Dự án Đầu tư xây dựng Cầu Nét (Km77+00), đường tỉnh lộ 295, nối địa phận huyện Yên Phong và thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh là dự án quan trọng. Khi công trình đi vào vận hành sẽ tạo hành lang giao thông thông thoáng rút ngắn hành trình giữa huyện Yên Phong và thành phố Từ Sơn. Cây cầu được xây dựng với tổng kinh phí 62,69 tỷ đồng, trong vòng 15 tháng. Tuy nhiên, hiện nay việc thi công cây cầu đang gặp nhiều bế tắc.
Theo ông Phạm Bình Tiến, Phó Giám đốc Công ty Thủy lợi Hà Nội, đại diện đơn vị nhà thầu dự án cho biết, nhà thầu được bàn giao mặt bằng lần đầu ngày 25/9/2020 và bắt đầu thi công từ ngày 15/12/2020. Đến nay, sau 22 tháng, nhà thầu mới thi công xong cầu tạm; đúc xong dầm cầu 30/30 phiến dầm I dài 33m; phá dỡ xong cầu cũ; thi công 22/48 cọc khoan nhồi trụ T1... với giá trị thực hiện gần 20 tỷ đồng, đạt hơn 31% giá trị hợp đồng, tiến độ chậm hơn nhiều so với dự kiến.
Nguyên nhân là do công trình gặp phải khó khăn trong giải phóng mặt bằng. Cụ thể, các đơn vị chưa có phương án bồi thường đối với 12 hộ dân ở đầu cầu phía huyện Yên Phong nằm trong phạm vi hành lang đê Ngũ Huyện Khê thuộc đất dự án xây dựng. Việc kéo dài thời gian thi công gây khó khăn cho nhà đầu tư khi phải kéo dài thời gian sử dụng cầu tạm và cọc ván thép phục vụ thi công đường tạm. Vì vậy, mỗi tháng nhà thầu phải chịu khấu hao lên tới 113 triệu đồng. Thêm nữa là giá cả vật liệu tăng mạnh so với giá đấu thầu khoảng 15-20%.
Vì vậy, nhà thầu mong muốn các cấp chính quyền gia hạn thời gian thi công; hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Yên Phong sớm hoàn thiện hồ sơ phương án đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng và bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư, nhà thầu thi công. Bên cạnh đó, UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan chuyên môn cập nhật giá vật tư, vật liệu kịp thời để nhà thầu căn cứ lập kế hoạch đẩy nhanh tiến độ.
Cùng với dự án Đầu tư xây dựng Cầu Nét, dự án Đầu tư xây dựng đường tỉnh 285B mới đoạn nối quốc lộ 17 với quốc lộ 38 trên địa bàn huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh gồm 2 gói thầu số 5 và số 6 cũng đang gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, với gói thầu số 6 ở phần xây dựng đoạn tuyến từ đường tỉnh 280 mới đến Quốc lộ 38 tỉnh Bắc Ninh với chiều dài đoạn đường hơn 4,6km được bàn giao thi công từ ngày 18/12/2020, do mặt bằng bàn giao "xôi đỗ", không liền mạch gây khó khăn trong quá trình thi công. Nhà thầu không có đường vận chuyển vật liệu thi công. Đến nay, sau gần 2 năm bàn giao, công trình chỉ thi công được 600m.
Còn đối với gói thầu số 5 của dự án này, mặc dù mặt bằng được bàn giao liền mạch hơn, theo gói thầu, đơn vị thi công với tổng số hơn 3km đường nhưng đến nay mới chỉ thi công được 2/3 khối lượng công trình, còn lại do vướng mắc giải phóng mặt bằng. Đặc biệt, giá nguyên vật liệu tăng nhiều so với giá đấu thầu, trong khi văn bản công bố giá liên ngành giữa Sở Tài chính và Sở Xây dựng tỉnh Bắc Ninh chưa kịp thời cập nhật kịp thời gây nhiều khó khăn cho nhà thầu.
