Hai dự án BOT đẩy Tổng công ty 36 vào cảnh thua lỗ

Hai dự án BOT quốc lộ 19 và quốc lộ 6 đang khiến Tổng công ty 36 (G36) phải bù lỗ cả trăm tỷ đồng mỗi năm. Theo chia sẻ từ Đại tá Nguyễn Đăng Giáp, Tổng giám đốc công ty, không chỉ riêng G36 mà nhiều doanh nghiệp cũng đang chịu gánh nặng với những dự án BOT.
G36 - Ảnh 1.

ĐHĐCĐ thường niên 2021 của G36. (Ảnh: Thu Thủy).

Hai dự án BOT lỗ cả trăm tỷ đồng mỗi năm

Cuộc họp Đại đội đồng cổ đông của Tổng công ty 36 - CTCP (Mã: G36) diễn ra sáng nay đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm nay với doanh thu 1.937 tỷ đồng, giảm 17% so với năm trước. Lỗ sau thuế dự kiến 66,3 tỷ đồng trong khi đó năm 2020 vẫn ghi nhận lãi sau thuế gần 58 tỷ đồng. 

Kể từ năm đầu tiên giao dịch tại thị trường UPCoM (2016), mặc dù kêt quả kinh doanh tăng trưởng không ổn định, song G36 chưa từng báo lỗ sau thuế.

Giải trình về kế hoạch kinh doanh năm 2021, G36 cho biết nguyên nhân là hai dự án BOT quốc lộ 19 (đoạn Gia Lai – Bình Định) và quốc lộ 6 (Hòa Lạc – Hòa Bình) dự kiến lỗ gần 110 tỷ đồng, do đó công ty sẽ phải bù lỗ 44 tỷ đồng. 

Từ năm 2019 - 2020, công ty đã phải trích lập dự phòng cho hai dự án BOT trên số tiền 140,3 tỷ đồng bằng lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh bất động sản và thi công xây lắp. Năm 2018 trước đó, daonh nghiệp cũng từng bù lỗ cho BOT quốc lộ 19 là 138 tỉ đồng.

Đầu tư BOT 'bỏ bạc chẵn lấy bạc lẻ', Tổng công ty 36 lỗ trăm tỷ mỗi năm - Ảnh 2.

Đại tá Nguyễn Đăng Giáp, Tổng giám đốc G36. (Nguồn: Tổng công ty 36).

Theo Đại tá Nguyễn Đăng Giáp, Tổng giám đốc G36: "Nếu như không phải bù lỗ cho dự án quốc lộ 19 thì kết quả sản xuất kinh doanh của G36 trong năm 2020 phải cao hơn nhiều. Nhưng năm vừa qua, công ty đã phải bù cho quốc lộ 19 hơn 109 tỷ đồng."

Trong năm 2021, G36 sẽ tiến hành trùng tu bảo dưỡng dự án BOT quốc lộ 19, nhưng nguồn thu không đủ chi dẫn đến công ty phải bỏ thêm kinh phí để thực hiện. 

Tại dự án BOT quốc lộ 6, chênh lệch lãi suất cho phần vốn vay thương mại đang gây khó khăn cho công ty.

"Có những giai đoạn SHB thu lãi suất lớn nhất là 12,7%/năm. Giá phí BOT chúng tôi thu được không đủ tiền để mà trả lãi, khoảng hai năm là mất vốn", ông Giáp cho biết.

Hiện số tiền cần phải giải ngân hoàn trả cho các nhà thầu tham gia dự án khoảng 150 tỷ đồng (riêng phần kinh phí phải trả cho khối lượng của công ty thực hiện khoảng 100 tỷ đồng) nhưng đến nay G36 vẫn chưa thể thanh toán được cho các nhà thầu.

Vướng mắc của G36 tại hai dự án trên xuất phát từ khi triển khai thu phí, công ty phải giảm mức thu phí theo thông tư của Bộ Tài chính thay vì mức phí trong hợp đồng ký kết với Bộ Giao thông Vận tải.

Theo hợp đồng G36 ký kết ban đầu tại hai dự án BOT này, dự án BOT quốc lộ 19 vốn có lộ trình tăng phí 9%/3 năm mỗi lần, tương tự là dự án BOT quốc lộ 6 có lộ trình tăng phí 18%/3 năm. Tuy nhiên, Thông tư điều chỉnh giảm giá phí BOT của Bộ Tài chính khiến nguồn thu từ hai dự án BOT này không đạt như kế hoạch của G36.

