Chiều ngày 22/10, hội thảo "Hành trình hiểu về nhau" do hội Phụ huynh và Người thân của cộng đồng LGBT Việt Nam (gọi tắt là PFLAG) đã được tổ chức nhằm giúp cho những người LGBT (đồng tính, song tính và chuyển giới) thấu hiểu được cha mẹ của mình và ngược lại.
Ngoài sự tham gia của rất nhiều bạn trẻ thuộc cộng đồng LGBT, hội thảo có sự góp mặt của gần 20 phụ huynh không chỉ ở TP. HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An mà có cả phụ huynh đến từ Bình Thuận và Bến Tre.
Hội thảo có sự chia sẻ của nhiều bạn trẻ thuộc cộng đồng LGBT |
Và rất nhiêu bậc phụ huynh đến từ nhiều tỉnh thành khác nhau |
"Hành trình hiểu về nhau" đã diễn ra trong không khí xúc động và thân mật. Phát biểu tại hội thảo, bà Tiêu Hạnh Nhi (Phó chủ tịch hội PFLAG Việt Nam) chia sẻ: “Đây là hoạt động thường niên của PFLAG được diễn ra tại nhiều tỉnh thành trên khắp cả nước trong 3 năm qua. PFLAG đã từng đến và mở nhiều sự kiện, hội thảo ở nhiều tỉnh thành và vinh dự có sự được sự tham gia của nhiều phụ huynh.
Và trong 63 tỉnh thành, PFLAG mới chỉ đi qua được 20 tỉnh thành. Mặc dù vậy, PFLAG lại chưa từng đi qua TP. HCM và những tỉnh lân cận. Chính vì thế, PFLAG đã quyết định tổ chức buổi gặp gỡ với các phụ huynh, người thân và những người ủng hộ tại TP. HCM và các tỉnh lân cận như: Bình Dương, Đồng Nai, Long An”.
"Hành trình hiểu về nhau" đã diễn ra trong không khí xúc động và thân mật... |
...với mong muốn lan tỏa yêu thương dựa trên sự thấu hiểu từ hai phía là cha mẹ và con cái |
Cũng theo bà Hạnh Nhi, với mong muốn đưa những kiến thức đúng đắn về LGBT đến với phụ huynh, PFLAG mong muốn lan tỏa yêu thương dựa trên sự thấu hiểu từ hai phía là cha mẹ và con cái. Do đó “Hành trình hiểu về con” đã được đổi tên thành “Hành trình hiểu về nhau”. Hiểu về nhau để các phụ huynh có thể lắng nghe, chia sẻ, giúp đỡ con vượt qua nỗi sợ hãi khi biết mình là LGBT, sự giằng xé giữa việc được sống là chính mình và việc làm cho bố mẹ thất vọng vì đã không sống đúng với những gì được kỳ vọng.
Hiểu về nhau để những đứa con LGBT có thể hiểu được những khó khăn, nỗi lo sợ của bố mẹ đối với gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, hàng xóm… khi họ biết con mình là LGBT. Vì thế việc bố mẹ chưa chấp nhận không phải là bố mẹ không thương yêu con mình mà chỉ vì họ chưa được tiếp cận kiến thức về LGBT và cũng đang phải trăn trở để vượt qua nỗi lo sợ bị kỳ thị từ xã hội.
Hiểu về nhau để các phụ huynh có thể lắng nghe, chia sẻ, giúp đỡ con vượt qua nỗi sợ hãi... |
...để những đứa con LGBT có thể hiểu được những khó khăn, nỗi lo sợ của bố mẹ đối với gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, hàng xóm |
Trong buổi hội thảo, nhiều tâm tình xúc động đã được các bạn trẻ mạnh dạn bày tỏ. Bạn Phan Minh Nhật trải lòng: “Em biết được giới tính thật của mình từ khi còn rất nhỏ. Lúc đó không phải là thực sự rõ ràng, chỉ là nhận ra em không thích chơi với các bạn nam, cảm thấy có khoảng cách với các bạn nam, chỉ thích chơi với các bạn nữ.
Em cũng thấy bản thân lạ, cũng chỉ biết rằng mình khác so với những người khác cho đến năm 15 tuổi thì em tự thốt lên: Tại sao vậy? Tại sao mình lại… kỳ cục vậy? Cảm giác rất là hoảng hốt, sợ chính bản thân em, không dám đối mặt với chính điều đó”.
Bạn Phan Minh Nhật (áo vàng) đã có những trải lòng xúc động |
"Cảm giác rất là hoảng hốt, sợ chính bản thân em, không dám đối mặt với chính điều đó" |
Bạn Jessica (Nguyễn Huỳnh Tố An) lại chia sẻ câu chuyện đầy nước mắt: “Hồi còn nhỏ, mình ở với các cô, các dì, các chị nên thành ra có sở thích mặc đồ con gái, thích lắm. Lại còn đánh má hồng, bôi son nữa. Khi đi học, mình sử dụng toilet nữ chứ không dùng toilet nam, các bạn nữ đi đâu thì mình đi theo đó. Tới lúc bị cô đánh thì mình mới sợ.
Năm cấp II, mình có thích một người bạn trai và bản thân cũng không biết là mình có bị cái gì không. Mình nghĩ là mình bị bệnh, cũng do là không có kiến thức gì hết. Càng lớn lên, tâm tư càng khác nữa, giống như con người khác trong mình muốn bộc lộ ra. Sau đó mình quyết định thể hiện bản thân mình ra, nhưng vì quá đột ngột nên gia đình không thể chấp nhận.
Mẹ không hiểu con, con không hiểu mẹ cho nên nhiều mâu thuẫn xảy ra, lời quan tiếng lại. Mình không nghe lời mẹ, nhiều lúc mình buồn và muốn tự tử. Mình nghĩ, bản thân mình sinh ra là nỗi khổ của cả nhà. Mình muốn buông xuôi, nhưng suy nghĩ hoài, làm như vậy mình có được như vậy hay không. Mình muốn trở lại thành người bình thường. Mẹ nói với mình: Làm gì thì làm, đến năm 30 tuổi thì cưới vợ”.
Jessica (Nguyễn Huỳnh Tố An) lại chia sẻ câu chuyện đầy nước mắt |
Cô đã không kìm nén được cảm xúc của mình |
Trước sự chia sẻ xúc động nghẹn ngào của những người con thuộc cộng đồng LGBT, các bậc phục huynh tham gia hội thảo đã rơi nước mắt, đồng thời cũng nói lên những suy nghĩ, tâm tư, tình cảm của mình.
Nhiều người tâm sự, khi con cái nói ra điều đó đã không thể chấp nhận và phải tự dằn vặt bản thân một thời gian dài, mong muốn con cái có thể trở lại người bình thường. Nhưng cũng có nhiều bậc phụ huynh, vượt qua sự dị nghị từ xã hội để trở thành người bạn, người tri kỉ của con cái để giúp con mạnh mẽ đối diện.