Hàng loạt khách sạn, nhà hàng Đà Nẵng kinh doanh xả thải ra biển

Các cơ quan chức năng TP Đà Nẵng đã tổ chức kiểm tra hơn 150 khách sạn, nhà hàng ven biển đều tồn tại vi phạm về môi trường.

Ngày 4/7, thông tin từ Sở TN&MT Đà Nẵng cho biết, vừa qua đã thực hiện Kế hoạch số 1170/KH-UBND ngày 28/2/2019 về kiểm tra chuyên đề tình hình thực thi pháp luật về đấu nối, thoát nước và xử lí nước của các cơ sở, hộ kinh doanh khu vực quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn.

20180904_082819

Nước thải đen ngòm tuôn ra biển Mỹ Khê. (Ảnh: Văn Luận).

Theo đó, trên lưu vực thoát nước đoạn từ cửa xả Mỹ Khê đến cửa xả gần khách sạn Furama, Sở đã tổ chức kiểm tra 61 cơ sở lưu trú, UBND quận Sơn Trà - 58 cơ sở, UBND quận Ngũ Hành Sơn - 34 cơ sở (khách sạn và nhà hàng) còn tồn tại và vi phạm về môi trường.

Các cơ sở lưu trú, nhà hàng, khách sạn vi phạm với những hành vi như: Không vận hành hệ thống xử lí nước thải, xây dựng hệ thống xử lí nước thải có công suất thực tế thấp hơn công suất trong báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được duyệt.

Các cơ sở có công nghệ xử lí nước thải khác so với hồ sơ môi trường đã được phê duyệt hoặc đã đi vào hoạt động nhưng chưa xây dựng hệ thống xử lí nước thải.

Tự ý bổ sung hạng mục so với hồ sơ môi trường đã được phê duyệt (cụ thể có khách sạn có phát sinh hạng mục giặt là so với hồ sơ môi trường đã được phê duyệt); tăng quy mô so với hồ sơ môi trường đã được phê duyệt (tăng từ dưới 50 phòng lên trên 50 phòng); xả nước thải vượt quy chuẩn cho phép; chưa có văn bản thỏa thuận đấu nối thoát nước đối với dự án đã đi vào hoạt động hoặc không xuất trình được văn bản do chuyển nhượng bị thất lạc hồ sơ; chưa có hồ sơ môi trường.

Phần lớn cơ sở là không tiếp cận được điểm đấu nối thoát nước, không có hố ga bên ngoài tường rào của cơ sở, không có đồng hồ đo lưu lượng nước thải. Cơ sở có lưu lượng nước thải lớn, nhưng chưa thực hiện ghi chép nhật kí vận hành đúng quy định, có kê khai có hố ga tách mỡ và định kì vớt mỡ nhưng kiểm tra thực tế không đảm bảo.

Cơ sở hệ thống xử lí nước thải trên 1.000 m3/ngày đêm nhưng chưa lắp đặt hệ thống quan trắc tự động, liên tục; không có giấy phép xây dựng. Có khai thác nước dưới đất, nhưng không đăng kí khai thác nước dưới đất.

UBND TP Đà Nẵng tiếp tục chỉ đạo UBND các quận, huyện tăng cường công tác kiểm tra, xử lí nghiêm các vi phạm, kiên quyết tạm dừng hoạt động kinh doanh không đảm bảo các điều kiện vệ sinh môi trường, tháo dỡ các công trình xây dựng, kinh doanh không phép, sai phép theo đúng quy định.

Nước thải đen ngòm chảy ra biển Đà Nẵng. (Video: Văn Luận).

Đà Nẵng phạt 630 triệu đồng nhiều khách sạn, nhà hàng vi phạm quy định xử lí nước thải

Liên quan đến việc xả thải ô nhiễm, TN&MT TP Đà Nẵng cho biết, đã xử phạt 630 triệu đồng và buộc khắc phục hậu quả đối với 9 khách sạn ven biển do có hành vi vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Cụ thể, những khách sạn vi phạm bị xử phạt gồm: Balcona Đà Nẵng, TMS Luxury, Risemount Premier Đà Nẵng, Parosand Đà Nẵng, Paris Deli, Lê Hoàng, Hùng Anh, Parze Ocean và Gemma.

Nội dung xử phạt là do thực hiện không đúng nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường và các yêu cầu trong quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Ngoài xử phạt tiền, Sở TN&MT TP Đà Nẵng còn yêu cầu các đơn vị cải tạo hệ thống xử lí nước thải tại khách sạn có công nghệ, công suất xử lí đúng với báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt.

Hiện nay, Thanh tra Sở TN&MT đang xác minh, xử lí 3 khách sạn Sea Front, Misa và Sea Castle 2.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.