Những lý do khiến sao Việt bị fan Kpop chỉ trích thậm tệ | |
Khi ngôi sao Kpop đứng trong hàng ngũ quân đội Hàn Quốc |
Từ khi làn sóng Hallyu xuất hiện, nền âm nhạc đại chúng Hàn Quốc đã có cuộc "xâm lăng" mạnh mẽ tới các nước trong khu vực châu Á và tạo dựng được một chỗ đứng vững chắc.
Việc sao Kpop mở rộng tầm ảnh hưởng bên ngoài biên giới quốc gia mang lại lợi ích hai chiều. Một mặt, các ngôi sao có thêm thị trường âm nhạc và người hâm mộ, mặt khác, một khi đã nổi tiếng tại nước láng giềng thì lẽ dĩ nhiên có vị trí lớn ở quê nhà.
Nhật Bản, Trung Quốc cũng chính là hai thị trường "màu mỡ" giúp các ngôi sao Kpop thu về bộn tiền và có được vô số vinh quang khó ngờ.
Kpop tạo dựng "đế chế giải trí" tại Nhật Bản
Gần 10 năm nay, sự "đổ bộ" của Kpop tại thị trường Nhật Bản được ví von đủ sức làm "rung chuyển" cả xứ sở mặt trời mọc vì quá mạnh mẽ.
SM Entertainment là công ty giải trí đầu tiên tấn công thị trường Nhật Bản với thành công lớn của nữ ca sĩ BoA. Đĩa đơn đầu tiên Listen to my heart của BoA khi phát hành tại Nhật Bản đã nhận về rất nhiều phản hồi tích cực và trở thành album bán chạy nhất, liên tục đạt No.1 trên Oricon Chart – một trong những bảng xếp hạng âm nhạc uy tín nhất Nhật Bản.
Đến nỗi, BoA còn được nhiều trang báo Nhật so sánh với các danh ca nổi tiếng tại đất nước này như Utada Hikaru, Ayumi Hayasaki... Mặc dù Nhật Bản vẫn được xếp vào danh sách thị trường âm nhạc khó tính nhất châu Á.
Thành công của BoA tại Nhật Bản đã kéo theo nhiều thần tượng Kpop trọn thị trường này làm điểm đến lý tưởng. |
Tiếp sau BoA là các nhóm nhạc thần tượng như TVXQ, DBSK, SNSD, KARA… cũng đại diện cho Kpop "làm mưa làm gió" tại thị trường Nhật Bản.
Đặc biệt, DBSK có số lượng đĩa bán ra tại Nhật thời điểm vài năm trước lên tới con số hàng triệu, những concert tầm cỡ được tổ chức ở các sân khấu lớn, điển hình như Tokyo Dome.
Có thể nói, Kpop phủ sóng mạnh mẽ tại Nhật Bản đến mức các khu phố Hàn ở Tokyo đâu đâu cũng bật nhạc của ca sĩ thần tượng xứ kim chi. Những người hâm mộ đổ xô tới khu Shin-Okubo mua những tờ poster có hình các ngôi sao thần tượng. Các dịch vụ ăn theo như nhà hàng cũng phát triển rầm rộ nhằm phục vụ nhu cầu văn hóa ẩm thực Hàn Quốc ngày càng tăng.
Thành công của Kpop tại Nhật còn nhờ vào việc quảng bá nhạc, trong đó bao gồm quảng cáo online và offline. Nếu online, họ tận dụng tối đa kênh chia sẻ video khổng lồ Youtube, thì offline, họ lại chăm chỉ mang những sân khấu ca nhạc của mình đến với khán giả Nhật. Tiêu biểu như chuỗi concert SM Town live, JYP Nation, sân khấu ca nhạc Music Bank… hay tổ chức tour cho các nhóm riêng biệt.
Thậm chí, các ngôi sao Kpop còn dành nhiều thời gian để học tiếng Nhật thành thạo với mong muốn giao lưu cùng người hâm mộ dễ dàng. Một số công ty giải trí Hàn Quốc cũng mở trụ sở tại Nhật Bản để các ngôi sao thuận tiện trong việc di chuyển, hoạt động.
Chính sự đầu tư có quy mô này mà Kpop đã tạo nên một "đế chế hùng hậu" ở Nhật Bản. Đơn cử như nhóm Big Bang, album M.A.D.E phát hành vào thời điểm chỉ còn vài tuần là hết năm 2016, với số lượng đĩa in có hạn nhưng vẫn “tẩu tán” hết 201.510 bản chỉ tính riêng ở Nhật. Con số ấn tượng giúp M.A.D.E album vươn lên vị trí dẫn đầu danh sách bán chạy nhất tại Nhật Bản trong năm 2016.
Album M.A.D.E của Big Bang dù phát hành vài những tuần cuối cùng của năm 2016 nhưng vẫn bán được số lượng lớn ở Nhật. |
Thần tượng Kpop kiếm bộn tiền nhờ thị trường Trung Quốc
Khi thị trường Nhật Bản đã trở nên bão hòa thì Trung Quốc lại là "miền đất hứa" của Kpop và người tiên phong cho công cuộc Trung tiến vẫn là SM Entertainment.
Với việc đưa nhóm Super Junior M sang đây hoạt động, SM đã mở ra một "đế chế" mới và khiến Kpop phải chú ý hơn đến mảnh đất có lượng dân đông đúc này. Không chỉ bán ra lượng album khổng lồ và giành hàng loạt giải thưởng lớn, Super Junior M còn nhận rất nhiều hợp đồng quảng cáo béo bở từ các nhà sản xuất xứ Trung.
