Khi sinh bé đầu (bé Dế), mình luôn muốn dành điều tốt nhất cho con, nên việc bú mẹ luôn được ưu tiên. Bé muốn bú đến khi nào không muốn nữa thì mình sẽ thôi. Mình chưa bao giờ nghĩ sẽ cai sữa cho con. Thời điểm phát hiện mang bầu bé thứ hai, thì bé đầu vừa tròn 2 tuổi. Mình vừa vui, vừa buồn vừa lo. Buồn vì kế hoạch đi làm lại phá sản, lo vì bé đầu còn quá nhỏ và kinh tế gia đình vẫn chưa đâu vào đâu. Thế nhưng tuyệt nhiên không bao giờ có ý định cai sữa cho con. |
Mình tham gia vào nhiều hội nhóm như hội sữa mẹ, hội nuôi bú song song, đọc các tài liệu về việc cho bú khi mang thai chứ không phải vô cớ mà quyết định như vậy. Người trong nhà đều phản đối việc cho bé lớn bú, bắt phải cai sữa. Nhưng mình đã chứng minh rằng mình đúng, quan niệm mang thai mà cho con bú sẽ hại cho cả hai bé là hoàn toàn sai lầm. Thực tế, trong các tài liệu uy tín về nuôi bú song song, chỉ đề cập đến các tác dụng phụ như mệt mỏi hơn, ốm nghén hơn và đau rát núm vú. Đối với một thai kỳ khỏe mạnh bình thường, không có tiền sử sẩy thai hoặc doạ sinh non trước 20 tuần đầu, không có bằng chứng cho thấy bé lớn bú mẹ gây tổn hại cho thai nhi. |
Trong quá trình mang thai 9 tháng 10 ngày, mình vẫn duy trì cho bé đầu bú 2-4 cữ/ngày. Hôm nào bé không đi học mẫu giáo thì có thêm cữ bú buổi trưa. Nếu bé bị ốm, mệt thì lượng bú dày hơn. Suốt cả thai kỳ đều như vậy, hoàn toàn không có chuyện thai nhi trong bụng bị sút cân hay chậm phát triển. Duy chỉ có một vấn đề là khi thai lớn, xuất hiện nhiều cơn gò khi bé lớn bú mẹ. Những cơn gò này chỉ gây khó chịu, không đau và cũng không gây sinh non , sảy thai như |
mọi người lầm tưởng. Cứ thế trong cả thai kỳ, 3 mẹ con cùng cố gắng và cùng đồng hành với nhau. Về chế độ ăn uống, mình sử dụng thực phẩm tươi chín, ăn ít tinh bột, ăn nhiều rau củ quả, uống thật nhiều nước. Quý 1 thai kỳ mình sụt 5-6 kg, sau đó thì tăng cân trở lại. Cả thai kỳ chỉ tăng khoảng 9kg. Lên cân như thế, bé vẫn khoẻ, mẹ lại dễ sinh thường. |
Sinh thường sau sinh mổ không phải là quyết định mạo hiểm bởi mình tìm hiểu rất kỹ về việc này. Theo các tài liệu thì khả năng bục vết mổ chiếm tỉ lệ không cao. Nếu suốt thai kỳ không đau vết mổ cũ, sức khoẻ mẹ và bé ổn định thì vẫn sinh thường vẫn được. Trong suốt thai kỳ, mình thăm khám vết mổ cũ rất kĩ. Mỗi khi có con gò hay thai máy mình đều để ý có đau phần vết mổ hay không. Thế nhưng hành trình tìm bác sĩ cho phép hai mẹ con sinh thường sau sinh mổ không hề dễ dàng. 100% các bác sĩ đều nói phải sinh mổ. Cuối cùng, mình may mắn gặp được bác sĩ Thân Trọng Thạch, công tác tại Bệnh viện Hùng Vương. Chính bác sĩ là người khám trực tiếp và theo dõi toàn bộ quá trình mang thai cũng như vượt cạn. Mỗi lần thăm khám là bác sĩ lại hỏi có bị đau vết mổ cũ không, có muốn thay đổi ý định không. Bác sĩ cũng tư vấn và cho biết nếu thai nhi lớn và sức khỏe của mẹ không đảm bảo thì có khi vừa đau đẻ thường vừa đau đẻ mổ. Lúc nào câu trả lời của mình cũng là "em sẽ cố gắng". Mình nghĩ đến những lợi ích con có được khi sinh thường, mà bé đầu đã không được hưởng. Nếu sinh thường con sẽ được chậm kẹp dây rốn, được da tiếp da, được hưởng 72 giờ vàng sữa non và không bị cách ly mẹ sau sinh. |
