Hàng không nội địa mất ít nhất 2 năm để phục hồi

Theo Báo cáo Triển vọng ngành 6 tháng cuối năm của CTCK Rồng Việt, trong kịch bản tích cực nhất, thị trường nội địa mất 2 năm quay trở lại mức năm 2019. Sản lượng du khách quốc tế có thể sẽ phải mất ít nhất 3 năm để phục hồi hoàn toàn.

Các "ông lớn" hàng không chao đảo

Đại dịch bùng phát đã thúc đẩy chính phủ các nước áp dụng nhiều biện pháp hạn chế đi lại nhằm cô lập, giảm thiểu tác động đến sức khỏe người dân. Điều này làm ảnh hưởng đến nhu cầu đi lại bằng đường hàng không trên toàn thế giới. Sản lượng hành khách hàng không sụp đổ, máy bay phải "đắp chiếu" khiến cho các hãng vận chuyển lao đao và rơi vào tình cảnh khủng hoảng lớn chưa từng có.

Những hình ảnh dễ nhận thấy ở các sân bay thời kì đại dịch là tàu bay nằm la liệt trên sân đỗ. Theo Dân trí, riêng tại Nội Bài, tháng 3/2020, có khoảng hơn 90 máy bay "nằm không". Mỗi ngày chỉ có 8 chuyến bay (4 chuyến đi và 4 chuyến đến) được khai thác trên trục Hà Nội - TP HCM. Trong khi con số trước đây là khoảng 1.000.

Những "siêu máy bay" nằm la liệt ở sân đỗ, đường lăn vì không có lịch khai thác. (Ảnh: Vietnam Airlines).

Những "siêu máy bay" nằm la liệt ở sân đỗ, đường lăn vì không có lịch khai thác. (Ảnh: Vietnam Airlines).

Ở Báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ năm 2020 của Vietnam Airlines, hãng hàng không quốc gia phải đón nhận kết quả kinh doanh quí II và 6 tháng đầu năm kém nhất từ trước đến nay. 

Theo đó, doanh thu trong quí II/2020 chỉ đạt 6.006 tỉ đồng, bằng 1/4 so với cùng kì năm ngoái (24.363 tỉ đồng). Ngoài ra, sau khi đóng toàn bộ đường bay quốc tế vào ngày 23/3/2020, Vietnam Airlines không có doanh thu từ hoạt động vận tải hàng không quốc tế.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2020, Vietnam Airlines báo lỗ 6.642 tỉ đồng, trái ngược khoản lợi nhuận thực dương 1.786 tỉ đồng cùng kì năm 2019. Kết quả này đã kéo theo thu nhập phi công, tiếp viên Vietnam Airlines giảm một nửa. Phi công Vietnam Airlines giảm còn 77 triệu một tháng, tiếp viên khoảng 14 triệu đồng, bằng nửa năm ngoái.

Tương tự như Vietnam Airlines, trong quí II, lợi nhuận vận tải hàng không của Vietjet âm 1.122 tỉ đồng do vẫn phải duy trì chi phí cố định để chờ thị trường hồi phục, theo Báo cáo tài chính quí II của công ty mẹ.

ACV đã thống kê rằng, 6 tháng đầu năm 2020, tổng lượt hành khách giảm 42% xuống 33 triệu lượt. Lượt khách quốc tế đạt 7 triệu, giảm 66% so với cùng kì. Hành khách trong nước qua các cảng hàng không giảm 29% xuống 26 triệu lượt.

Những tín hiệu khả quan đầu tiên trong bối cảnh đại dịch

Nỗ lực kiềm chế Covid-19 đã đem lại kết quả tích cực cho thị trường hàng không nước ta. Cụ thể, Việt Nam dẫn đầu thế giới về tốc độ phục hồi dựa trên lượt tải cung ứng, chủ yếu ở thị trường nội địa.

Kể từ sau khi lệnh giãn cách xã hội và giới hạn chuyến bay nội địa được gỡ bỏ lần lượt vào cuối tháng 4 và đầu tháng 5, các hãng hàng không nội địa cố gắng tối ưu hóa đội bay của mình bằng phương án khả thi duy nhất: đẩy mạnh khai thác thị trường trong nước. Nhiều chương trình kích cầu được đưa ra bên cạnh việc thiết lập thêm các đường bay nội địa khai thác thị trường ngách, giúp mang lại dòng tiền cho doanh nghiệp vận tải. 

Cuối tháng 5, các Bộ, ngành nghiên cứu về việc dần nới lỏng xuất nhập cảnh, nối lại một số đường bay quốc tế. Đến tháng 6, đã có chuyến bay thương mại thường lệ quốc tế nhưng chỉ chở khách từ Việt Nam đi, rỗng chiều về. (Vietnam Airlines, Cathay Pacific, Singapore Airlines). 

Từ đầu tháng 6, số ghế cung ứng trên thị trường hàng không đã vượt mức năm 2019. Tuần đầu tháng 7 con số này tiếp tục đạt 1,3 triệu ghế/tuần, cao hơn 25% so với cùng kì năm 2019.

Hàng không nội địa mất 2 năm để quay lại thời kì hưng thịnh - Ảnh 2.

Tải cung ứng 7 tháng đầu năm 2020. (CTCK Rồng Việt).

