Giáo viên tiểu học ‘căng mình’ với sổ sách

Bên cạnh việc chuẩn bị giáo án lên lớp cho năm học mới, giáo viên cấp tiểu học lại phải căng mình với đủ loại sổ sách, giấy tờ. Trong khi đó, thông tư 30 sửa đổi giúp giáo viên vơi bớt phần nào sổ sách vẫn chưa được áp dụng.

Khấp khởi đợi sửa đổi thông tư

Ngày 28/8/2014, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 30 (có hiệu lực từ 15/10/2014) quy định cách đánh giá học sinh tiểu học. Thay vì dùng điểm số, giáo viên sẽ nhận xét kết quả học tập, rèn luyện, sự hình thành và phát triển một số năng lực, phẩm chất của học sinh tiểu học. Sau hai năm triển khai thực hiện quy định này, có rất nhiều phản ứng trái chiều từ phía xã hội, chuyên gia, giáo viên và phụ huynh học sinh... Phần đông giáo viên đều bày tỏ sự mệt mỏi với hàng loạt sổ sách phải phụ trách, ghi nhận xét.

Sổ theo dõi chất lượng giáo dục, một trong những sổ sách giáo viên phải phụ trách.

Cô Phạm Thị Hương, giáo viên trường tiểu học thuộc địa bàn Q. Gò Vấp (TP.HCM) chia sẻ: “Đến giờ ra chơi là trên bàn lại đống sổ sách ngồi phê. Buổi tối về nhà đâu chỉ là được yên ổn soạn giáo án. Chúng tôi còn một loạt sổ sách đợi”. Không chỉ cô Hương, nhiều giáo viên nói chung và giáo viên tiểu học nói riêng đều “kêu trời” vì quá nhiều sổ sách.

Trước nhiều ý kiến của các chuyên gia, giáo viên và phụ huynh, ngày 27/8 vừa qua, Bộ GD&ĐT đã chính thức công bố dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều Quy định đánh giá học sinh tiểu học (ban hành kèm theo Thông tư số 30/2014/TT-BGDĐT ngày 28/8/2014 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT).

Theo đó, việc sửa đổi được tập trung vào 4 nội dung cơ bản gồm đánh giá thường xuyên, hồ sơ đánh giá, giúp cha mẹ học sinh đánh giá và khen thưởng. Trong đó, về đánh giá thường xuyên: Thông tư sửa đổi không quy định hàng tháng giáo viên phải ghi nhận xét vào sổ theo dõi chất lượng giáo dục. Giáo viên được quyền chủ động khi nào nhận xét bằng lời, khi nào viết nhận xét vào vở hoặc sổ cá nhân cho phù hợp. Điều này giúp giáo viên không mất nhiều thời gian cho việc nhận xét vào sổ theo dõi như trước. Về việc giúp cha mẹ học sinh nắm bắt mức độ học tập, rèn luyện của con em, sẽ bổ sung, tổng hợp đánh giá thường xuyên bằng lượng hóa thành các mức A, B, C vào giữa và cuối mỗi học kì. Với lớp 4 và lớp 5, dự thảo đề xuất có thêm bài kiểm tra đối với môn Toán, môn Tiếng Việt vào giữa học kỳ I và giữa học kỳ II. Ngoài ra, việc khen thưởng cũng sẽ được hướng dẫn rõ ràng và cụ thể hơn.

Ngay khi dự thảo được đưa ra, rất nhiều giáo viên bày tỏ hi vọng sẽ bớt được phần nào mệt mỏi với hàng loạt sổ sách phải phụ trách mỗi năm học. Cô Nguyễn Thị Trung, giáo viên một trường tiểu học trên địa bàn Q. Bình Thạnh chia sẻ: “Thay vì nhận xét các mục, theo dự thảo mới giáo viên chỉ ghi kết quả đánh giá theo các mức đạt A, B, C. Bảng tổng hợp đánh giá này chỉ cập nhật vào cuối học kỳ, cuối năm học. Giáo viên chúng tôi cũng đỡ vất vả hơn”.

Giáo viên "đánh vật" với một loạt các loại sổ sách đầu năm học.

Dự thảo vẫn…trên giấy!

Theo dự thảo, hồ sơ đánh giá cá nhân học sinh nay chỉ gồm học bạ và bảng tổng hợp kết quả đánh giá giáo dục của lớp. Bảng tổng hợp này thay thế hoàn toàn sổ theo dõi chất lượng giáo dục cũ, giáo viên không cần mất nhiều thời gian cho việc ghi chép. Điều này khiến nhiều giáo viên hết sức vui mừng vì phần nào đã giảm nhẹ được phần sổ sách.

Tuy nhiên, sau khi được đưa ra và ghi nhận ý kiến từ phía các chuyên gia, giáo viên, phụ huynh học sinh, cho đến nay dự thảo thông tư 30 cùng những thay đổi của nó vẫn chưa được thông qua. Năm học mới đã bắt đầu và giáo viên lại vẫn quay cuồng cùng bài toán sổ sách cũ.

Cô Trần Thị Nga, giáo viên tiểu học tại TP. Biên Hòa, Đồng Nai cho biết: “Hiện tại , chưa có sửa đổi Thông tư 30 nên tôi vẫn phải làm những sổ của thông tư 30 trước đó. Mỗi một giáo viên tiểu học như tôi sẽ có các loại sổ như: sổ chủ nhiệm, sổ theo dõi chất lượng học sinh, sổ liên lạc, học bạ. Bốn sổ chính này na ná nhau và viết rất nhiều. Ngoài 4 sổ này TT 30 quy định rõ thì còn các sổ sau : sổ họp hội đồng, họp công đoàn, sổ họp chuyên môn, tổ chuyên môn, sổ lịch báo giảng, sổ kế hoạch dạy học, sổ mượn đồ dùng dạy học, sổ học bồi dưỡng thường xuyên. Sơ sơ cũng 8 loại sổ và đều viết tay hết!”.

Cũng theo cô Nga, trong tuần sau các giáo viên như cô phải hoàn tất các loại sổ vì sẽ có thanh tra.

“Chúng tôi đâu chỉ có sổ không. Ngoài sổ ra thì còn giáo án nữa. Một giáo viên tiểu học sẽ dạy tất cả các môn nên phải soạn bài cho 4-5 tiết/ ngày. Bây giờ chúng tôi chỉ mong ngóng làm sao Thông tư 30 sửa đổi thông qua, bớt sổ sách cho giáo viên”, cô nói.

Cô Nga cũng chia sẻ hiện trên địa bàn thành phố đã có một vài trường áp dụng cho làm sổ sách trên máy hết nhưng cũng chỉ là số ít và giáo viên cũng có cái cực riêng. “Đến bao giờ giáo viên mới được lên lớp chỉ lo dạy không cần lo sổ sách!”, cô thở dài.

chọn
Công ty con Kinh Bắc tăng vốn gấp rưỡi trước thềm xây khu công nghiệp 466 ha ở Long An
Sài Gòn Tây Bắc (SCD) - công ty con của Kinh Bắc sắp xây dựng KCN Lộc Giang gần 5.200 tỷ tại Đức Hòa, Long An. Vừa qua, doanh nghiệp này đã thực hiện tăng vốn điều lệ từ 750 tỷ đồng lên 1.181 tỷ đồng.