Khi bé thứ hai (bé Dy) được 37 tuần 4 ngày, mình có dấu hiệu chuyển dạ. Vào viện cấp cứu, bác sĩ khám xong thì bảo về nhà chờ sinh, vì mới mở được 1 phân. Mình đau quằn quại 4 ngày ở nhà, đến 4h sáng ngày 9/11 thì mình nhập viện và chuẩn bị cho ca sinh thường sau mổ. |
Sáng 9/11, bác sĩ Thạch vào bệnh viện khám và phán rằng "tối đẻ nhé". Từ lúc đó cơn đau xuất hiện nhiều hơn, tưởng như không thể chịu nổi. Dù đau nhưng mình vẫn ráng đi lại trong khu cách ly, mệt thì nằm, đau thì kiếm chỗ nào bám vào để có được tư thế thích hợp giúp giảm bớt cơn đau. Bác sĩ hộ sinh cầm hồ sơ và bảo nhau "ca này từ rạng sáng đến giờ chưa giải quyết, có vết mổ cũ, đợi sinh thường". Mỗi lần đo tim thai là điệp khúc "sao em không sinh mổ, em có vết mổ cũ phải không?". Bác sĩ gọi người nhà kí cam kết những rủi ro khi sinh thường sau mổ. Bà nội vào ký mà cũng run lắm. Nếu sinh thường thì nguy cơ bục vết mổ cũ, nếu sinh mổ thì nguy cơ dính ruột hay bàng quang gì đó và mình không được chích thuốc đẻ không đau. Đến tối, từ 21g mình đau nhiều hơn. Có lúc mình nói với chồng "em đau quá, chắc phải mổ, không chịu nổi nữa rồi". Có lúc mình nghe tiếng em bé ở phòng sinh bên cạnh và nói với chồng "khi nào mình mới được nghe tiếng khóc của con". Hộ sinh nói "giờ mới nở 4 phân, 1/4 chặng đường thôi mà em chịu không được thì sao đẻ được". Mình nghĩ "giờ mới 4 phân, khi nào mới 10 phân". Vậy mà từ 4 phân, chọc ối, đau quằn quại, nở 8 phân, rồi nở 9,9 phân. Bác sĩ Thạch vào, sau 5-6 hơi rặn, em Dy chào đời lúc 2g10p ngày 10/11. Em được chậm kẹp dây rốn, da tiếp da với mẹ tận 4 tiếng, tự tìm vú mẹ, hưởng trọn vẹn 72 giờ vàng sữa non, và vẫn tiếp tục bú sữa mẹ. Em nằm trên người mẹ, mẹ hạnh phúc lắm, cả nhà đã vượt cạn thành công. |
Hiện tại bé lớn chỉ bú mẹ khi đi ngủ. Nhiều lúc cả hai con đòi bú thấy bận rộn và “khổ” lắm, nhưng “khổ” mà vui. Sau khi bé nhỏ bú mẹ trực tiếp theo nhu cầu, sau mỗi cữ bú, mình hút thêm sữa dành cho bé lớn uống. Khi nào bé lớn không muốn bú nữa, thì mình sẽ ngừng. Mình nghĩ con sẽ tự bỏ bú mẹ khi sẵn sàng. Mình sẽ không bao giờ ép con. Chế độ ăn uống sau sinh của mình cũng không có gì cầu kỳ. Mình vẫn ưu tiên ăn rau củ quả trái cây, vẫn ít đường và tinh bột, không ăn mỡ. Cứ khi đói là ăn, ăn nhiều cữ như thời mang bầu. Đặc biệt mình uống nhiều nước, ít nhất 3 lít/ ngày. |
Lối sống 00:00 | 06/01/2017
Lối sống 03:40 | 03/12/2016
Lối sống 02:47 | 25/11/2016