Super Junior M - "con cưng" nhà SM chính là nhóm nhạc dẫn đầu cho làn sóng Kpop tới thị trường Trung Quốc. |
Từ đó, các nhóm nhạc khác dần chuyển sang Trung Quốc mở rộng tầm ảnh hưởng như Big Bang, T-ara, EXO, SNSD, EXID... Thậm chí, các nhóm nhạc Hàn Quốc này còn tồn tại như một "pháo đài" vững chắc trong lòng người hâm mộ của đất nước tỉ dân.
Đáng nói nhất phải kể đến T-ara, nhóm nhạc từng bị coi là "con ghẻ quốc dân" vì scandal bắt nạt thành viên 5 năm trước lại trở thành nữ hoàng đích thực ở Trung Quốc.
Vài năm gần đây, nhóm liên tục phát hành các sản phẩm âm nhạc độc quyền bằng tiếng Trung. Hàng loạt showcase, concert trên khắp Trung Quốc và tham gia các chương trình truyền hình ăn khách cũng được nhóm thực hiện liên tục. Tất cả những điều đó đã tạo dựng cho T-ara một vị thế vô cùng vững chắc tại làng giải trí Hoa ngữ và kiếm về bộn tiền, hơn cả thị trường trong nước.
Thậm chí, mới đây các cô gái nhà MBK còn được cho là nhóm nữ duy nhất “né” được lệnh cấm Hallyu của Tổng cục Phát thanh Truyền hình Trung Quốc. Cho tới thời điểm hiện tại, chỉ riêng số người hâm mộ của T-ara trên Baidu fancafe đã cán mốc một triệu người, gấp nhiều lần so với fandom của nhóm ở Hàn Quốc.
Chính vì thế, nhiều người còn nói vui rằng, T-ara cùng các nhóm nhạc khác hoạt động chăm chỉ tại thị trường Trung Quốc đã đủ tiền để sống cả đời.
Không cần bàn cãi, T-ara là nhóm nhạc nữ duy nhất thu về bộn tiền nhờ thị trường Trung Quốc và tạo dựng vị thế vững chắc tại đất nước tỉ dân này hơn cả quê nhà. |
Giấc mơ Mỹ tiến vẫn còn bỏ ngỏ
Ngoài Nhật Bản, Trung Quốc, các "ông trùm" của làng giải trí Kpop còn nhăm nhe tấn công thị trường Mỹ. Và công ty YG Entertainment đã dẫn đầu cho làn sóng này khi đưa Se7en tới Mỹ phát hành album vào năm 2007.
Mặc dù Se7en chưa tạo được nhiều dấu ấn tại thị trường Mỹ nhưng nhiều ngôi sao khác cũng được đưa đến mảnh đất này để hoàn thành giấc mơ lớn của Kpop.
BoA phát hành album debut I did it for love vào năm 2009. Nữ ca sĩ có cơ hội hợp tác với nhà sản xuất âm nhạc Sean Garrett, người từng làm việc với các ngôi sao như Beyonce, Britney Spears, Chris Brown...
Wonder Girls là nhóm nhạc Kpop đầu tiên có ca khúc đạt được thứ hạng trên bảng xếp hạng Billboard Hot 100. Nhóm cũng đã kí kết hợp đồng với hãng ghi âm The Jonas Group - công ty từng giữ trong tay ban nhạc đình đám The Jonas Brothers.
CL, Psy nhà YG cũng tạo được một số dấu ấn tại thị trường Mỹ. Bi Rain được độc giả tạp chí Time bình chọn là người có ảnh hưởng nhất trong năm 2012. Nhóm nhạc Big Bang cũng lọt vào nhóm 10 album hàng đầu trên iTunes ở Mỹ.
Sự thành công của Psy tại Mỹ chính là niềm mơ ước của rất nhiều nghệ sĩ Hàn. |
Thế nhưng, đó chỉ là những trường hợp hi hữu vì đã có rất nhiều nhóm nhạc quyết định Mỹ tiến nhưng không mang về thành công như mong đợi.
Qua kênh Youtube và một số diễn đàn âm nhạc, Kpop vẫn được khán giả Mỹ đánh giá ở mức trung bình và gần như chỉ tập trung ở mặt hình ảnh, vũ đạo.
Cho nên, giấc mơ Mỹ tiến của các "ông trùm" Kpop vẫn chưa thể thành sự thật giống như tại thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc.
Hiện nay, các nhóm nhạc thần tượng từng đưa làn sóng Hallyu xâm nhập thị trường châu Á đã dần tan rã. Các công ty giải trí Hàn Quốc cũng bắt đầu tìm hướng đi mới bằng việc tuyển chọn ngôi sao đến từ nhiều nước như Thái Lan, Trung Quốc... để thành lập nhóm nhạc, mong muốn lôi kéo thêm sức ảnh hưởng ở những quốc gia láng giềng. Tuy nhiên, Nhật Bản và Trung Quốc vẫn là hai thị trường duy nhất mang về tất cả tiền bạc cho Kpop nhiều năm nay.
YG Entertainment nhận mọi khiển trách từ scandal của T.O.P
Công ty quản lí của T.O.P - YG Entertainment đã chính thức lên tiếng xin lỗi sau mọi ồn ào của nam thành viên nhóm ... |
Ảnh: Tổng hợp (Internet)