Hé lộ thời điểm triển khai khu đô thị gần 2.000 tỷ của Mipec tại Hà Tĩnh

Dự kiến từ tháng 8/2024, Mipec sẽ triển khai xây dựng các hạng mục nhà ở của Khu đô thị tại xã Thạch Trung và thị trấn Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Dự án này có quy mô gần 30 ha, tổng mức đầu tư 1.985 tỷ đồng.

Phối cảnh Khu đô thị tại xã Thạch Trung và thị trấn Thạch Hà.

CTCP Hoá dầu Quân đội (Mipec) vừa công bố một báo cáo liên quan đến dự án Khu đô thị tại xã Thạch Trung và thị trấn Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh.

Dự án này được UBND tỉnh Hà Tĩnh duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 10/2022. Đến tháng 4/2023, Mipec đã đăng ký thực hiện dự án này, cạnh tranh cùng liên danh CTCP Đầu tư bất động sản Âu Lạc Nghệ An – CTCP Đầu tư thương mại và Xây dựng 389.

Mipec sau đó là nhà đầu tư duy nhất đáp ứng sơ bộ năng lực thực hiện dự án. Ngày 25/5 vừa qua, Hà Tĩnh đã chấp thuận cho Mipec là nhà đầu tư của khu đô thị nói trên.

Khu đô thị tại xã Thạch Trung và thị trấn Thạch Hà có tổng diện tích 29,8 ha, thuộc địa phận xóm Bắc Phú, Liên Phú (xã Thạch Trung, TP Hà Tĩnh) và thị trấn Thạch Hà (huyện Thạch Hà). Phía bắc dự án giáp đất quy hoạch cây xanh; phía nam giáp hành lang quốc lộ 1 và khu dân cư hiện trạng; phía đông giáp đất nông nghiệp và khu dân cư hiện hữu; phía tây giáp sông Cày và hành lang bảo vệ đê Đồng Môn.

 

Vị trí thực hiện dự án nhìn từ bản đồ.

Về hiện trạng, khu đất dự án có một phần diện tích hơn 13,1 ha, trước đây phần diện tích này thuộc dự án xây dựng công trình Trung tâm thương mại, dịch vụ và khách sạn Quỳnh Anh (đã dừng thực hiện từ năm 2012), sau đó Hà Tĩnh đã thu hồi. Đối với phần 13,1 ha này hiện trạng đã được đền bù GPMB (trong đó đất nông nghiệp 12,1 ha; đất chưa sử dụng 1 ha).

Đối với khoảng 16,7 ha còn lại, hiện nay chủ yếu là đất nông nghiệp (6,6 ha); đất phi nông nghiệp (1,3 ha) và 0,8 ha đất bằng chưa sử dụng. Quá trình giải phóng mặt bằng phần diện tích này, sẽ thực hiện thu hồi đất của 64 hộ dân thuộc xã Thạch Trung và thị trấn Thạch Hà.

Tính hiện trạng toàn dự án, đất nông nghiệp chiếm hơn 18,8 ha; đất phi nông nghiệp khoảng 3,7 ha và đất chưa sử dụng là 3,5 ha.

Tương quan vị trí dự án trong khu vực.

Trong khu vực dự án không có công trình kiến trúc nào đáng kể, chỉ có 1 công trình nhà ở dân sinh 2 tầng, nhà tạm làm chỗ kinh doanh thuộc khu vực ngoài đê trong phạm vi đất thị trấn Thạch Hà.

Xung quanh khu vực thực hiện dự án có các khu dân cư sinh sống thuộc các xóm Liên Phú và Tân Phú, xã Thạch Trung. Phía đông nam cách khoảng 1,5 km có trụ sở UBND xã Thạch Trung;  cách 200 m về phía tây nam có trụ sở UBND huyện Thạch Hà.

