Hàng trăm tài xế GrabBike đình công, tắt ứng dụng phản đối chiết khấu tăng cao

Hàng trăm tài xế GrabBike tập trung về trụ sở công ty Grab Việt Nam (Q.10, TP.HCM) phản đối việc tăng chiết khấu từ 20% lên 23,6%, khiến thu nhập giảm nghiêm trọng, không đủ kinh phí để họ đảm bảo chi tiêu cuộc sống.
hang tram tai xe grabbike dinh cong tat ung dung phan doi chiet khau tang cao
Nhiều tài xế GrabBike tập trung về Big C Miền Đông (đường Tô Hiến Thành, Q.10 TP.HCM) phản đối việc công ty Grab tăng chiết khấu lên 23,6%. ẢNH: CTV

Ngày 10.1, bức xúc trước việc chạy xe ôm liên tục nhưng thu nhập giảm bớt, lại bị tăng chiết khấu từ 20% lên 23,6% từ 1.1.2018, hàng trăm tài xế GrabBike đã cùng tập trung về Big C Miền Đông, Q.10 (trụ sở Grab Việt Nam) để phản đối.

Lúc 8 giờ 30, nhiều tài xế tập trung về khu vực Big C Miền Đông, sau đó thông qua mạng xã hội đồng loạt kêu gọi đồng nghiệp tắt ứng dụng, đình công.

Đến 10 giờ cùng ngày, hàng trăm tài xế đã cũng nhau tập trung tại khu vực và được nhân viên truyền thông Grab mời vào phòng làm việc tại tầng 2 Big C để trao đổi.

Tại đây, nhiều tài xế cho rằng công việc chạy xe ôm công nghệ hiện nuôi sống gia đình nhưng công ty tăng chiết khấu, thu nhập giảm nghiêm trọng không đủ đảm bảo cuộc sống. Tuy nhiên, nhân viên công ty cho rằng đó là quy định thuế bắt buộc đưa ra nên không thể thay đổi được.

Một tài xế GrabBike cho biết, việc đóng thuế đối với nhà nước thì chính anh em chạy xe khi có thu nhập sẽ tự đóng chứ không thể trừ trực tiếp như vậy được. Tuy nhiên, kết thúc buổi trao đổi, hai bên vẫn chưa thống nhất được hướng giải quyết và lãnh đạo công ty Grab hẹn sẽ giải đáp mọi thắc mắc từng cá nhân tài xế vào tuần sau.

Anh Nguyễn Thanh Ngọc (32 tuổi, tài xế GrabBike) cho biết, khi Grab vừa ra ứng dụng, mức chiết khấu 15% nên anh em chạy thu nhập tạm ổn. Nhưng rồi Grab bắt đầu tăng chiết khấu lên 20% và đến nay là 23,6% khiến thu nhập bị giảm đi rất nhiều. Đồng thời, Grab không ngừng tuyển dụng thêm tài xế khiến lượng khách chia đều nên anh em chạy thu nhập rất thấp, không thể trụ nổi.

“Tiền đồng phục đã 400.000 đồng, tiền duy trì app 20.000 đồng. Tiền cước xe hiện rất rẻ, phải chạy liên tục rất vất vả nhưng chiết khấu cao quá, thành thử chạy nguyên một ngày thu nhập chỉ hơn 100.000 đồng, không đủ sống. Nếu Grab không có chính sách thay đổi, chúng tôi sẽ đi làm chuyện khác”, anh Ngọc cho biết.

hang tram tai xe grabbike dinh cong tat ung dung phan doi chiet khau tang cao

Nhiều tài xế xe ôm GrabBike cho biết sẽ đổi công việc nếu công ty Grab không giải quyết thỏa đáng. ẢNH: CTV

Còn anh Trần Ngọc Tuấn (28 tuổi) cho biết chạy GrabBike đã được hơn 1 năm nay. Khi chiết khấu là 20%, anh chạy liên tục nhưng thu nhập một ngày trừ tất cả dư được gần 200.000 đồng, bởi lượng tài xế ngày càng tăng nên không đủ khách cho anh em tài xế chạy.

“Nay tăng chiết khấu tới 23,6% thì khi trừ tiền xăng, tiền ăn uống và nước hàng ngày, chúng tôi không thể nào có dư tiền lo cho gia đình được. Chúng tôi sẽ tiếp tục yêu cầu công ty giảm chiết khấu để đảm bảo thu nhập, nếu không sẽ chuyển sang hãng xe ôm công nghệ khác làm đối tác”, anh Tuấn nói.

Trao đổi với báo Thanh Niên, ông Nguyễn Trung Thành, Giám đốc bộ phận GrabBike cho biết, từ 1.1.2018, Grab Việt Nam sẽ thực hiện việc kê khai, thu hộ và nộp các nghĩa vụ thuế dựa trên tỉ lệ phần trăm trên doanh thu cho các đối tác tài xế GrabBike và GrabExpress.

Grab sẽ khấu trừ 4,5% tiền thuế (bao gồm 3% thuế GTGT và 1,5% thuế TNCN) trên 80% doanh thu mà đối tác nhận được - tương đương 3,6%. Ngoài ra, với các khoản phí hỗ trợ từ Grab dành cho đối tác căn cứ theo thành tích số chuyến xe hoặc doanh thu, Grab sẽ khấu trừ 1%; với các khoản phí hỗ trợ khác từ Grab không mang tính chất doanh thu, Grab sẽ khấu trừ thuế TNCN 10%. Việc thực hiện kê khai, thu hộ và nộp các nghĩa vụ thuế từ ngày 1.1.2018 được thực hiện đúng theo công văn số 1531/TCTTNCN Tổng cục thuế.

“Chúng tôi cũng khẳng định, việc kê khai, thu hộ và nộp các nghĩa vụ thuế chỉ áp dụng với những đối tác GrabBike và GrabExpress có mức doanh thu bắt buộc phải nộp thuế là trên 100.000.000 đồng/năm. Nghĩa vụ thuế này sẽ được Grab Việt Nam thu hộ và nộp vào ngân sách Nhà nước đúng theo quy định của pháp luật”, ông Thành cho biết.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.