Hiện Tổ công tác đã thu nhận được 70 ý kiến bằng văn bản. Những ý kiến góp ý bằng văn bản rất chi tiết, cụ thể. Bộ tiếp tục tiếp thu những ý kiến đóng góp.
Nhiều nội dung góp ý đã tập trung vào các nhóm vấn đề chính liên quan đến ngành nông nghiệp: như Luật Đất đai và luật chuyên ngành sau này sẽ áp dụng như thế nào; chế độ quản lý và sử dụng đất lúa; trong đó có tích tụ tập trung đất đai, bồi thường… Hay đất sử dụng cho khoa học công nghệ nếu theo được đưa vào sử dụng tốt hơn như cho phép liên doanh, liên kết thì sẽ phát huy nguồn lợi từ nguồn đất đai này, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết.
Là một trong doanh nghiệp có rất nhiều năm trong nghiên cứu, sản xuất lúa gạo, ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc ThaiBinh Seed góp ý, luật phải có những quy định làm sao giữ được diện tích đất lúa không bị vi phạm. Làm thế nào dù có chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhưng khi cần thì đất vẫn có thể trồng lúa.
Hạn điền là vấn đề bức xúc nhất trong sản xuất nông nghiệp, do đó cần có cơ chế để tích tụ đất đai với diện tích lớn để doanh nghiệp có thể đảm bảo hiệu quả sản xuất.
Theo ông Trần Mạnh Báo, cần quy định rõ về quỹ đất dành cho nghiên cứu khoa học trong nông nghiệp. Bên cạnh đó, thời hạn thuê đất đối với doanh nghiệp phải dài như trong hợp đồng kinh doanh, tránh việc quy định thời hạn thuê tự do, mỗi địa phương cho thuê một kiểu thời gian khiến doanh nghiệp suốt ngày phải đi xin lại.
Ngoài ra, các doanh nghiệp làm công nghiệp thì đã có thể thuê đất trong khu vực công nghiệp để sản xuất. Luật nên có quy định về loại đất cho doanh nghiệp chế biến nông sản vì doanh nghiệp chế biến không được nằm trong khu dân cư và cũng không thể nằm trong khu sản xuất công nghiệp như: xi măng, sắt thép…
Là một đơn vị sự nghiệp công lập đang quản lý diện tích đất lớn nhưng lại không được chủ động liên doanh, liên kết, ông Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam cho biết, điều này gây lãng phí và áp lực bảo vệ, giữ đất đối với đơn vị đang quản lý.
Tuy nhiên, dự thảo Luật Đất đai mới chỉ quy định đơn vị tự chủ hoàn toàn mới được quyền cho phép thuê đất. Ông Đào Thế Anh đề xuất, với các đơn vị tự chủ một phần cũng được phép thuê đất.
Góp ý cho vấn đề tích tụ tập trung đất nông nghiệp, ông Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho rằng, thuế và phí liên quan đến chuyển nhượng đất nông nghiệp chung như bất động sản khác hiện đang là tương đối cao so với lợi nhuận có thể tạo ra từ sản xuất nông nghiệp. Đề xuất giảm thuế, phí liên quan đến chuyển nhượng đất nông nghiệp.
Việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất trong nội bộ ngành nông nghiệp cần linh hoạt; trong đó có đất lúa. Ngoài ra cần phải luật hóa hoạt động chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất rừng sản xuất không phải rừng tự nhiên.
Dự thảo luật cũng đã luật hóa quy định về tích tụ và tập trung đất sản xuất nông nghiệp và chính sách khuyến kích tập trung đất nông nghiệp. Tuy nhiên, theo ông Trần Công Thắng cần xây dựng cơ chế đối với đất thuê từ 5 năm trở lên thì cá nhân, tổ chức đi thuê đất được thế chấp bằng giá trị thuê để vay vốn sản xuất nông nghiệp. Nên có cả chính sách khuyến khích tích tụ đất nông nghiệp để giúp doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu riêng, nhưng mức độ khuyến kích không cao bằng hình thức tập trung.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp thuê đất trả tiền hàng năm gặp khó khăn trong huy động vốn từ đất đai. Do đó nên tăng chu kỳ trả tiền từ hàng năm thành từ 5-10 năm/một lần và cho phép thế chấp quyền sử dụng đất để doanh nghiệp vay vốn ngân hàng, ông Trần Công Thắng góp ý.
Tại hội nghị, nhiều đại biểu cũng đã có những góp ý về quy định giá bồi thường cây trồng, vật nuôi khi thu hồi đất; quy định rõ đất đa mục đích là loại đất nào; hay khi cho phép xây dựng công trình trên đất trồng lúa, cần có quy định về diện tích đất là bao nhiêu thì được phép xây dựng và tỷ lệ xây dựng và cơ quan được giao cho phép việc xây dựng…
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp mong muốn tiếp tục có nhiều ý kiến đóng góp để sau khi luật được ban hành, đất đai thực sự trở thành nguồn lực, là công cụ tốt, là động lực cho phát triển kinh tế - xã hội.