loại. Ngoài ra, thịt lợn nhập khẩu bán tại siêu thị hoàn toàn không được người dân mua vì họ không có thói quen ăn thịt đông lạnh.
Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết, dịch tả lợn châu Phi càn quét khiến đàn lợn nái giảm đáng kể, lợn dự phòng không có, nên đa số người dân lấy lợn thịt để làm giống. Giá lợn giống khoảng 6-7 kg/con lên đến 4 triệu đồng/con. Đây là mức “trên trời”. Với giá con giống như hiện nay, cùng với giá cám, chi phí phòng dịch, điện nước, hao hụt…giá thành lợn ở các trang trại có thể lên đến 65.000 - 70.000 đồng/kg. Ở những trang trại, doanh nghiệp chủ động được con giống, giá thành cũng trên mức 50.000 đồng/kg.
Ông Đoán cho rằng, giá thịt lợn tăng cao như hiện nay là điều bất khả kháng, do yếu tố cung- cầu. Bởi cách đây khoảng 10 tháng, lúc dịch tả lợn châu Phi đang hoành hành, đàn lợn nái giảm mạnh, các doanh nghiệp, trang trại cũng e dè không dám đầu tư nên lượng lợn thiếu hụt lớn.
Tuy nhiên, theo ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hiệp hội siêu thị, nguyên nhân sâu xa dẫn đến việc thiếu hụt nguồn cung trầm trọng như hiện nay là Bộ NN&PTNT đánh giá không đúng thực chất vấn đề. “Ban đầu, bộ này cho rằng, không thiếu nhiều, trong khi lợn trong dân chết vì dịch rất nhiều; đến cuối năm nay có thể cân bằng được cung - cầu. Bộ cũng đang nói các công ty chăn nuôi lớn chiếm 35% thị phần thịt lợn cả nước, cam kết sẽ hạ giá thịt lợn hơi xuống 70.000 đồng/kg nhưng không có con số cụ thể, có bao nhiêu con lợn được bán gia với giá đó”, ông Phú nói.
Ông Phú cũng nhấn mạnh, vai trò của Bộ Công thương, Bộ Tài chính đối với giá thịt lợn cũng “có vấn đề”.“Thủ tướng yêu cầu 2 bộ này làm rõ yếu tố cấu thành giá thịt lợn thế nào. Giá lợn từ trang trại vào lò mổ tăng thế nào? Từ lò mổ ra chợ, rồi vào siêu thị…ra sao.Cả 2 tháng nay, sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng, chưa thấy bộ nào có báo cáo cụ thể về thịt lợn.Thủ tướng nhấn mạnh, kinh doanh phải có lợi nhuận, nhưng cần sự chia sẻ của doanh nghiệp với người tiêu dùng một cách hợp lý.Lợi nhuận từ khâu bán lẻ và trung gian đang chiếm phần lớn giá thịt lợn, nhưng đến nay chưa nghe đề cập đến”.
Ngoài ra, ông Phú cho rằng, việc nhập khẩu thịt lợn đông lạnh về nhằm giảm giá thịt lợn trong nước nhưng loại thịt này không được bán tại chợ dân sinh.Điều đó khiến người dân khó tiếp cận để mua.
Ông Nguyễn Xuân Dương, quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết sản lượng thịt xuất chuồng trong quý I/2020 đạt hơn 810 nghìn tấn, dự kiến quý II/2020 đạt hơn 900 nghìn tấn, quý III/2020 đạt hơn 1 triệu tấn và quý IV/2020 đạt gần 1,1 triệu tấn.
Theo ông Dương, với nhu cầu lợn thịt xuất chuồng trung bình mỗi quý của năm 2018 (trước khi có bệnh tả lợn châu Phi) là khoảng 920 nghìn tấn, đến quý III, quý IV, Việt Nam sẽ cơ bản đáp ứng được nhu cầu thịt lợn.
Kinh doanh 05:00 | 30/08/2024
Kinh doanh 05:00 | 29/08/2024
Kinh doanh 05:00 | 28/08/2024
Kinh doanh 05:00 | 27/08/2024
Kinh doanh 05:00 | 26/08/2024
Kinh doanh 05:00 | 25/08/2024
Kinh doanh 05:00 | 24/08/2024
Kinh doanh 05:00 | 23/08/2024