Để thực hiện, dự án cần chuyển đổi mục đích sử dụng khoảng 6,36 ha đất trồng lúa nước 2 vụ thuộc địa phận xã Thạch Trung (TP Hà Tĩnh). Báo cáo cho hay, từ năm 2019 đến nay, do điều kiện khí hậu, dịch bệnh... nên năng suất trồng lúa trên khu đất này thấp. 

Tiếp giáp phía tây nam dự án là quốc lộ 1A rộng 41 m. Phía đông nam khu vực dự án có đường Mai Lão Bạng nối quốc lộ 1A đến đường Ngô Quyền. Phía tây dự án giáp đường đê Đồng Môn (rộng 5,6 m) và tuyến giao thông dưới chân đê (rông 7 m)... Ngoài ra còn có các tuyến đường đất nội đồng và các tuyến đường nội bộ rộng 1,5 - 5 m. Cách dự án 200 m về phía tây là sông Cày. 

Đường đê Đồng Môn tiếp giáp dự án. 

 Một đoạn sông Cày khu vực tiếp giáp dự án. 

Về tính chất, đây sẽ là khu đô thị mới phục vụ nhu cầu ở, sinh hoạt của người dân TP Hà Tĩnh và huyện Thạch Hà, dân số dự kiến khoảng 6.100 người. Tổng diện tích sàn xây dựng toàn dự án là 165.966 m2. 

Trong cơ cấu sử dụng đất, đất ở sẽ chiếm diện tích hơn 9,1 ha, bao gồm: Nhà liền kề (mật độ xây dựng 70 - 90%, cao 3 tầng); đất ở biệt thự (mật độ xây dựng 70 - 80%, cao 2 tầng); đất chung cư NOXH thấp tầng (mật độ xây dựng 70 - 90%, cao 2 tầng); đất chung cư (mật độ xây dựng 20 - 30%, cao 7 tầng); đất ở hỗn hợp (60 - 80%, cao 7 - 15 tầng). 

Bên cạnh đó, dự án sẽ bố trí khoảng 0,2 ha đất công cộng, trong đó có toà thương mại dịch vụ cao 5 tầng; hơn 1,7 ha dành cho đất thuỷ lợi; 9,5 ha cho đất giao thông và 4,7 ha đất mặt nước. 

Về các hạng mục, toàn dự án sẽ xây dựng 560 lô đất ở liền kề (trung bình 104,5 m2/lô); 47 lô đất ở biệt thự (trung bình 190,4 m2/lô); 100 lô đất NOXH thấp tầng (trung bình 81,1 m2/lô); một toà chung cư NOXH và 3 toà nhà hỗn hợp.

Các công trình nhà liền kề được xây thô hoàn thiện ngoại thất, bố trí dọc theo tuyến đường ven đê, hai bên trục đường trung tâm. Đất biệt thự sẽ bố trí ở phía cuối trục đường trung tâm, gần khu vực bố trí đất ở hỗn hợp. Đất xây chung cư NOXH bố trí ở khu vực phía bắc dự án. NOXH thấp tầng sẽ xây thô hoàn thiện ngoại thất. 

Đối với công trình hỗn hợp, sẽ xây dựng nhà ở cao tầng kết hợp thương mại dịch vụ, tích hợp các công trình khu nhà trẻ, mầm non, khu thể thao trong nhà...

Về tiến độ dự kiến, giai đoạn tháng 5/2023 - tháng 7/2024 chủ đầu tư sẽ hoàn thành các thủ tục về đất đai, chuẩn bị dự án. Giai đoạn tháng 8/2024 - tháng 3/2026 xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật, cây xanh cảnh quan.  Giai đoạn tháng 9/2025 - tháng 10/2027 xây dựng các công trình nhà ở. Giai đoạn tháng 11/2027 - tháng 1/2028 nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng.

Tổng mức đầu tư của khu đô thị này là 1.985 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng chiếm 1.539 tỷ đồng, chi phí GPMB là 27 tỷ đồng... Vốn góp của nhà đầu tư tại dự án này là 300 tỷ đồng (tiến độ góp vốn quý III/2023 - quý III/2024), còn lại là vốn huy động. 

