Những ngày qua, nhiều bậc phụ huynh và các em thí sinh đang rất quan tâm tới thông tin, Bộ GD&ĐT cập nhật lại đáp án môn Lịch sử THPT quốc gia 2017. Là một giáo viên dạy Lịch sử Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An), Thạc sĩ Trần Trung Hiếu đã có những ý kiến tâm huyết xung quanh vấn đề này.
![]() |
Thạc sĩ Trần Trung Hiếu (bìa phải) chụp ảnh cùng với một vị GS Sử học người Mỹ - Chủ tịch Hội Sử học thế giới trong một hội thảo khoa học ở Hà Nội. Ảnh: NVCC. |
Đầu tiên, thầy Trần Trung Hiếu rất chia sẻ và thông cảm với sự cố gắng của Ban ra đề thi năm nay, nhất là môn Lịch sử. Đây là kỳ thi THPT quốc gia áp dụng hình thức thi trắc nghiệm với hầu hết các môn, trong đó có môn Lịch sử (trừ môn Ngữ văn thi tự luận). Việc ra đề là công việc hết sức vất vả, áp lực và cần sự cẩn trọng.
Theo thầy Trung Hiếu, việc ra đề thi có sai sót cũng nên được nhìn nhận một cách chân thành, trên cơ sở góp ý để cùng nhau rút kinh nghiệm cho những năm tiếp theo. Tuy nhiên, nhìn vào đề thi môn Lịch sử năm nay, thầy Hiếu cũng không giấu nổi một nỗi buồn.
"Sau khi xem xong đề thi, so kết quả và đáp án của Bộ đưa ra, nhiều giáo viên chúng tôi đã rất buồn và lo lắng cho các em thí sinh. Ngoài 2 câu hỏi liên quan đến ‘Động lực của phong trào cách mạng 1930 – 1931’ và ‘Tổ chức nào ra đời sớm nhất trong những năm 20 của thế kỷ XX ở Việt Nam’, các thầy cô cũng thấy rất băn khoăn về câu hỏi số 39 mã đề 311 môn Lịch sử.
'Bản Hiệp định Sơ bộ được ký kết giữa đại diện chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và đại diện Chính phủ Pháp ngày 6/3/1946 đã:
A – Công nhận nền độc lập của nước Việt Nam. B – Thừa nhận quyền bình đẳng, tự quyết của nhân dân Việt Nam. C – Thừa nhận các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam. D – Công nhận sự thống nhất của nước Việt Nam.
Đáp án có dấu đỏ mà Bộ GD&ĐT đưa ra là D – Công nhận sự thống nhất của nước Việt Nam’.
Thông qua những gì các em thí sinh được học trong SGK, tôi xin nói rằng, bản Hiệp định Sơ bộ (6/3/1946) là bản hiệp định quốc tế đầu tiên chính phủ ta ký với nước ngoài. Nội dung cụ thể như sau:
Một là, Chính phủ Pháp công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là một quốc gia tự do, nằm trong khối Liên hiệp Pháp thuộc Liên bang Đông Dương có chính phủ, quân đội, nghị viện và tài chính riêng.
Hai là, Chính phủ Việt Nam đồng ý để cho Chính phủ Pháp đưa 15.000 quân ra Bắc thay thế quân đội Trung Hoa Dân quốc và phải rút dần về nước trong thời hạn 5 năm.
Ba là, hai bên phải ngừng bắn để tạo không khí thuận lợi cho cuộc đàm phán chính thức ở Pari.
![]() |
Câu hỏi số 39 mã đề thi 311 môn Lịch sử cũng đang gây tranh cãi. |
Có thể thấy rằng, tuyệt nhiên không có cụm từ khóa nào là “thống nhất” trong nội dung của bản hiệp định này. Việc Bộ công bố đáp án D – công nhận sự thống nhất của nước Việt Nam là điều không đúng. ‘Thống nhất’ phải chờ đến bản Hiệp định Giơnevơ năm 1954.
Chia sẻ về vấn đề này, thầy Trần Trung Hiếu cũng đặt câu hỏi, tại sao khi chủ động phát hiện ra sai sót và cập nhật lại đáp án môn Lịch sử, Bộ lại không công khai đứng ra nhận lỗi trước dư luận và các em thí sinh?
Đến hiện tại, Bộ GD&ĐT vẫn chưa có một động thái chính thức nào hay cử một cá nhân nào đó đứng ra giải trình trên các phương tiện truyền thông để nhận trách nhiệm về các sai sót không đáng có. Đồng thời, giải đáp về những câu hỏi mà rất nhiều giáo viên dạy Lịch sử phổ thông đã và đang tranh cãi nhưng chưa có lời giải thích thỏa đáng.
![]() |
Tâm trạng lo lắng của một nữ sinh sau giờ làm bài thi THPT quốc gia 2017 tại Hà Nội. Ảnh: Đình Tuệ. |
Các đáp án nào là đúng thì vẫn đang bị Bộ bỏ ngỏ. Quyền lợi của nhiều thí sinh gắn liền với sự thiệt thòi về điểm, dù chỉ 0,25 điểm nhưng đôi khi có giá trị còn “quý hơn vàng” và có thể “cứu vãn cuộc đời” của thí sinh.
“Ví dụ như, một thí sinh thi Lịch sử chỉ cần 5 điểm để đủ điểm đỗ tốt nghiệp thôi, nhưng do sai sót của đề thi mà em bị trừ chỉ còn 4,75 điểm. Khi đó, trạng thái tâm lý của em thí sinh đó vô cùng nặng nề, nó khác hoàn toàn với tâm lý của một học sinh thi được 10 điểm nhưng bị trừ còn 9,75 điểm. Ranh giới giữa đỗ - trượt đôi khi rất mong manh chỉ 0,25 điểm”, thầy Hiếu giải thích.
Ở một góc độ nào đó, phản ứng tâm lý của các em học sinh hiện đang học lớp 10 và 11 khi nghĩ đến việc chọn Lịch sử là môn thi cho kỳ thi THPT quốc gia các năm sau có còn cao nữa hay không?
“Tôi thiết nghĩ, Bộ GD&ĐT không nên im lặng một cách khó hiểu như vậy và cần có động thái công khai, thiện chí và tích cực về những tranh cãi không nên có này từ phía dư luận. Giá trị của thông tin chính là sự minh bạch và kịp thời.
Nếu những sự tranh cãi đó có câu trả lời thỏa đáng và thuyết phục từ Bộ GD&ĐT, tôi tin các em học sinh vừa thi xong sẽ bớt lo lắng hơn, các giáo viên sẽ bớt hoang mang hơn”, thầy Hiếu chia sẻ thêm.
![]() |
Thầy Trần Trung Hiếu: Khó có thể chấp nhận do 'lỗi kỹ thuật' ở đáp án môn Lịch sử
Thầy Trần Trung Hiếu cho rằng, Bộ phải cập nhật lại đáp án môn Lịch sử cho các em thí sinh vì "lỗi kỹ thuật" ... |