Sông Tô Lịch đang thí điểm xử lí ô nhiễm. (Ảnh: Di Linh).
Liên quan đến việc xử lí ô nhiễm và đề xuất cống hóa sông Tô Lịch, theo GS.TS Ngô Đình Tuấn, Chủ tịch Hội Môi trường và Tài nguyên nước Việt Nam, nội đô Hà Nội hiện có 4 con sông.
"Điều chúng ta muốn là sông Tô Lịch trở lại như xưa, có thể đi thuyền dạo chơi trên sông. Và nếu không xử lí ô nhiễm thì không đưa nước vào sông được.
Chúng ta cần xử lí ô nhiễm sau đó mới đưa nước vào sông Tô Lịch và khi đó không chỉ là nước Hồ Tây mà còn có thể nhiều phương án khác như bơm nước vào.
Nếu chưa xử lí ô nhiễm, đưa nước vào thì sẽ đẩy một phần nước ô nhiễm xuống hạ lưu.
Về công nghệ Nhật Bản đang thí điểm xử lí ô nhiễm, tôi cho rằng nếu giải quyết được những tồn tại như không phải nạo vét bùn, không cần tách nguồn thải thì tốt hơn nhiều", ông Tuấn nói.
GT. TS Trần Hiếu Nhuệ. (Ảnh: Di Linh).
Về đề xuất cống hóa sông Tô Lịch, GS.TS Trần Hiếu Nhuệ, nguyên Viện trưởng Viện Kỹ thuật nước và Công nghệ môi trường cho rằng việc này có hai mặt gồm được và không được.
"Cống hóa có mặt được ví dụ như diện tích, đường xá, cải thiện giao thông... Tuy nhiên, tôi cho rằng cống hóa mất nhiều hơn được bởi cảnh quan đô thị cần có sông, kênh mương, điều hòa khí hậu...", ông Nhuệ nói.
Đối với vấn đề xử lí ô nhiễm sông Tô Lịch, TS Takeba Akira, Cố vấn tổ chức Xúc tiến Thương mại - Môi trường Nhật Bản cho biết mấu chốt ở 3 vấn đề.
Thứ nhất là mùi hôi thối. Thứ hai là tầng bùn đáy dày khoảng trên dưới 1m, là nguồn gốc sinh ra tích tụ khí H2S, NH3 gây ra mùi và ô nhiễm nước sông.
"Việc phân hủy tầng bùn hữu cơ là mấu chốt của bài toán xử lí sông Tô Lịch. Thứ ba là nước đang bị ô nhiễm cần đưa về đạt QCVN", TS Takeba Akira.
Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Cải thiện Môi trường Nhật Việt (JVE, đơn vị thí điểm), sau 2 tháng thí điểm xử lí ô nhiễm sông Tô Lịch sẽ lấy mẫu phân tích nước mặt, trầm tích, đo độ dầy bùn.
"Chúng tôi sẽ tổ chức lấy thêm mẫu nước, mẫu bùn, đo độ dày bùn tại bên trong khu quây tôn (có nước thải lưu thông từ bên ngoài vào) để đánh giá thêm hiệu quả xử lí", ông Tuấn Anh cho biết.
Video mô phỏng nguyên lý công nghệ Nano-Bioreactor Nhật Bản đang thí điểm xử lí ô nhiễm sông Tô Lịch. (Nguồn: JVE).