Hà Nội: Dự thảo Quy định về điều kiện tách thửa, hợp thửa đối với từng loại đất

UBND TP Hà Nội vừa hoàn thành dự thảo Quy định về điều kiện tách thửa, hợp thửa và diện tích, kích thước tối thiểu được tách thửa đối với từng loại đất trên địa bàn TP Hà Nội.

(Ảnh minh họa: TTXVN). 

UBND TP Hà Nội vừa hoàn thành dự thảo Quy định về điều kiện tách thửa, hợp thửa và diện tích, kích thước tối thiểu được tách thửa đối với từng loại đất trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Theo dự thảo, đối với thửa đất ở, thửa đất có đất ở và đất nông nghiệp trong cùng thửa đất, điều kiện các thửa đất được hình thành từ việc tách thửa phải có chiều dài (chiều sâu) so với chỉ giới xây dựng từ 4 m trở lên, có chiều rộng cạnh tiếp giáp với đường giao thông hiện hữu (hoặc mô tả trên hồ sơ) từ 3 m trở lên đối với khu vực các phường, thị trấn; từ 4 m trở lên đối với khu vực các xã vùng đồng bằng; từ 5 m trở lên đối với khu vực các xã vùng trung du và miền núi. 

Đồng thời, các thửa đất phải có diện tích nằm ngoài chỉ giới đường đỏ không nhỏ hơn 30 m2 đối với khu vực các phường thuộc 4 quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng); không nhỏ hơn 40 m2 đối với khu vực các phường thuộc thị xã Sơn Tây và 8 quận gồm Hà Đông, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, Long Biên, Hoàng Mai, Cầu Giấy, Tây Hồ; không nhỏ hơn hạn giao đất ở mới (mức tối thiểu) quy định tại Điều 3 Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 20/2017 ngày 1/6/2017 của UBND TP Hà Nội đối với các xã, thị trấn còn lại.

Dự thảo cũng quy định, thửa đất mới hình thành và thửa đất còn lại sau khi tách thửa phải đáp ứng điều kiện có đường vào. Trường hợp chia tách thửa đất có hình thành ngõ đi thì ngõ đi phải có chiều rộng mặt cắt ngang từ 4 m trở lên đối với thửa đất thuộc khu vực các xã vùng trung du và miền núi; từ 3m trở lên đối với thửa đất thuộc khu vực các xã vùng đồng bằng; từ 2m trở lên đối với thửa đất thuộc khu vực thị trấn và các phường thuộc thị xã Sơn Tây và 8 quận là Hà Đông, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, Long Biên, Hoàng Mai, Cầu Giấy, Tây Hồ; từ 1m trở lên đối với thửa đất thuộc khu vực các phường thuộc 4 quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng. Trường hợp chia tách thửa đất có hình thành đường giao thông trên diện tích đất không phải là đất ở, thì người sử dụng đất phải làm thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất trước khi thực hiện thủ tục chia tách thửa đất…

Thời gian qua, tình trạng phân lô, chia tách thửa đất, san lấp đất để xây dựng hạ tầng đường giao thông, vi phạm pháp luật đất đai và trật tự xây dựng đã diễn ra tại một số địa phương trên địa bàn Hà Nội. Điển hình tại các huyện như Thạch Thất, Quốc Oai, Mê Linh, Đông Anh, Sóc Sơn…, nhiều cá nhân, doanh nghiệp nhỏ mua gom đất ở, đất vườn, đất trồng cây lâu năm (thậm chí cả đất rừng) rồi phân lô, bán nền gây nhiễu loạn thị trường.

Điều đáng nói là việc xin chuyển đổi đất vườn sang đất ở rồi tách thửa để bán khiến cho giá bán đất cao hơn nhiều so với đất ở của người dân xung quanh. Hầu hết các khu đất phân lô, bán nền sau thời gian mua đi bán lại nhộn nhịp đều bị bỏ hoang, không có xây dựng, người ở…

Trước thực trạng này, để ngăn chặn tình trạng phân lô, tách thửa, tạo "sốt ảo" trên thị trường bất động sản, từ cuối tháng 3/2022, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã ra văn bản đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã tạm dừng việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến việc chia tách thửa đất đối với thửa đất nông nghiệp; thửa đất có đất ở và đất nông nghiệp trong cùng thửa đất; thửa đất phi nông nghiệp không phải là đất ở cho đến khi thành phố có quy định cụ thể.

Ghi nhận thực tế sau hơn 4 tháng Hà Nội ra "lệnh" tạm dừng phân lô, tách thửa cùng với việc ngân hàng thắt chặt cho vay kinh doanh bất động sản và cơ quan thuế áp giá chuyển nhượng sát giá trị thực khiến thị trường bất động sản ven Hà Nội rơi vào tình trạng trầm lắng, lượng giao dịch giảm mạnh. Một số huyện như Đông Anh giảm 25%, Gia Lâm 14% và khu vực phía Tây như Thạch Thất, Quốc Oai cũng giảm nhiều so với trước…

Một số chuyên gia cho rằng, việc Hà Nội và một số địa phương liên tiếp tạm dừng phân lô, tách thửa là cần thiết để giảm cơn "khát" đất của giới đầu cơ, giúp thị trường phát triển lành mạnh hơn. Bởi nếu để phát triển theo hướng tràn lan, tùy tiện sẽ gây nhiễu loạn thị trường.

Song, về lâu dài, các cơ quan chức năng cần cần nghiên cứu sửa đổi Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản thì mới có cơ sở pháp lý vững chắc cho các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương có thể quản lý và quy hoạch đất đai một cách hợp lý và ổn định. Đặc biệt, tránh tình trạng đầu cơ tràn lan, đảm bảo quyền lợi chính đáng cũng như nhu cầu thực tế của người dân.

chọn
Công ty liên kết của PC1 gom hơn 600 ha đất công nghiệp
Từ tháng 7 đến nay, Western Pacific đã được chấp thuận đầu tư 3 khu công nghiệp hơn 600 ha ở Bắc Giang và Hà Nam. Theo đánh giá của SSI, điểm nhấn bất động sản năm 2024 của PC1 sẽ xoay quanh việc phát triển các dự án mới từ Western Pacific.