Ô nhiễm làm mất lợi ích sức khoẻ của đi bộ | |
Làm sao thoát khỏi ô nhiễm tiếng ồn? | |
Đẩy lùi cơn ho bằng những ‘thực phẩm vàng’ |
Trong vài tuần trở lại đây, mức độ ô nhiễm không khí tại Hà Nội gia tăng. Theo thông tin từ thiết bị quan trắc đặt tại Đại sứ quán Mỹ, chỉ số AQI (chỉ số chất lượng không khí) tại Hà Nội có nhiều thời điểm ở mức trên 150, mức cảnh báo màu đỏ - tức là có hại cho sức khỏe, chất lượng không khí tốt nhất cũng chỉ đạt mức trung bình (màu vàng) hoặc mức độ cảnh báo màu cam - không tốt cho các nhóm đối tượng nhạy cảm, có thể ảnh hưởng sức khỏe. Để làm rõ chất lượng không khí suy giảm ảnh hưởng đến sức khỏe thế nào, phóng viên báo Sức khỏe và Đời sống đã có cuộc trao đổi với GS.TS Ngô Quý Châu – Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Giám đốc Trung tâm hô hấp, BV Bạch Mai về vấn đề này.
GS.TS Ngô Quý Châu (Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Giám đốc Trung tâm hô hấp, BV Bạch Mai). |
Phóng viên: Thưa GS, trong thời gian qua, tình trạng ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn như Hà Nội khiến người dân khôn khỏi lo lắng. Xin ông cho biết, ô nhiễm không khí ảnh hưởng tới sức khỏe như thế nào? Đối tượng nào dễ bị ảnh hưởng nhất bởi ô nhiễm không khí?
GS.TS Ngô Quý Châu: Không khí ô nhiễm có nhiều các hạt bụi nhỏ (PM 10, PM 2,5) cùng các khí độc hại khác như SO, NO2, O3, dầu diesel cháy chưa hết, một số kim loại nặng và chất độc khác… Khi ô nhiễm không khí đến mức ảnh hưởng đến sức khỏe, đầu tiên sẽ ảnh hưởng tới hệ hô hấp của tất cả mọi người, vì ai cũng phải hít thở. Các chất ô nhiễm có trong không khí sẽ đi qua đường qua đường hô hấp trên rồi xuống đường hô hấp dưới, vào đến các phế nang, từ đó khuếch tán vào trong máu và đi khắp cơ thể.
Ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến hệ hô hấp sẽ gây nên tình trạng kích ứng đường hô hấp, làm cho những người đã có bệnh lý hô hấp rồi như những người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, người bị hen phế quản hoặc nhiễm trùng đường hô hấp sẽ bị nặng lên dẫn đến tình trạng khó thở tăng lên, nặng sẽ suy hô hấp phải vào viện cấp cứu, và phải nhập viện, đáp ứng với điều trị kém đi.
Ngoài ra, nếu tiếp xúc lâu dài với nồng độ ô nhiễm trong không khí cao như vậy dẫn đến các bệnh lý khác vì trong không khí ô nhiễm có nhiều chất độc hại, gây ra các tổn thương khác ở phổi như viêm mạn tính, thậm chí là ung thư phổi. Ô nhiễm không khí còn ảnh hưởng tới cơ quan khác như tim mạch, những người đã có bệnh lý như hẹp động mạch vành dễ bị nặng lên, xuất hiện các cơn đau thắt ngực tăng lên. Theo nghiên cứu, khi ô nhiễm không khí, tỷ lệ các bệnh nhân nhập viện vì bệnh lý hô hấp và tim mạch tăng lên nhiều lần. Có 3 đối tượng dễ bị tổn thương nhất khi ô nhiễm không khí là người già, trẻ em và những người mắc bệnh phổi, bệnh tim mạn tính.
Chỉ số chất lượng không khí đo tại trạm quan trắc Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội lúc 9h sáng ngày 6/12, ở mức cảnh báo đỏ - không tốt cho sức khỏe. |
Phóng viên: Với những người mắc bệnh mạn tính về hô hấp – những đối tượng dễ bị tác động nhất khi xảy ra ô nhiễm không khí, làm thế nào để họ có thể giảm thiểu các tác động của ô nhiễm tới bệnh của mình? Ông có lời khuyên nào giúp người dân bảo vệ hệ hô hấp tránh những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe?
GS.TS Ngô Quý Châu: Đầu tiên, người bệnh hô hấp nên hạn chế ra ngoài đường ở những thời điểm ô nhiễm. Ở các thành phố lớn như Hà Nội, nguồn ô nhiễm chủ yếu từ các phương tiện tham gia giao thông, khói bụi, sau đó mới đến các nguồn ô nhiễm khác. Nếu buộc phải ra đường, cần đeo khẩu trang để hạn chế tiếp xúc với khói bụi và các chất độc hại có trong không khí. Không nên có các hoạt động gắng sức ngoài trời trong lúc ô nhiễm không khí.
GS. Ngô Quý Châu đi buồng khám bệnh cho bệnh nhân. |
Hiện nay, nhiều người ra đường thường đeo khẩu trang vải, giấy, nhưng thực chất các loại khẩu trang này chỉ ngăn được bụi lớn, nhưng quan trọng là bụi nhỏ.
PM 10 – tức là các hạt bụi lơ lửng có đường kính nhỏ hơn hoặc bằng 10 µm (micromet) hoặc PM 2,5 thì khẩu trang thông thường không ngăn được. Bụi càng nhỏ sẽ vào càng sâu. Muốn ngăn được các hạt bụi nhỏ này thì cần dung các khẩu trang đặc biệt như loại N95.
Những người mắc bệnh đường hô hấp hoặc nhạy cảm nếu không có việc gì cần tốt nhất không nên ra đường vào những thời điểm chất lượng không khí bị suy giảm như vậy. Những hoạt động ngoài trời như tập thể dục trong môi trường nhiều khói bụi và chất độc hại sẽ không tốt cho sức khỏe.
Phóng viên: Thưa Giáo sư, nhiều người cho rằng, các biện pháp vệ sinh đường thở như rửa mũi họng có thể phòng chống được ô nhiễm không khí, điều này có đúng không? Xin ông có thể hướng dẫn biện pháp tự bảo vệ cho người dân nói chung và những người mắc các bệnh hô hấp nói riêng để tự bảo vệ sức khỏe của mình?
GS.TS Ngô Quý Châu: Các biện pháp súc rửa mũi họng cũng có tác dụng nhưng không nhiều, nói chung chỉ làm sạch được bụi lớn mà thôi, còn các bụi nhỏ, bụi lơ lửng một khi đã vào sâu trong đường thở, xuống phế quản và phổi thì việc rửa mũi trên thường không có hiệu quả. Tốt nhất người dân nên áp dụng các biện pháp tự bảo vệ để ngăn chặn bụi ở bên ngoài.
Với những người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, có thể học tập thở, ho khạc đờm, những chất độc hại lắng đọng trên niêm mạc phế quản nhỏ sẽ bị đẩy lên đường thở lớn rồi khạc ra ngoài, sẽ hạn chế được phần nào.
Ngoài ra nếu người dân thấy các triệu chứng như ho, khó thở tăng lên, đặc biệt với người có sẵn bệnh hô hấp cần đi khám ngay.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!