Anh Đinh Văn Đại, Chỉ huy trưởng công trình 285B, Công ty cổ phần phát triển nông thôn Trần Gia cho biết: Để thi công gói thầu số 5, nhà thầu chủ yếu sử dụng cát và đá để làm đường, trong khi từ khi đấu thầu công trình đến nay, giá cả nguyên vật liệu tăng gấp hơn 2 lần.
Cụ thể, khi đấu thầu công trình năm 2020, nhà thầu đưa ra mức giá đấu thầu 100.000 đồng/khối cát, đến nay giá cát đến chân công trình là 250.000 đến 270.000 đồng; giá đá đơn vị thi công đấu thầu 150.000 đồng/khối đá, đến nay, giá thực tế lên tới 250.000 đồng/khối.
Như vậy, để hoàn thiện 3 km đường này, nhà thầu sẽ phải sử dụng hơn 50.000 khối cát và 30.000 khối đá, chỉ làm phép tính nhẩm chỉ tính riêng nguyên vật liệu cát và đá để thi công, nhà thầu sẽ bị lỗ khoảng 10 tỷ đồng.
Bởi vậy, nhà thầu đề nghị Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Lương Tài sớm phê duyệt phương án đền bù giải phóng mặt bằng các đoạn còn lại; các cơ quan chức năng cập nhật giá vật tư theo giá sát thực tế để đỡ thiệt hại cho nhà thầu để nhà thầu có thể "dồn sức" thi công theo tiến độ đề ra.
Đánh giá về tiến độ thực hiện các công trình giao thông trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Minh Hiếu cho biết hiện nay, các công trình giao thông tại Bắc Ninh năm 2022 đang bị chậm, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công còn thấp. Trong tổng số vốn được giao theo kế hoạch là 1.185 tỷ đồng, Ban Quản lý dự án Sở Giao thông Vận tải mới chỉ giải ngân đạt trên 16%.
Sở dĩ các công trình giao thông thi công chậm do gặp nhiều khó khăn về giải phóng mặt bằng do đang gặp phải vướng mắc về cơ chế, chính sách, các quy định về pháp luật liên quan đến đầu tư công như Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu, Luật Khoáng sản…Cụ thể, quy trình thực hiện đầu tư công mất nhiều thời gian, quy trình, thủ tục nhiều với 3 giai đoạn gồm chuẩn bị sự án, thực hiện dự án và kết thúc dự án…
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng chưa cho phép sử dụng linh hoạt vốn đầu tư bằng ngân sách trung ương và địa phương cho công tác giải phóng mặt bằng và xây dựng đảm bảo tiến độ, chất lượng và hiệu quả công trình nhằm phát huy tối đa nguồn vốn ngân sách được bố trí trong các giai đoạn.
Ngoài ra, hệ thống pháp luật chưa cho phép chỉ định thầu của dự án đối với các gói thầu tư vấn, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư, gói thầu xây lắp của dự án… Đặc biệt, trong quá trình thực hiện dự án, công tác phối hợp với các bộ quản lý ngành lĩnh vực, các nội dung kiến nghị đã gửi cơ quan trung ương nhưng vẫn chưa được xử lý đúng hạn.
Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bắc Ninh đặc biệt nhấn mạnh, hiện nay quá trình thi công các công trình gặp nhiều khó khăn do nguồn nhân công lao động, giá nguyên vật liệu, nguồn cung cấp nguyên vật liệu khan hiếm, tăng cao làm nhà thầu thi công xây dựng gặp nhiều khó khăn về huy động các nguồn lực. Do đó, tiến độ thi công đa số các công trình không đáp ứng được tiến độ đề ra.
Thời gian tới, Sở Giao thông Vận tải Bắc Ninh chỉ đạo Ban Quản lý dự án phối hợp chính quyền địa phương làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, yêu cầu nhà thầu thực hiện nghiêm theo hợp đồng đã ký. Những đoạn đã có mặt bằng sạch thì tập trung thi công theo tiến độ đã cam kết.
Song song với đó, UBND tỉnh cần quan tâm chỉ đạo các ban ngành, địa phương tập trung giải phóng mặt bằng, giao mặt bằng sạch cho nhà thầu; chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan đến thông báo giá sát với giá thị trường.