Sông Tô Lịch được xả 1 triệu m3 nước từ hồ Tây. (Ảnh: Di Linh).
Ngày 12/7, đơn vị thí điểm xử lí ô nhiễm sông Tô Lịch bằng công nghệ Nhật Bản đã tổ chức buổi gặp gỡ, thông tin đến báo chí về sơ bộ kết quả làm sạch sông bằng công nghệ Nano-Bioreactor.
Tại buổi gặp, vấn đề Công ty Thoát nước Hà Nội xả 1 triệu m3 nước hồ Tây vào sông Tô Lịch khi đang thí điểm xử lí ô nhiễm bằng công nghệ Nhật Bản được nhiều phóng viên quan tâm.
Liên quan đến vấn đề nêu trên, TS Takeba Akira, Cố vấn Tổ chức xúc tiến Thương mại - Môi trường Nhật Bản cho biết việc xử lí ô nhiễm triệt để ở sông Tô Lịch mới mang lại một dòng sông đúng nghĩa.
"Đầu tiên, chúng tôi cho rằng công nghệ đang áp dụng làm sạch sông từ việc xử lí mùi hôi, phân hủy bùn, đưa chất lượng nước về tiêu chuẩn.
Tuy nhiên, một dòng sông phải có nước cấp, dòng chảy trong khi đó sông Tô Lịch chỉ có nguồn cấp là nước thải, tốc độ chảy thấp.
Do đó, chúng tôi cho rằng muốn "hồi sinh" sông Tô Lịch thì cần làm sạch sông sau đó cấp nước, nâng mực nước, tạo dòng chảy cho sông.
Quan điểm của chúng tôi là ủng hộ việc xả nước nhưng cần làm theo thứ tự. Tức là làm sạch sông rồi mới xả nước vào", TS Takeba Akira nói.
TS Takeba Akira. (Ảnh: Di Linh).
Đồng quan điểm, GS.TS Ngô Đình Tuấn, Chủ tịch Hội Môi trường và Tài nguyên nước Việt Nam cũng cho biết: "Năm 2008, chúng tôi phối hợp với Đức xử lí nguồn thải trên sông Tô Lịch.
Chúng tôi muốn xây dựng 3 bước. Bước thứ nhất Hà Nội đã làm là kè hóa các bờ sông. Sau đó, bước thứ hai là xử lí ô nhiễm trên sông. Nếu không xử lí ô nhiễm lại đưa nước vào thì không được.
Bước thứ ba mới là đưa nước vào. Đưa nước vào phải bàn các phương án chứ không phải chỉ xả nước hồ Tây. Không phải cứ đưa nước vào là được".
GS.TS Ngô Đình Tuấn. (Ảnh: Di Linh).
Cũng liên quan đến việc xả 1 triệu m3 nước hồ Tây ra sông Tô Lịch, ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Cải thiện môi trường Việt Nhật (JVE, đơn vị thí điểm) cho biết chuyên gia Nhật Bản đồng ý với phương án làm sạch sông rồi mới cấp nước.
"Khi đó, việc xả nước vào sông Tô Lịch không phải là thau rửa mà có ý nghĩa cấp nước, tạo dòng chảy, nâng mực nước giúp sông hồi sinh đúng nghĩa.
Chúng ta cần kết hợp công nghệ Nhật Bản xử lí ô nhiễm sông và sau đó cấp nước. Chúng tôi rất kì vọng nếu triển khai theo thứ tự sẽ giúp hồi sinh sông Tô Lịch và chúng ta có thể mở dịch vụ du lịch trên sông", ông Tuấn Anh nói.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch JVE. (Ảnh: Di Linh).
Theo ông Tuấn Anh, trước khi thí điểm xử lí ô nhiễm bằng công nghệ Nhật Bản (ngày 16/5), Công ty Thoát nước Hà Nội có xả nước vào sông Tô Lịch và vài ngày sau nước lại trở lại màu đen.
"Hôm qua, chúng tôi có báo cáo với cơ quan chức năng về việc đồng ý với chủ trương xả nước, thoát nước mùa mưa.
Tuy nhiên, liên quan đến công tác lấy mẫu sau 2 tháng thí điểm (17/7), khi nào nước sông Tô Lịch trở lại bình thường, chúng tôi sẽ lấy mẫu.
Nếu việc xả nước hồ Tây kéo dài, vài ngày nữa nước sông Tô Lịch chưa trở lại màu đen vốn có, chúng tôi sẽ có công văn đề nghị dời ngày lấy mẫu để khách quan. Nếu không sẽ có ý kiến cho rằng lấy mẫu nước hồ Tây chứ không phải sông Tô Lịch", ông Tuấn Anh nói.
Sông Tô Lịch trong xanh sau khi nhận nước hồ Tây. (Ảnh: Di Linh).
Cũng theo ông Tuấn Anh, sau một thời gian thí điểm, một số chỉ số của sông Tô Lịch rất khả quan. Ví dụ như độ dày bùn giảm, nồng độ oxy hòa tan cải thiện.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch JVE, đại diện đơn vị thí điểm nói về việc xả 1 triệu m3 nước hồ Tây vào sông Tô Lịch.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch JVE đại diện đơn vị thí điểm nói về việc lấy mẫu nước sông Tô Lịch.