Mới đây, Trung tâm Mua sắm Sài Gòn Nguyễn Kim (Nguyễn Kim) vừa có công văn gửi đến các cơ quan truyền thông để giúp truyền tải thông tin về việc trên mạng xuất hiện hàng loạt website giả mạo trung tâm bảo hành Nguyễn Kim để người tiêu dùng nắm rõ.
Khuyến cáo của Nguyễn Kim nêu rõ: "Hiện nay, nhu cầu mua sắm, bảo hành, sửa chữa các sản phẩm điện lạnh của người tiêu dùng tăng đột biến. Điều này dẫn đến việc các đơn vị kinh doanh nhỏ lẻ mạo danh tên tuổi của các thương hiệu lớn, đã có uy tín trên thị trường để trục lợi, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng".
Doanh nghiệp này cũng cho biết vừa qua, bộ phận chăm sóc khách hàng Nguyễn Kim tiếp nhận nhiều trường hợp khiếu nại, gần đây nhất là chị Ngân (quận 2) phản ánh về việc vệ sinh, bơm gas máy lạnh đã thanh toán xong nhưng nhân viên không xuất hóa đơn. Sau khi kiểm tra thông tin khách hàng, Nguyễn Kim xác định địa chỉ trang web chị Ngân sử dụng là mạo danh.
Hàng loạt website giả mạo Trung tâm bảo hành Nguyễn Kim |
Trong thông báo của mình, Nguyễn Kim liệt kê danh sách hàng chục cơ sở kinh doanh nhỏ sử dụng tên "tương tự" với Nguyễn Kim, dễ gây nhầm lẫn với người tiêu dùng. Ví dụ: Công ty TNHH Thương mại dịch vụ kỹ thuật Nguyễn Kim, Công ty TNHH cơ điện lạnh Nguyễn Kim (dienmaynguyenkimvn.com, dichvunguyenkim.com…),
Trung tâm sửa chữa điện máy Nguyễn Kim (trungtamnguyenkim.net), TT sửa chữa bảo hành điện máy Nguyễn Kim, Trung tâm bảo hành điện máy Nguyễn Kim (dienmaynguyenkim.com.vn, trungtamsuachuanguyenkim.net, dichvunguyenkim.org),
Trung tâm bảo hành lưu động Nguyễn Kim (baohanhnguyenkim.net.vn), Trung tâm sửa chữa điện máy Nguyễn Kim (trungtamdienmaynguyenkim.com)…
Đại diện Nguyễn Kim cũng cho biết nhiều website giả mạo lập lờ với quảng cáo không rõ ràng, cố tình đưa ra những địa chỉ giống dễ gây lầm tưởng. Tình trạng giả mạo này không chỉ mới có gần đây mà nó đã diễn ra cả chục năm nay.
Trước đây, khi công nghệ chưa phát triển thì việc giả mạo ngay tại các cửa hàng, họ trương cả tên Nguyễn Kim để "câu" khách. Và hiện nay tình trạng những cửa hàng mạo danh này vẫn còn, thậm chí nở rộ như nấm sau mưa trên mạng xã hội.
Hàng loạt website sử dụng tên Nguyễn Kim |
Các trung tâm, siêu thị điện máy khác như Thiên Hòa, Chợ Lớn cũng cho biết gần đây xuất hiện khá nhiều vụ đóng giả người của siêu thị, trung tâm điện máy, thậm chí giả mạo là đại diện chi nhánh của các siêu thị này, để bán hàng điện máy kém chất lượng, cũng như lừa làm dịch vụ sửa chữa, bảo trì tận nhà cho người tiêu dùng.
Tình trạng này không chỉ diễn ra tại TP HCM mà còn lan sang nhiều tỉnh, thành khác.
Những dịch vụ bảo hành giả mạo còn đến tận nhà để thu nhận tivi, tủ lạnh, máy giặt chở về "trạm" để sửa chữa với lý do có đầy đủ thiết bị kiểm tra, chẩn đoán "bệnh" chính xác hơn. Nhiều chủ nhà tin tưởng nên giao máy mà không cần giấy tờ gì cả. Nếu chủ nhà cẩn thận đòi biên nhận, họ cũng đáp ứng nhưng là giấy giả mạo.
