Hà Tĩnh sắp xây mới tuyến đường 1.500 tỷ rộng 70 m, kết nối trung tâm thành phố với đường ven biển

Dự kiến từ quý II/2024, Hà Tĩnh sẽ bắt đầu thi công đường Xô Viết Nghệ Tĩnh kéo dài về đông. Tuyến này sẽ có chiều dài 6,6 km, kết nối trung tâm TP Hà Tĩnh với quốc lộ 15B (đường ven biển).

Đường Xô Viết Nghệ Tĩnh kéo dài nhìn trên bản đồ. (Ảnh chụp từ báo cáo).

Vừa qua, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Hà Tĩnh đã lập báo cáo liên quan đến dự án đường Xô Viết Nghệ Tĩnh kéo dài về phía đông. Dự án này được HĐND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư ngày vào ngày 14/7.

Theo đánh giá của địa phương, tuyến đường này có ý nghĩa quan trọng, là tuyến đường trục chính kết nối giữa trung tâm TP Hà Tĩnh với Quốc lộ 15B (đường ven biển Hà Tĩnh), góp phần chỉnh trang và phát triển không gian đô thị, tạo quỹ đất về phía đông cho TP Hà Tĩnh và huyện Thạch Hà, tạo điều kiện thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp và khu đô thị của tỉnh.

Đường Xô Viết Nghệ Tĩnh kéo dài có tổng chiều dài hơn 6,6 km, nằm trên địa giới của 4 xã, phường là Thạch Quý, Thạch Hưng, Đồng Môn (TP Hà Tĩnh) và xã Thạch Lạc, huyện Thạch Hà. Điểm đầu tuyến giao với đường Nguyễn Công Trứ, điểm cuối giao với quốc lộ 15B.

Đường Xô Viết Nghệ Tĩnh kéo dài nhìn trên bản đồ. (Ảnh chụp từ báo cáo).

Về hiện trạng, tuyến cắt ngang khu dân cư xóm Tân Quý, phường Thạch Quý và thôn Thuý Hội, xã Thạch Hưng, hai bên tuyến có một số khu dân cư có thể chịu ảnh hưởng bởi quá trình thực hiện dự án.

Đây là tuyến đường thiết kế mở mới, đi giao cắt qua cánh đồng ruộng lúa. Các thửa ruộng đều có diện tích khá nhỏ, 500 - 1.500 m2/thửa. Do khu vực này ở dưới hạ nguồn hệ thống cấp nước sản xuất hồ Kẻ Gỗ nên hoạt động sản xuất nông nghiệp không được đầu tư phát triển mạnh, năng suất không cao, một số ruộng đã bị bỏ hoang.

Nhìn chung, hệ thống giao thông khu vực thuận tiện cho quá trình thi công dự án. Đường Xô Viết Nghệ Tĩnh kéo dài giao với các tuyến đường Nguyễn Công Trứ, Mai Thúc Loan và quốc lộ 15B, sau khi hoàn thành sẽ góp phần thu hút các nhà đầu tư chiến lược vào TP Hà Tĩnh và huyện Thạch Hà.

 

 

 

Một số khu dân cư nơi tuyến đi qua. (Ảnh chụp từ báo cáo).

Về giải phóng mặt bằng, để thực hiện, dự án sẽ chiếm dụng vĩnh viễn khoảng 56,4 ha, trong đó có 27,6 ha đất trồng lúa và hơn 2,5 ha đất ở.

Trong đó, sẽ thu hồi đất lúa của các hộ dân phường Thạch Quý, xã Thạch Hưng, Đồng Môn và xã Thạch Lạc. Thu hồi đất ở của 212 hộ dân phường Thạch Quý và 11 hộ dân xã Thạch Hưng, trong đó có 126 hộ dân bị giải toả một phần và 97 hộ dân thuộc diện di dời.

Trong số các hộ dân có đất ở phải di dời, phần lớn các hộ là sản xuất nông nghiệp, kinh doanh, buôn bán và phân bố chủ yếu tại khu vực đầu tuyến thuộc phường Thạch Quý, TP Hà Tĩnh. Một số hộ dân có nhà cửa nằm trên các tuyến đường trục chính như Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Trung Thiên, Mai Thúc Loan có nguồn thu nhập chính từ buôn bán, kinh doanh nhờ tận dụng mặt bằng hiện có.

Theo khảo sát, các hộ dân thuộc diện thu hồi đất mong muốn được đền bù bằng tiền để tái định cư vị trí gần nơi ở cũ do quỹ đất địa phương vẫn còn hình thức tự tái định cư. Do số hộ dân di dời là không  lớn nên phương án đền bù là bằng tiền để các hộ dân tự tái định cư.

Ngoài ra, dự án sẽ chiếm dụng hơn 700 m2 đất thương mại dịch vụ của Hợp tác xã Thành Sen thuộc xã Thach Hưng, TP Hà Tĩnh. Chiếm dụng hơn 3,1 ha đất thuỷ lợi và 7,6 ha đất giao thông (hiện trạng là các tuyến đường nhựa, đường đất, giao thông nội đồng).

Thiết kế mặt cắt ngang của đường Xô Viết Nghệ Tĩnh kéo dài. (Ảnh chụp từ báo cáo).

Về quy mô, đây là dự án nhóm B, công trình giao thông đường bộ cấp 1, là đường chính cấp khu vực, hình thức đầu tư xây dựng mới, vận tốc thiết kế 60 km/h, quy mô mặt cắt ngang đường rộng 70 m, trong đó mặt đường hai bên rộng 21 m, bề rộng vỉa hè 10 m, dải cây xanh hai bên vỉa hè 9 m, giải phân cách giữa rộng 30 m. Kết cấu mặt đường bê tông nhựa.

