Hà Nội thu về 20.000 - 40.000 tỷ đồng tiền đất hàng năm

Theo báo cáo của TP Hà Nội, thu tài chính từ đất hàng năm thành phố được khoảng 20.000 - 40.000 tỷ đồng, chiếm trên 15% tổng thu ngân sách.

Ảnh minh hoạ: Hoàng Huy.

UBND TP Hà Nội vừa qua đã công bố báo cáo liên quan đến công tác quản lý, sử dụng đất đai và xác định giá đất tại địa phương.

Hà Nội cho biết, những năm qua, số tiền tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất toàn thành phố hàng năm thu được khoảng 9.500 tỷ đồng; thu tài chính từ đất hàng năm được khoảng 20.000 - 40.000 tỷ đồng (chiếm trên 15% tổng thu ngân sách thành phố).

Bên cạnh đó, Hà Nội đã cấp Giấy chứng nhận lần đầu cho các hộ gia đình, cá nhân trong khu dân cư trên địa bàn là 1.678.912 thửa đất. Trong đó có số thửa đất đã kê khai, đăng ký đất đai và cấp Giấy chứng nhận là 1.672.222 thửa/1.678.912 thửa, đạt 99,6%.

Từ năm 2015 đến nay, thành phố đã thực hiện thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư GPMB khoảng 9.000 ha đất để thực hiện trên 3.700 dự án đầu tư có sử dụng đất; công tác xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai được triển khai từ năm 2014 và đến nay đã cơ bản hoàn thành.

Tuy nhiên, Hà Nội cũng nêu lên một số bất cập trong chính sách quản lý đất đai.

Cụ thể, việc nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất nông nghiệp để thực hiện dự án đầu tư nhà ở thương mại không thực hiện được do chưa thống nhất giữa quy định của Luật Đất đai, Luật Đầu tư với Luật Nhà ở; không có cơ chế xử lý đối với trường hợp nhà đầu tư khó khăn trong việc nhận chuyển nhượng toàn bộ quyền sử dụng đất.

Việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa để thực hiện dự án đầu tư phải trình HĐND cấp tỉnh thông qua tại 2 kỳ họp khác nhau, dẫn đến ảnh hưởng đến tiến độ giải phóng mặt bằng.

Về thu tiền trúng đấu giá quyền sử dụng đất, chưa có sự thống nhất giữa Nghị định 126/2020 của Chính phủ (người trúng đấu giá phải hoàn thành nộp tiền trúng đấu giá kể từ ngày được công nhận kết quả tối đa không quá 90 ngày) và Nghị định số 10/2023 (hủy quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá trong trường hợp người trúng đấu giá không nộp tiền hoặc nộp không đủ tiền trúng đấu giá quyền sử dụng đất trong vòng 120 ngày kể từ ngày có quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá).

Về thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất thực hiện dự án đầu tư, các dự án thuộc đối tượng được Nhà nước thu hồi đất theo quy định của pháp luật đất đai trước Luật Đất đai 2013 (chưa hoàn thành GPMB) được chuyển tiếp thực hiện nhưng không thuộc đối tượng thu hồi đất theo Luật Đất đai 2013; không có quy định cho phép tiếp tục thực hiện thu hồi đất GPMB đối với diện tích đất còn lại chưa hoàn thành GPMB. Nhà đầu tư phải thực hiện nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất đối với diện tích đất này.

Điều này dẫn đến 1 dự án đầu tư, nhà đầu tư phải tiếp cận đất đai theo 2 cách, gây khó khăn cho các cơ quan nhà nước và nhà đầu tư do người dân không đồng thuận, dự án kéo dài, chậm tiến độ đầu tư...

chọn
ĐHĐCĐ Đạt Phương: Luật mới sẽ không tác động nhiều đến thị trường bất động sản, vụ Tập đoàn Thuận An không ảnh hưởng đến doanh nghiệp
Chủ tịch Đạt Phương cho biết, doanh nghiệp có liên danh với Tập đoàn Thuận An và nhiều nhà thầu khác tại hai dự án xây dựng. Về bản chất, mỗi nhà thầu độc lập với nhau, Đạt Phương ký hợp đồng độc lập với chủ đầu tư và khẳng định không liên quan gì đến Thuận An.