Năng lực của Mipec ra sao?

Một dự án Mipec đang đầu tư ở TP Vinh. (Ảnh: Hoàng Huy).

Về chủ đầu tư, Mipec thành lập từ năm 2003 với vốn điều lệ 15 tỷ đồng, khởi đầu với lĩnh vực sản xuất dầu mỡ nhờn chuyên dụng cho khí tài quân sự. Tính đến lần đăng ký thay đổi mới nhất vào tháng 6/2017, doanh nghiệp có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng, trụ sở đặt tại quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), Tổng Giám đốc hiện nay là ông Dư Cao Sơn. 

Mipec bắt đầu lấn sân sang bất động sản kể từ tháng7/2007, thông qua việc khởi công dự án bất động sản đầu tay Mipec Tower tại 229 Tây Sơn, Đống Đa, Hà Nội. Đến năm 2009, doanh nghiệp này thành lập CTCP Bất động sản Mipec (Mipec Land) để thi công các dự án Mipec Tower, Mipec Riverside, Mipec Citadines Bayfront Nha Trang, Mipec Kiến Hưng,…

Các dự án bất động sản đã hoàn tất của Mipec hiện nay có thể kể đến như Citadines Bayfront Nha Trang (TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa), Mipec Riverside (quận Long Biên, Hà Nội), Mipec Palace (quận Đống Đa, Hà Nội), Mipec Golf Club (quận Thanh Xuân, Hà Nội), Mipec Tower (quận Đống Đa, Hà Nội) và Mipec 183 (quận Đống Đa, Hà Nội).

Hiện nay, Mipec đang triển khai hai dự án là Mipec Tràng An (hay Vinh Heritage) tại TP Vinh, tỉnh Nghệ An và MIPEC City View tại quận Hà Đông, TP Hà Nội. Theo giới thiệu của doanh nghiệp, năm 2020 tổng doanh thu của Mipec là gần 5.700 tỷ đồng, tổng tài sản gần 7.000 tỷ đồng. 

Hà Tĩnh đang lọt mắt xanh của nhiều "ông lớn"

Một góc TP Hà Tĩnh. (Ảnh: Báo Hà Tĩnh).

Theo quy hoạch, giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Tĩnh sẽ mời gọi đầu tư vào 30 dự án tập trung ở 4 ngành trọng điểm: Công nghiệp luyện thép, công nghiệp hỗ trợ, chế tạo sau thép và sản xuất điện; nông, lâm nghiệp và thủy sản; dịch vụ logistics; du lịch.

Đối với lĩnh vực đô thị là các dự án xây dựng khu đô thị, nhà ở quy mô lớn, đầu tư hạ tầng đồng bộ, hiện đại, Hà Tĩnh đang ưu tiên kêu gọi đầu tư như: Khu đô thị sinh thái, du lịch, vui chơi giải trí bãi nổi Xuân Giang 2 và vùng ven sông Lam (Nghi Xuân); tổ hợp dự án đô thị, du lịch nghỉ dưỡng và sân golf Kỳ Nam (TX Kỳ Anh); khu thương mại, dịch vụ, du lịch và thể thao phía Tây Nam huyện Thạch Hà; khu đô thị mới Hàm Nghi;...

Tại Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư vào Hà Tĩnh diễn ra hồi tháng 5 vừa qua, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng và Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải đã trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho 14 nhà đầu tư với 15 dự án, tổng vốn đăng ký hơn 9.600 tỷ đồng.

25 nhà đầu tư này bao gồm Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn T&T, Tập đoàn Ecopark, Crystal Bay, Mipec, GS Holding, CT Group, Sungroup, Hoàng Thịnh Đạt, Silk Path, CTCP Cá Tầm Việt Nam, Tập đoàn Semec, Tập đoàn FPT, Agrimeco, Nguyễn Hoàng Group, May - Diêm Sài Gòn...