Nhiều chủ nhà khi giao máy, chờ lâu không thấy phản hồi, gọi điện thì chỉ nghe ò í e và xem như mất máy. Hoặc nhân viên dỏm này gọi điện đến thông báo tình trạng máy hư hỏng rất nặng với chi phí sửa chữa khá cao. Do vào thế kẹt nên phần lớn chủ nhà chấp nhận sữa chữa. Nếu chủ nhà đòi hóa đơn thanh toán, họ cũng xuất cả hóa đơn giả cho khách.
Trung tâm Chăm sóc khách hàng - Trung tâm Điện máy Thiên Hòa cho biết trung tâm đã tiếp nhận rất nhiều vụ khách hàng phản ánh bị lừa như trên.
Dịch vụ dỏm này thường giả nhân viên Thiên Hòa hoặc các trung tâm điện máy lớn (có mặc đồng phục) đến các vùng ven để lừa bán sản phẩm điện gia dụng, bếp gas... rẻ tiền do Trung Quốc sản xuất hoặc lừa làm dịch vụ vệ sinh máy lạnh, sửa chữa tủ lạnh... rồi "vẽ vời" máy bị hư hỏng đủ kiểu để thay thế linh kiện dỏm lấy tiền.
Thậm chí, có khách hàng còn phản ánh họ đến sửa tủ lạnh rồi lấy trộm điện thoại di động trị giá gần cả chục triệu đồng.
Đại diện Trung tâm Mua sắm Sài Gòn Nguyễn Kim cho biết hiện nay còn có tình trạng lập cả công ty mang tên các trung tâm, siêu thị điện máy lớn để dễ hoạt động. Và để thu hút sự chú ý của khách hàng, ngoài việc cho nhân viên mặc đồng phục của các thương hiệu thật, các công ty này còn sử dụng cả những loại giấy tờ giống y chang các siêu thị, trung tâm điện máy lớn, kể cả phiếu thu, logo.
"Đã có trường hợp một công ty in tờ rơi ghi đúng cả địa chỉ, số điện thoại bàn của Nguyễn Kim. Họ in cả thẻ đeo cho nhân viên với thông tin: "Nguyễn Kim cấp thẻ mãi mãi… cho nhân viên N.". Khi giao dịch, họ cũng xưng là đại lý của Nguyễn Kim. Chẳng hạn một chủ nhà ở quận 4 gọi vào số điện thoại trong tờ rơi có logo Nguyễn Kim để yêu cầu vệ sinh máy lạnh.
Khi 2 người thợ đến (đều mặc đồng phục Nguyễn Kim) nhưng do cảnh giác nên chủ nhà liên hệ với Trung tâm Mua sắm Sài Gòn Nguyễn Kim để xác minh. Ngay sau đó, Nguyễn Kim cử người phối hợp với lực lượng công an đến kiểm tra thì xác định 2 nhân viên này là giả mạo" - đại diện Trung tâm Mua sắm Sài Gòn Nguyễn Kim kể lại.
Bà Nguyễn Trần Thảo Nguyên, Phó Tổng Giám đốc Kinh doanh Trung tâm Điện máy – Nội thất Thiên Hoà, cho rằng việc giả mạo Thiên Hòa là quá nhiều. Do đó Thiên Hòa phải "nhờ" đến luật sư để vào cuộc truy tìm tận nơi để yêu cầu tháo gỡ bảng hiệu ở cửa hàng cũng như các website trên mạng.
Đà Nẵng lên tiếng về website giả mạo ban tổ chức Festival pháo hoa quốc tế
Lo ngại website giả mạo có khả năng gây tác động tiêu cực đến người dân và du khách, Sở Thông tin và Truyền thông ... |
Xuất hiện website 'nhái' bán vé tàu Tết cao gấp 4-5 lần
Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn cảnh báo một số trang web có tên miền giống với website của ngành Đường ... |