Hà Nam làm đường song hành vành đai 5 qua 4 huyện và thành phố, dự kiến hoàn thành vào năm 2025

Dự án đường song hành vành đai 5 (giai đoạn 1) đi qua tỉnh Hà Nam có tổng chiều dài tuyến khoảng 8,43 km thuộc địa phận TP Phủ Lý và các huyện Kim Bảng, Duy Tiên và Bình Lục. Tổng mức đầu tư cho dự án này là hơn 1.450 tỷ đồng.

Hướng tuyến vành đai 5 - vùng Thủ Đô. (Ảnh: Mekong ASEAN).

Vừa qua, Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng (UBND tỉnh Hà Nam) đã công bố Báo cáo Đánh giá Tác động Môi trường (ĐTM) dự án đường song hành đường vành đai 5 - Vùng Thủ đô Hà Nội (giai đoạn 1), đoạn từ nút giao kết nối với QL 21B (phía bờ hữu sông Nhuệ) đến nút giao với đường Lê Công Thanh giai đoạn 3 (đường 68 m) và một bên đoạn từ nút giao Phú Thứ đến nút giao với đường nối hai cao tốc tại xã Bình Nghĩa, huyện Bình Lục.

Theo đó, hiện nay hệ thống giao thông của tỉnh mới chỉ có các tuyến đường dọc trục chạy xuyên qua tỉnh như QL 1A, cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, và một số tuyến đường ngang không liên tục như QL 21B, QL 38, còn thiếu các tuyến đường vành đai kết nối các huyện và liên kết với các vùng lân cận để hoàn thiện hệ thống giao thông của tỉnh.

Trong khi đường vành đai 5 theo quy hoạch chưa được đầu tư, để phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và khả năng bố trí vốn cho dự án, trước mắt sẽ thực hiện phân kỳ đầu tư giai đoạn 1 đường song hành vành đai 5 theo mặt cắt quy hoạch đoạn từ xã Tượng Lĩnh, huyện Kim Bảng (giáp ranh với Hà Nội) đến nút giao với đường Lê Công Thanh giai đoạn 3 (đường 68 m) và đoạn từ nút giao Phú Thứ đến nút giao với đường nối hai cao tốc tại xã Bình Nghĩa, huyện Bình Lục.

 Hướng tuyến của dự án. (Ảnh chụp từ văn bản).

Dài hơn 8 km, đi qua 4 huyện của tỉnh Hà Nam

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Hà Nam (chủ đầu tư), dự án có tổng chiều dài tuyến khoảng 8,43 km thuộc địa phận các huyện Kim Bảng, Duy Tiên, Phủ Lý và Bình Lục, tỉnh Hà Nam.

Dự án gồm 3 đoạn tuyến bao gồm đoạn từ nút giao với QL 21B phía bờ hữu sông Nhuệ đến nút giao với đường trục xã Tiên Tân, từ điểm đầu Km12+700 (vị trí đảo xuyến trên đường QL 21B đang thi công), hướng tuyến bám sát theo tuyến đường QL 21B đoạn Km41 - Km57+950 (Chợ Dầu – Ba Đa) vượt qua đê sông Nhuệ, đi qua phía Bắc nghĩa trang thôn Đại Cầu, cắt đường trục xã Tiên Tân (rộng 27m) tại Km13+500.

Đoạn từ nút giao với đường trục xã Tiên Tân đến nút giao với đường 68 m, tuyến tránh phía Nam chùa Ngòi, rồi chuyển hướng theo hướng Tây - Đông đi sang địa phận xã Tiên Hiệp, đi sát phía Nam thôn Ngòi, đến giao với đường Lê Công Thanh kéo dài tại Km14+278.

Đoạn từ nút giao nút giao Phú Thứ (Km15+723) đến nút giao đường nối hai cao tốc tại xã Bình Nghĩa (Km22+540), tuyến đi mới theo quy hoạch. Từ nút giao Phú Thứ (Km15+723) tuyến theo hướng Đông, qua ruộng nông nghiệp xã Tiên Hiệp (thành phố Phủ Lý), Tiên Sơn (TXDuy Tiên), cắt qua QL 37B tại Km130+080 (Km18+532).

Tuyến đi theo hướng Đông - Nam qua khu ruộng nông nghiệp xã Tiên Phong cũ, cắt qua đê sông Châu Giang tại Km20+173, đi giữa 2 thôn dân cư Dưỡng Thọ, phía Nam nghĩa trang liệt sỹ xã Tiên Phong cũ, cắt qua thôn An Mông và sông Châu Giang tại Km21+500.

Từ sông Châu Giang đi theo hướng Đông cắt qua thôn Ngô Khê, đê sông Châu Giang tại Km21+690, tiếp tục đi qua khu ruộng nông nghiệp rồi nhập vào đường nối hai cao tốc tại Km39+400 (Km22+540) điểm cuối dự án.

Mục tiêu của dự án này nhằm đầu tư xây dựng tuyến đường liên kết vùng kết nối tỉnh Hà Nam với các tỉnh Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Hưng Yên và Hòa Bình; đáp ứng nhu cầu vận tải lưu thông liên tỉnh, liên khu vực.