Đại tá Nguyễn Đăng Giáp cho rằng: "Từ hai dự án BOT này thấy được vấn đề rất nhức nhối nơi ăn không hết, nơi làm không ra. Nơi ăn không hết nói đến các tuyến như quốc lộ 1, đường Pháp Vân – Cầu Giẽ… trước đây như mọi người biết là mỗi ngày thu bao tỷ đồng.

Còn dự án quốc lộ 19 là con đường huyết mạch nối giữa miền duyên hải Nam Trung Bộ nối với Tây Nguyên. Nhưng doanh thu không những không đạt như lộ trình đặt ra ban đầu, mà nhà nước lại ra thông tư 35 giảm giá phí BOT."

Liên quan đến dự án BOT quốc lộ 19, ở Gia Lai, người dân còn mở đường đi vòng, gây khó khăn hệ lụy cho dự án. Ngoài ra, lãnh đạo G36 cho biết thêm yếu tố Không may cho BOT quốc lộ 19 nữa là những năm ở Tây Nguyên bị mất mùa xe vào vận chuyển lương thực, hàng hóa qua lại không có.

Mặt khác, đến thời gian bảo hành, doanh nghiệp này tiếp tục "gồng mình" để rót tiền vào bảo trì, trùng tu, nếu không thì phải dừng thu phí.

G36 cho biết đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, gửi Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước… về việc giảm giá thu phí thì vòng đời dự án BOT có thể tịnh tiến lên hơn 20. Nhưng trước đây theo hợp đồng, vòng đời dự án chỉ có 13 năm thôi khiến công ty phải bù lỗ chứ không được kéo dài.

"Nếu chúng tôi không nộp thì lập tức dự án này trở thành một khoản nợ xấu, ngân hàng VietinBank phải trích lập dự phòng. Cũng may thời gian vừa qua mảng bất động sản của G36 đã phần nào bù lại được phần lỗ từ dự án BOT", ông Giáp cho hay.

Đầu tư BOT 'bỏ bạc chẵn lấy bạc lẻ', Tổng công ty 36 lỗ trăm tỷ mỗi năm - Ảnh 3.

Dự án BOT quốc lộ 6 (Hòa Lạc - Hòa Bình). (Ảnh: Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam).

Nhà đầu tư quay lưng với dự án BOT

Ông Nguyễn Đăng Giáp chia sẻ thêm, trước đây, theo các quy định của nhà nước, công ty ký hợp đồng BOT với Bộ Giao thông mỗi ba năm sẽ được tăng phí, nhưng sau đó nhà nước quay lại ra thông tư 35 giảm giá phí BOT. Chính vì thế thời gian vừa qua có huy động các bên đầu tư vào các dự án BOT thì không mấy nhà đầu tư nội mặn mà.

"Theo tôi tóm lại một câu là "tai nạn" hành chính", Tổng giám đốc G36 cho hay.

Việc giải phòng mặt bằng, đặc biệt liên quan đến dự án BOT quốc lộ 6 cũng gặp nhiều khó khăn do chủ yếu mặt bằng ở khu vực Hà Nội, Hòa Bình và các phần đất của quân đội.

Theo ông Giáp, có những tỉnh lúc đầu tạo mọi điều kiện để cho nhà đầu tư vào, nhưng khi vào rồi thì gây rất nhiều khó khăn. Ví dụ như đền bù, có những khu đất theo giá mặt bằng có mấy trăm triệu đồng cuối cùng lên đến 9 - 10 tỷ đồng, công ty buộc phải bỏ tiền ra để xử lý ổn thỏa mặt bằng.

"Chúng tôi kỳ vọng vào đội ngũ lãnh đạo trong khóa mới có những chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, mà không chỉ riêng G36 mà nhiều doanh nghiệp đang chịu gánh nặng với những dự án BOT", ông Giáp cho hay.

Nhiều cổ đông có đưa ra câu hỏi về việc tìm đối tác chuyển nhượng lại hai dự án BOT trên, G36 cho biết đã tìm kiếm rất nhiều đối tác, đã làm việc với một số ngân hàng như BIDV tuy nhiên chưa có tiến triển gì cụ thể.

chọn
VIS Rating: Khả năng trả nợ của doanh nghiệp bất động sản vẫn ở mức yếu
Khả năng trả nợ của doanh nghiệp vẫn ở mức yếu ngay cả khi dòng tiền được cải thiện do đòn bẩy cao và nợ đến hạn lớn trong năm 2024.