Tuy nhiên, sau gần 100 ngày liên tiếp không có ca mắc mới, ngày 25/7, Việt Nam thông báo trường hợp dương tính Covid-19 đầu tiên trong cộng đồng, khởi phát của một làn sóng dịch thứ hai tại nước ta. Covid-19 quay trở lại cản trở việc "làm ăn" của các hãng hàng không trong dịp cao điểm mùa hè cũng như những tháng cuối năm. 

Số ghế cung ứng trong tuần đầu tiền sau khi có ca nhiễm Covid-19 tại Đà Nẵng đã giảm 3,6% so với tuần trước đó. Các đường bay tới/đi từ Đà Nẵng bị hủy, bao gồm hai đường bay nằm trong top 3 về sản lượng hành khách là Hà Nội - Đà Nẵng và TP HCM - Đà Nẵng.

Hàng không nội địa mất 2 năm để quay lại thời kì hưng thịnh - Ảnh 3.

Sau khi sụt giảm trầm trọng hồi tháng 4 và 5, nhờ các chương trình kích cầu, mở đường bay nội địa, số chuyến bay của các hãng đã phục hồi trở lại. Tuy nhiên, đà tăng chưa kéo dài được bao lâu thì "vấp" phải một làn sóng dịch thứ 2. (Nguồn: CTCK Rồng Việt).

Triển vọng ngắn hạn cho ngành hàng không

Vào giữa tháng 7, Thủ tướng đã đồng ý khôi phục hoạt động vận chuyển hàng không giữa Việt Nam và Trung Quốc, tạo tiền đề để triển khai mô hình du lịch nội khối (Travel bubble) giữa Việt Nam và các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan. 

Trong các đường bay quốc tế trong phạm vi được mở cửa, ngoại trừ Đà Nẵng, một số hãng hàng không Việt Nam đã cho phép đặt vé trên các chuyến bay về Việt Nam với tần suất bay tương đối cao.

- Đài Bắc – HCM: VJC mở bán vé cho các chuyến bay này từ 16/9.

- Tokyo – Nội Bài: HVN, VJC mở bán vé cho các chuyến bay này lần lượt từ 1/9 và 16/9. 

- Seoul – Nội Bài: HVN, Bamboo Airways, VJC mở bán vé cho chuyến bay từ 2/9 và 16/9. 

Tuy nhiên, sự bùng phát Covid-19 bắt nguồn tại Đà Nẵng vào cuối tháng 7/2020 có thể thay đổi kế hoạch từng bước mở cửa thị trường du lịch quốc tế. Hơn nữa, tình hình sửa chữa nâng cấp đường băng tại TP HCM và Hà Nội sẽ hạn chế khả năng đáp ứng số lượng lớn chuyến bay quốc tế, khiến các chuyến bay này đứng trước rủi ro bị hủy.

Cho đến ngày 1/9, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc “xử lí ngay vấn đề mở lại đường bay thương mại giữa Việt Nam với Nhật Bản, Hàn Quốc và các nơi có hệ số an toàn cao”, Cục Hàng không đề xuất mở cửa 6 đường bay quốc tế từ 15/9, đón 5.000 khách nhập cảnh/tuần, bao gồm: Việt Nam - Quảng Châu, Trung Quốc; đường bay đến Đài Bắc (Đài Loan); Nhật Bản; Hàn Quốc; Lào và Campuchia. Hàng không Việt Nam sẽ tập trung khai thác thị trường trọng điểm cùng với qui định cách li bắt buộc. Đây được coi là một hành động giúp các hãng bay phục hồi khi tình hình dịch ở Đà Nẵng và cả nước đã được kiểm soát.

Cảng hàng không quốc tế Nội Bài. (Ảnh: Song Ngọc/TTXVN).

Cảng hàng không quốc tế Nội Bài. (Ảnh: Song Ngọc).

Dựa trên những khảo sát và bối cảnh thực tiễn hiện tại, CTCK Rồng Việt đã đưa ra một số triển vọng "ít lạc quan" cho thị trường hàng không quốc tế nói chung và Việt Nam nói riêng. Trong kịch bản tích cực nhất, thị trường nội địa mất 2 năm quay trở lại mức năm 2019. Trong khi đó, sản lượng du khách quốc tế có thể sẽ phải mất ít nhất 3 năm để phục hồi hoàn toàn. 

Tuy nhiên, dù ở kịch bản nào thì việc phát triển thành công vắc xin là điều bắt buộc để phục hồi hoàn toàn triển vọng thị trường hàng không quốc tế. Bên cạnh các yếu tố về khả năng kiểm soát dịch bệnh và nới lỏng điều kiện hạn chế du lịch, tâm lí của du khách là yếu tố quan trọng tác động tới tốc độ phục hồi của ngành hàng không quốc tế trong giai đoạn hậu Covid. Hiện nay, đa số du khách lo ngại về rủi ro bị nhiễm Covid-19 và bị cách li trong/sau khi du lịch. Phục hồi thực sự chỉ xảy ra khi vắc xin được chế tạo thành công hoặc có phương thức điều trị hiệu quả đối với Covid-19.


chọn
Một doanh nghiệp dự chi gần 18.000 tỷ xây loạt cao ốc 25-40 tầng ven biển Bình Sơn - Ninh Chữ
Khu đô thị biển Bình Sơn - Ninh Chữ (khu K2) do Hacom Holdings làm chủ đầu tư vừa qua đã được điều chỉnh tổng vốn thành 17.779 tỷ đồng, tiến độ thực hiện từ quý III/2024 - quý I/2029.