Kết nối giữa đường QL 1, đường QL 21A, QL 21B, QL 38B và cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình với đường nối hai cao tốc, kết nối hai công trình di tích quốc gia đặc biệt của hai tỉnh Nam Định và Hà Nam.

Tổng mức đầu tư hơn 1.450 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào năm 2025

Tổng diện tích chiếm dụng đất của dự án khoảng 42,29 ha, trong đó, hiện trạng đất trồng lúa nước: 28,28 ha; đất nông nghiệp trồng cây hàng năm 4,2 ha; đất trồng cây lâu năm: 2,97 ha; đất nghĩa trang 0,3 ha; đất giao thông: 5,4 ha; đất khác 1,43 ha.

Hầu hết diện tích đất do địa phương quản lý và giao cho các hộ dân sử dụng (đất ở, đất nông nghiệp).

Về quy mô xây dựng, đầu tư xây dựng tuyến đường với chiều dài khoảng 8,4 km theo quy mô đạt tiêu chuẩn cấp III đồng bằng, có quy mô mặt cắt mỗi bên đường song hành bề rộng nền đường 12 m, bề rộng mặt đường 11 m.

Trong đó, đoạn 1 từ nút giao với QL 21B phía bờ hữu sông Nhuệ đến nút giao với đường trục xã Tiên Tân (đường Lê Công Thanh kéo dài) có chiều dài khoảng 0,81 km, đầu mới đường song hành hai bên có bề rộng nền đường 12 m, bề rộng mặt đường 11 m.

Đoạn 2 từ nút giao với đường trục xã Tiên Tân (đường Lê Công Thanh kéo dài) đến nút giao với đường 68 m có chiều dài khoảng 0,8 km, đầu tư mới đường song hành một bên phía tuyến cao tốc vành đai 5 với bề rộng nền đường 12 m, bề rộng mặt đường 11 m.

Đoạn 3 từ nút giao Phú Thứ đến nút giao với đường nối hai cao tốc tại xã Bình Nghĩa, huyện Bình Lục, có chiều dài khoảng 6,8 km, đầu tư mới một bên đường song hành phía phải tuyến vành đai 5 với bề rộng nền đường 12 m, bề rộng mặt đường 11 m.

Về tiến độ, dự án được xây dựng từ cuối quý I/2023 - quý IV/2025. Thời gian hoàn thành dự án đến hết quý IV/2025. Thời gian thi công dự kiến ba năm, được phân thành các gói thầu khác nhau. Tổng mức đầu tư của dự án hơn 1.450 tỷ đồng. Nguồn vốn từ ngân sách tỉnh Hà Nam.

Xây dựng mới ba cầu mới

Toàn tuyến sẽ đầu tư xây dựng dự kiến ba cầu gồm cầu Tiên Tân có hai đơn nguyên độc lập (vượt qua sông Nhuệ); cầu vượt qua kênh thuỷ lợi với một đơn nguyên độc lập; cầu Tiên Phong với một đơn nguyên độc lập (vượt sông Châu Giang).

Vị trí sông Châu Giang đoạn thi công cầu Châu Giang. (Ảnh chụp từ văn bản).

Cụ thể, cầu Tiên Tân vượt qua sông Nhuệ tại lý trình Km13+045,00 (lý trình dự án), chiều dài toàn cầu khoảng 178 m. Cầu gồm hai đơn nguyên độc lập, mỗi đơn nguyên có bề rộng toàn cầu bằng 5,5 m (đã bao gồm phần mở rộng để bố trí làn tăng giảm tốc khi vào nút giao với QL 1).

Đường đầu cầu có bề rộng nền 13 m, bề rộng mặt 11 m sau đó vuốt vào nền đường theo tiêu chuẩn chung của tuyến trên phạm vi 10 m.

Cầu tại Km16+480 - cầu vượt qua kênh thủy lợi tại lý trình khoảng Km16+490 (lý trình dự án). Bề rộng cầu gồm một đơn nguyên độc lập có bề rộng toàn cầu bằng 12 m, tổng chiều dài cầu khoảng 34 m.

Cầu Tiên Phong vượt qua sông Châu Giang tại lý trình Km21+510 (lý trình dự án). Cầu gồm một đơn nguyên độc lập có bề rộng toàn cầu 12 m, tổng chiều dài cầu gần 292 m. Đường đầu cầu có bề rộng nền đường 13 m, bề rộng mặt đường 11 m.

Đường Vành đai 5 - vùng Thủ đô đoạn qua địa bàn tỉnh Hà Nam có chiều dài hơn 35 km, quy mô 6 làn xe cao tốc, đường bên có quy mô 2 làn xe mỗi bên, hướng tuyến đi trùng với QL 21B đoạn Chợ Dầu - Ba Đa và đoạn tuyến nối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và Cầu Giẽ - Ninh Bình, riêng đoạn cầu sông Đáy đến cầu Tiên Tân (khoảng 3 km) được quy hoạch đi trên cao.