Trên tuyến sẽ có các nút giao cùng mức, gồm nút giao Nguyễn Công Trứ là dạng ngã tư; nút giao đường Nguyễn Trung Thiên dạng ngã tư; nút giao Mai Thúc Loan dạng ngã tư; nút giao quốc lộ 15B dạng ngã tư có vòng đảo xuyến. 

Ngoài ra, sẽ xây dựng một cầu lớn bắc qua sông Rào Cái bằng bê tông cốt thép, tổng chiều dài khoảng 200 m; xây dựng hệ thống cống thoát nước ngang đường...

Hiện trạng đường Nguyễn Công Trứ vị trí dự án sẽ đi qua. 

 

 

Phương án thiết kế các nút giao trên tuyến. (Ảnh chụp từ báo cáo).

Tổng mức đầu tư của đường Xô Viết Nghệ Tĩnh kéo dài là 1.489 tỷ đồng. Trong cơ cấu nguồn vốn, có 813 tỷ đồng đến từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách 2021 và 2022; hơn 455 tỷ đồng đến từ nguồn ngân sách tỉnh giai đoạn 2023 - 2025; khoảng 230 tỷ đồng đến từ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030 ngân sách tỉnh bố trí.

Về tiến độ, dự kiến đến hết quý I/2024, dự án sẽ hoàn tất giai đoạn tiền khả thi, nghiên cứu khả thi và thiết kế kỹ thuật. Từ quý II/2024 bắt đầu bước vào giai đoạn thi công xây dựng. Giai đoạn quý II/2025 - quý IV/2026, dự án sẽ hoàn thành và bàn giao.

TP Hà Tĩnh sẽ có 3 đô thị vệ tinh, cửa ngõ

Một góc Hà Tĩnh hiện nay. (Ảnh: hatinh.gov.vn).

Năm 2023 đang là năm chuyển mình của Hà Tĩnh, khi địa phương này công bố quy hoạch chung và trao giấy chứng nhận đầu tư cho nhiều dự án mới với tổng giá trị hàng trăm nghìn tỷ đồng.

Hà Tĩnh là tỉnh thứ 2 trên cả nước (sau Bắc Giang) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo quy hoạch, đô thị Hà Tĩnh sẽ phát triển trên nền tảng Ba trung tâm đô thị.

Vùng đô thị trung tâm tỉnh sẽ có TP Hà Tĩnh là hạt nhân và các đô thị vệ tinh, đô thị cửa ngõ kết nối xung quanh, gồm: thị trấn Thạch Hà, thị trấn Cẩm Xuyên và thị trấn Lộc Hà.

Đây là địa bàn trung tâm, có vị trí đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của tỉnh. Trung tâm đô thị này sẽ trở thành trung tâm thương mại - du lịch, trung tâm khoa học - đào tạo, hành chính của tỉnh.

Trung tâm đô thị phía Bắc là thị xã Hồng Lĩnh (hiện là đô thị loại IV và đang tiến tới đô thị loại III) gắn với thị trấn Tiên Điền, thị trấn Xuân An, đô thị mới Nghi Xuân và vùng phụ cận. Không gian phát triển Trung tâm đô thị theo hướng bờ Nam sông Lam, cùng với các thị trấn vệ tinh để kết nối với thành phố Vinh. Trung tâm đô thị này sẽ trở thành trung tâm công nghiệp nhẹ và du lịch phía Bắc của tỉnh. 

Trung tâm đô thị phía Nam với hạt nhân là thị xã Kỳ Anh gắn với Khu kinh tế Vũng Áng và các vùng phụ cận. Trung tâm đô thị này sẽ trở thành trung tâm công nghiệp nặng, chế biến chế tạo, dịch vụ logistics và tiềm năng phát triển thành đô thị trung tâm của vùng Bắc Trung Bộ.

Về lâu dài, thị xã Kỳ Anh sẽ kết nối với với huyện Kỳ Anh với chức năng vùng đệm cho thị xã Kỳ Anh và có thể mở rộng không gian phát triển khi phát triển đô thị lên loại II trong tương lai. 

Hà Tĩnh cũng xác định phát triển hệ thống đô thị của tỉnh thành 3 chuỗi gắn với 3 trung tâm đô thị động lực, trên cơ sở phát huy lợi thế giao thông của các tuyến quốc lộ.

Trong đó, chuỗi đô thị dọc theo quốc lộ 1 và đường ven biển là chuỗi đô thị chính, được phát triển nhằm tận dụng lợi thế giao thông của quốc lộ 1, quốc lộ ven biển, đồng thời gắn kết với hệ thống giao thông mới là đường bộ cao tốc và đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. 

Thứ hai là chuỗ đô thị dọc theo quốc lộ 8, phát triển các đô thị động lực bao gồm: Nước Sốt, Tây Sơn, Phố Châu, Nầm, Đức Thọ, Lạc Thiện, Tam Đồng, Hồng Lĩnh, Xuân An, Tiên Điền, Nghi Xuân. Trục đô thị này lấy thị xã Hồng Lĩnh là đô thị hạt nhân, gắn với thị trấn Xuân An, Tiên Điền, Nghi Xuân và vùng phụ cận, sau năm 2030 trở thành thành phố phía Bắc của tỉnh.

Cuối cùng là chuỗi đô thị dọc đường Hồ Chí Minh phát triển các đô thị động lực dọc theo đường Hồ Chí Minh: Phố Châu, Vũ Quang, Phúc Đồng, Hương Khê, Hương Trà, La Khê, Tây Sơn.