Hà Nội tính chuyện thu hồi đất vùng phụ cận, sẽ sớm hết chuyện đất trong ngõ ra mặt đường lớn?

Hà Nội dự kiến sẽ hoàn thiện các nội dung để kiến nghị trung ương một số vấn đề liên quan đến đấu giá đất, trong đó có đề cập đến "thu hồi đất vùng phụ cận".

Tại báo cáo liên quan quan đến công tác đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn gửi HĐND TP vào tháng 6 vừa qua, UBND TP Hà Nội đã nêu một số giải pháp trọng tâm tiếp tục thực hiện trong thời gian tới.

Trong đó, UBND TP cho biết sẽ hoàn chỉnh các nội dung để kiến nghị với trung ương 5 vấn đề. Một trong các vấn đề này là liên quan đến thu hồi đất vùng phụ cận theo quy hoạch để đấu giá. 

“Để hoàn thiện hơn cơ chế khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, nhà nước chủ động thu hồi đất vùng phụ cận theo quy hoạch để đấu giá quyền sử dụng đất, đề nghị sửa đổi Luật Đất đai đảm bảo rõ:

Dự án giải phóng mặt bằng (không đầu tư hạ tầng) để đấu giá quyền sử dụng đất, được nhà nước thực hiện thu hồi đất theo kế hoạch sử dụng đất (bổ sung vào khoản 3 Điều 62 Luật Đất đai); Nhà nước thực hiện ứng vốn thông qua Quỹ phát triển đất để đáp ứng nhu cầu, tiến độ công tác thu hồi đất Dự án giải phóng mặt bằng (không đầu tư hạ tầng) để đấu giá quyền sử dụng đất,” văn bản của UBND TP Hà Nội gửi HĐND TP nêu vấn đề về thu hồi đất vùng phụ cận dự kiến sẽ kiến nghị trung ương.

 Hà Nội đang tính việc thu hồi đất vùng phụ cận để đấu giá. (Ảnh tư liệu minh họa: Hạ Vũ).

Theo tìm hiểu, đất vùng phụ cận đã được đề cập tại Luật Đất đai năm 2013. Theo đó, đất vùng phụ cận là một trong những nội dung của kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh và cấp huyện.

Cụ thể, theo điểm d, khoản 4, Điều 39 Luật Đất đai 2013, nội dung kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh phải: “Xác định quy mô, địa điểm công trình, dự án cấp quốc gia và cấp tỉnh sử dụng đất vào các mục đích quy định tại Điều 61 và Điều 62 của Luật này thực hiện trong kỳ kế hoạch sử dụng đất theo từng năm và đến từng đơn vị hành chính cấp huyện.

Đối với dự án hạ tầng kỹ thuật, xây dựng, chỉnh trang khu đô thị, khu dân cư nông thôn thì phải đồng thời xác định vị trí, diện tích đất thu hồi trong vùng phụ cận để đấu giá quyền sử dụng đất thực hiện dự án nhà ở, thương mại, dịch vụ, sản xuất, kinh doanh”.

Tương tự, theo điểm c, khoản 4, Điều 40 của Luật này quy định, nội dung kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện phải “Xác định vị trí, diện tích đất phải thu hồi để thực hiện công trình, dự án sử dụng đất vào mục đích quy định tại Điều 61 và Điều 62 của Luật này trong năm kế hoạch đến từng đơn vị hành chính cấp xã.

Đối với dự án hạ tầng kỹ thuật, xây dựng, chỉnh trang đô thị, khu dân cư nông thôn thì phải đồng thời xác định vị trí, diện tích đất thu hồi trong vùng phụ cận để đấu giá quyền sử dụng đất thực hiện dự án nhà ở, thương mại, dịch vụ, sản xuất, kinh doanh.”

Điều 61 của Luật này quy định về các trường hợp sẽ "Thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh". Điều 62 quy định các trường hợp "Thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.

Theo UBND TP Hà Nội, hiện nay pháp luật về đầu tư, xây dựng, đất đai còn nhiều nội dung chưa đồng bộ, thống nhất, dẫn đến khó khăn trong thực hiện. Trong đó, chưa quy định rõ việc thu hồi đất để đấu giá quyền sử dụng đất thuộc thuộc trường hợp thu hồi đất phát triên kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; việc ứng vốn giải phóng mặt bằng thực hiện theo Luật Đầu tư công, Luật Đất đai không đồng nhất,…

Vì vậy, đơn vị này muốn kiến nghị để làm rõ khi điều chỉnh Luật Đất đai sắp tới.

Trước Hà Nội, đầu năm 2021, UBND TP HCM đã có quyết định phê duyệt Đề án "Quản lý đất đai và phương hướng sử dụng đất đai hiệu quả trên địa bàn TP HCM".  Một trong những nội dung của đề án là TP HCM sẽ thu hồi đất kế bên công trình hạ tầng để đấu giá.

