Hà Nội khẳng định Nhà máy nước Sông Đuống không phá vỡ quy hoạch sản xuất và kinh doanh nước sạch của Chính phủ

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội khẳng định chủ trương đầu tư xây dựng Nhà máy nước Sông Đuống là tuân thủ quy hoạch của Thủ tướng về mạng lưới cấp nước sạch đô thị.

Câu chuyện ồn ào của Nhà máy nước Sông Đuống thời gian qua nhận được nhiều quan tâm tại buổi họp báo Chính phủ thường kì chiều 2/12. 

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng đã chia sẻ nhiều nội dung xoay quanh  thông tin cho rằng Nhà máy nước sông Đuống phá vỡ quy hoạch sản xuất và kinh doanh nước sạch của Chính phủ.

photo-1-1575201046596295358856

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội khẳng định chủ trương đầu tư xây dựng Nhà máy nước Sông Đuống là tuân thủ quy hoạch của Thủ tướng về mạng lưới cấp nước sạch đô thị. (Ảnh: Tuổi Trẻ).

Ông Nguyễn Thế Hùng khẳng định chủ trương đầu tư xây dựng nhà máy nước sạch này là tuân thủ quy hoạch của Thủ tướng về mạng lưới cấp nước sạch đô thị. Đây là nhà máy cấp nước sạch quy mô liên vùng, việc đầu tư nhà máy là đúng quy hoạch.  

Các phóng viên tiếp tục đặt vấn đề, vừa qua HĐND TP Hà Nội đã bác đề xuất của UBND TP Hà Nội, không chấp nhận bù giá Nhà máy nước sông Đuống, trong khi trước đó đã bù giá cho Nhà máy nước sông Đà. Vậy có hồi tố lại số tiền bù giá cho Nhà máy nước sông Đà không?

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng cho rằng HĐND không bác đề xuất của UBND Hà Nội, mà đây chỉ có văn bản trao đổi.

Theo lãnh đạo TP Hà Nội, hiện thành phố cấp nước sạch cho người dân và tổ chức trên địa bàn theo Quyết định 38 ngày 19/9/2013. Từ đó đến nay thành phố đã giữ giá nước ổn định cho người dân và cơ sở sản xuất, dù phải có lộ trình tăng giá nước. 

Về quản lí nước, trong Nghị định 117/NĐ-CP về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch và Thông tư 75 liên Bộ 2012/TTLT-BTC-BXD-BNNPTNT hướng dẫn nguyên tắc, phương pháp xác định và thẩm quyền quyết định giá tiêu thụ nước sạch tại các đô thị, khu công nghiệp và khu vực nông thôn, UBND cấp tỉnh quy định cụ thể ở địa phương, không trái quy định hiện hành. 

Sau khi xem xét giá tiêu thụ, giá bán lẻ, UBND TP Hà Nội có trao đổi HĐND TP Hà Nội bằng văn bản số 2968 ngày 15/7/2019, xem xét phối hợp xử lí vướng mắc khi có chênh lệch giá nước bán lẻ và giá nước tiêu thụ. 

HĐND sau đó có văn bản số 285 giải quyết theo đúng pháp luật. 

Nội dung văn bản có ghi: "Căn cứ quy định tại Điều 51, 54, Nghị định 117/NĐ-TTg về cấp nước sạch, Điều 24, 25 Luật Giá năm 2012 thì UBND Thành phố xin ý kiến Thường trực HĐND TP về phương án giá nước, tạm thời trợ giá cho Nhà máy nước sông Đuống. Đây là thẩm quyền quyết định của UBND TP đồng thời UBND TP rà soát làm rõ phương án giá nước sạch năm ngân sách 2019, báo cáo HĐND TP khi cần thiết".

Ông Nguyễn Thế Hùng tái khẳng định các văn bản trên chỉ là trao đổi, không  nhằm mục đích bác bỏ. Hiện UBND TP Hà Nội đang chỉ đạo sửa đổi Quyết định 38, trong đó giải quyết vấn đề giá nước, bảo đảm tính đúng, tính đủ giá cả sản xuất cung cấp nước sạch.

Ông cũng thông tin việc trợ giá đối với Nhà máy nước sông Đà là thực hiện theo đúng quy định pháp luật.

Câu chuyện ồn ào Nhà máy nước mặt Sông Đuống từ dư luận bức xúc về việc giá nước của Nhà máy Nước mặt sông Đuống quá cao. UBND TP Hà Nội chấp thuận giá nước tạm tính gấp đôi so với các nhà cung cấp khác, lên tới 10.246 đồng/m3, thậm chí đắt hơn cả giá nước bán lẻ bậc 1 trên thị trường.

Trả lời Lao Động, ông Tạ Đức Hoàng - Tổng giám đốc mới của Nước mặt Sông Đuống, cho rằng việc so sánh hiệu quả và giá nước giữa các nhà máy phải được đưa về cùng thời điểm đầu tư, quy mô đầu tư và vận hành hoạt động.

Trong khi đó, nói với Tuổi Trẻ, bà Đỗ Thị Kim Liên (Shark Liên) - Chủ tịch Nước mặt Sông Đuống, phủ nhận doanh nghiệp của bà được UBND TP Hà Nội ưu ái. Về mức giá nước 10.246 đồng/m3, bà cho biết đây là giá TP Hà Nội tạm tính, để doanh nghiệp có điều kiện thực hiện vay vốn ngân hàng.

"Với giá đó, tổng mức đầu tư của dự án là gần 5.000 tỉ đồng, các nhà tư vấn đã tính toán rất kĩ cùng với thành phố Hà Nội, Sở Tài chính thì mới ra được giá 10.246 đồng", Shark Liên cho biết.

Tag:
chọn
Đất Vũng Tàu: Nhiều người hỏi, ít người chốt
Tháng vừa qua, thị trường Bà Rịa - Vũng Tàu đã đón nhiều nhà đầu tư đi tìm hiểu và khảo sát đất nền, căn hộ. Dù vậy, phần lớn chỉ dừng lại ở mức xem xét, hỏi thăm thông tin và ký gửi sản phẩm sang nhượng, số lượng giao dịch chốt thành công còn khiêm tốn.