Ngày 30/3, Ban tổ chức Thành ủy Hà Nội khảo sát tại quận Đống Đa phục vụ xây dựng Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị thành phố. Phát biểu tại đây, đại biểu tập trung làm rõ những vấn đề liên quan đến việc có nên tổ chức HĐND cấp quận huyện, xã phường hay không.
Đại biểu – cán bộ hưu trí, không có kinh nghiệm
Ông Nguyễn Anh Tuấn – Bí thư kiêm Chủ tịch UBND phường Quang Trung đánh giá về bản chất quyền hạn của HĐND cấp phường rất lớn. Thế nhưng thực tế ngoài chức năng giám sát thì HĐND cấp phường cũng không thể hiện được nhiều, bởi phần lớn công việc làm theo “chỉ đạo” của cấp trên.
Bí thư phường Quang Trung nhận thấy ở cấp TP nên tổ chức cả HĐND, còn cấp quận và phường nên bỏ. “Khi bỏ HĐND, nhiều người băn khoăn đơn vị nào sẽ đại diện nhân dân thực hiện chức năng giám sát. Thực tế, có rất nhiều cơ quan, tổ chức sẽ làm thay chức năng này của HĐND. Nhưng cái quan trọng nhất vẫn là sự giám sát của người dân, họ có thể giám sát 360 ngày trong năm”, ông Tuấn nói.
Ông Nguyễn Anh Tuấn – Bí thư kiêm Chủ tịch UBND phường Quang Trung |
Một trong những lý do dẫn đến việc HĐND cấp quận, phường hoạt động không hiệu quả được ông Đinh Nguyên Mạnh – Bí thư kiêm Chủ tịch HĐND phường Thổ Quan nêu rõ là đại biểu phần lớn là cán bộ hưu trí, tuổi cao không có kinh nghiệp hoạt động.
“Ngân sách của quận, phường chủ yếu được điều tiết chứ HĐND không có quyền quyết. Còn khi giám sát, các đại biểu thường làm theo gợi ý của Chủ tịch hay Phó Chủ tịch HĐND. Khi chất vấn, đại biểu cũng được giao hoặc gợi ý cả câu hỏi”, ông Mạnh nói và đề nghị bỏ HĐND cấp phường.
Theo ông Mạnh nếu bỏ HĐND thì thành phố phải tập trung nghiên cứu cơ chế giám sát các cơ quan chức năng một cách hiệu quả. Ông Mạnh đề nghị tăng cường chức năng giám sát cho Mặt trận Tổ quốc.
Cùng vấn đề trên, ông Nguyễn Hoài Nam – Bí thư phường Láng Hạ đồng tình với phương án không tổ chức HĐND quận, phường. Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi của nhân dân, theo ông Nam, thành phố vẫn phải nghiên cứu cụ thể những tổ chức sẽ thực hiện chức năng này thay HĐND.
Giảm gánh nặng ngân sách
Ông Nguyễn Thanh Tùng – Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Quận ủy Đống Đa cũng thống nhất phương án không tổ chức HĐND cấp phường. “Thử hỏi 100 người dân, liệu có ai biết đại biểu HĐND cho mình là ai không. Theo tôi rất ít người biết. Như vậy HĐND đang hoạt động không hiệu quả”, ông Tùng nói.
Ông Vũ Đức Bảo – Trưởng Ban tổ chức Thành ủy Hà Nội |
Cùng vấn đề trên, ông Võ Nguyên Phong – Chủ tịch UBND quận Đống Đa cho rằng, việc tổ chức không đầy đủ ở cấp quận, phường sẽ giảm chi phí hoạt động của bộ máy, từ đó các quyết định được thực thi nhanh hơn, vì không cần phải chờ đến kỳ họp HĐND mới được thông qua.
“Thực tế, đặc thù đại biểu HĐND phường thường là cán bộ hưu trí, cán bộ đoàn thể, đại biểu theo cơ cấu… nên chất lượng đại biểu chưa đồng đều, một số đại biểu không phát biểu đóng góp ý kiến tại các kỳ họp”, ông Võ Nguyên Phong cho hay.
Ông Vũ Đức Bảo – Trưởng Ban tổ chức Thành ủy Hà Nội cho biết, ngoài việc không tổ chức HĐND cấp phường, nhiều ý kiến cũng đề nghị bỏ HĐND cấp quận. Bởi theo ông Bảo cần phải nhìn nhận thực tế nhiều quyết định đưa ra HĐND thì cấp trên đã quyết rồi. Còn chất lượng giám sát của HĐND cũng rất hạn chế.
Đại diện UBND quận Đống Đa cho rằng, nên tổ chức cơ quan hành chính quận, phường, thị xã theo thiết chế thủ trưởng hành chính, người đứng đầu là Quận trưởng, Phường trưởng, Thị trưởng thay vì thiết chế UBND như hiện nay. Lý do được ông Võ Nguyên Phong chỉ rõ, với thiết chế thủ trưởng hành chính được phân quyền, phân cấp mạnh, có thẩm quyền quyết định và tổ chức hoạt động hành chính, kinh tế - xã hội trên địa bàn quận, phường, thị xã. Ngoài ra, theo ông Phong thực hiện theo mô hình này sẽ đảm bảo một mô hình gọn nhẹ, hiệu quả, đảm bảo chủ động, linh hoạt. Đồng thời cơ chế giám sát vẫn được đảm bảo, bởi đã có nhiều cơ chế giám sát ngang dọc từ UBND TP đến các sở ngành. |
Phế thải 'ngáng đường' người dân trên Đại lộ Thăng Long
Tình trạng đổ phế thải vẫn tiếp diễn ở Đại lộ Thăng Long, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với các phương tiện lưu thông ... |