Trước đó, nội dung quy hoạch đất bên cạnh công trình kết cấu hạ tầng, vùng phụ cận cũng đã được định hướng tại Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 31/10/2012, Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “Về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”.

“Đối với các dự án xây dựng công trình kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, chỉnh trang đô thị, cần quy hoạch cả phần diện tích đất bên cạnh công trình kết cấu hạ tầng, vùng phụ cận để thu hồi đất, tạo nguồn lực từ đất đai đầu tư cho các công trình này, hỗ trợ người có đất bị thu hồi và tăng thu ngân sách nhà nước; đồng thời ưu tiên cho người bị thu hồi đất ở được giao đất hoặc mua nhà trên diện tích đất đã thu hồi mở rộng theo quy định của pháp luật,” trích nội dung Nghị quyết số 19-NQ/TW.

Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII “Về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao” có yêu cầu quy định cụ thể việc khai thác hiệu quả quỹ đất phụ cận các công trình kết cấu hạ tầng theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Cụ thể, tại nội dung Hoàn thiện quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, Nghị quyết có định hướng:

“Quy định cụ thể việc khai thác hiệu quả quỹ đất phụ cận các công trình kết cấu hạ tầng theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và chính sách ưu tiên cho người có đất ở bị thu hồi đất được giao đất hoặc mua nhà trên diện tích đất đã thu hồi mở rộng theo quy định của pháp luật. Đối với các dự án phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất, cần sớm xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách để tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có quyền sử dụng đất tham gia với nhà đầu tư để thực hiện các dự án dưới hình thức chuyển nhượng, cho thuê, góp vốn bằng quyền sử dụng đất.” 

5 vấn đề UBND TP Hà Nội dự kiến hoàn chỉnh các nội dung để kiến nghị với trung ương liên quan đến công tác đấu giá đất trên địa bàn:

"1. Để hoàn thiện hơn cơ chế khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, Nhà nước chủ động thu hồi đất vùng phụ cận theo quy hoạch để đấu giá quyền sử dụng đất, đề nghị sửa đổi Luật Đất đai đảm bảo rõ:

- Dự án giải phóng mặt bằng (không đầu tư hạ tầng) để đấu giá quyền sử dụng đất, được nhà nước thực hiện thu hồi đất theo kế hoạch sử dụng đất (bổ sung vào khoản 3 Điều 62 Luật Đất đai); - Nhà nước thực hiện ứng vốn thông qua Quỹ phát triển đất để đáp ứng nhu cầu, tiến độ công tác thu hồi đất Dự án giải phóng mặt bằng (không đầu tư hạ tầng) để đấu giá quyền sử dụng đất.

2. Cho phép UBND TP thực hiện Nghị định số 49/2021/NĐ-CP: theo hướng xác định quỹ đất có vị trí, quy mô phù hợp để phát triển nhà ở xã hội tập trung (tương ứng với diện tích quỹ đất 20% tại các dự án nhà ở), đảm bảo đủ chỉ tiêu quỹ nhà ở xã hội, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, tạo thành các khu đô thị văn minh, đủ tiêu chí, tiêu chuẩn, đáp ứng nhu cầu cho các đối tượng mua nhà ở xã hội.

3.Cho phép UBND TP áp dụng hệ số điều chỉnh giá đất (K) để xác định: giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất (không phải thuê đơn vị tư vấn xác định giá đất cụ thể).

4.Xem xét quy định về năng lực chủ đầu tư khi tham gia đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư: Luật Đấu giá tài sản chỉ quy định năng lực tài chính là chính khi tham gia đấu giá quyền sử dụng đất, chưa quy định năng lực nhà đầu tư thực hiện dự án, kinh nghiệm thực hiện dự án sau khi trúng đấu giá quyền sử dụng đất, gây nhiều khó khăn trong việc quản lý đâu tư, xây dựng, quy hoạch.

5.Quy định chế tài đối với các trường hợp gây nhiễu loạn đấu giá, thị trường bất động sản, đấu giá với giá trúng cao hơn nhiều lần giá thị trường sau đó không thực hiện nộp tiền trúng đấu giá theo quy định (bỏ khoán tiền đặt trước đã nộp)." 

chọn
D2D ước lãi thêm 800 tỷ từ dự án Lộc An
Năm 2024 - 2029, D2D sẽ thực hiện tiếp giai đoạn 2 khu dân cư Lộc An với tổng mức đầu tư gần 1.116 tỷ đồng. Tổng doanh thu dự kiến trong giai đoạn 2 là hơn 2.181 tỷ đồng, lợi nhuận dự kiến 795 tỷ đồng.