Từ trước đến nay, mọi người đều quen với quan điểm "đã sinh mổ thì nhất định phải sinh mổ lần tiếp theo". Rất nhiều lời khẳng định chưa biết có đúng hay không rằng nếu không sinh mổ tiếp, sẽ bị vỡ tử cung và nguy hiểm đến tính mạng của cả mẹ và con. Trên thực tế có nhiều ca sinh thường sau sinh mổ thành công ở cả trong nước và trên thế giới. Những thai phụ có ý định sinh thường sau sinh mổ, thì điều họ quan tâm nhất là họ có nguy cơ bị vỡ tử cung, bục vết mổ cũ hay không?
Nhiều sản phụ muốn sinh thường sau sinh mổ nhưng lo ngại nhất là vấn đề liệu có bị vỡ tử cung hay không? |
Thế nào là vỡ tử cung trong chuyển dạ khi sinh thường sau sinh mổ?
Nghiên cứu chỉ ra rằng có rất nhiều phụ nữ có thể sinh thường một cách bình thường khoẻ mạnh sau khi đã sinh mổ. Theo số liệu từ Viện Sức khỏe quốc gia Hoa Kỳ, 992-993 trên 1000 người phụ nữ sinh nở bình thường mà không bị tai biến vỡ tử cung.
Hiếm khi xảy ra trường hợp vỡ tử cung hoàn toàn tại vết mổ cũ. Những nếu xảy ra sẽ rất nguy hiểm cho cả mẹ lẫn con và cần phải được can thiệp cấp cứu. Vỡ tử cung là khi tử cung bị xé rách từ niêm mạc qua lớp cơ và lớp phúc mạc, qua độ dày của thành tử cung. Hiện nay đa số các ca sinh mổ là rạch ở đường bikini, vị trí này ít có khi nguy cơ bị vỡ nhất cho các lần mang thai và sinh nở tiếp theo.
Đôi khi vết mổ cũ bị giãn căng quá dẫn tới vết mổ bị hở, điều này được gọi là vỡ tử cung không hoàn toàn, hay vỡ tử cung dưới phúc mạc, hoặc đôi khi chỉ là một vết nứt. Vết nứt chiếm 1% đến 2% ở những sản phụ có 1 vết mổ đường bikini. Những vết nứt này tự lành và không cần can thiệp y tế.
Trên thực tế có nhiều ca sinh thường sau sinh mổ thành công. |
Vỡ tử cung trên vết mổ cũ có xảy ra thường xuyên không?
Nguy cơ bị vỡ tử cung do vết mổ cũ ở đường bikini là dưới 1% cho những sản phụ quyết tâm sinh thường sau sinh mổ, tức là chưa tới 5/1000 người.
Nhưng đối với những người chưa từng sinh mổ bao giờ cũng có nguy cơ bị vỡ tử cung, nguyên nhân là do thành tử cung yếu sau nhiều lần mang thai, lạm dụng thuốc kích thích chuyển dạ, đã từng có phẫu thuật tử cung hoặc là sử dụng forcep trong quá trình sinh bé.
Nguy cơ vỡ tử cung giảm cho mỗi lần sinh thường sau mổ thành công tiếp theo
Dữ liệu từ nghiên cứu được thực hiện bởi Mercer, BM, Gilbert, S, Mark B. Landon, MB, đăng trên tạp chí Obstetrics & Gynecology năm 2008 cho thấy nguy cơ vỡ tử cung giảm dần cho mỗi lần sinh thường sau mổ thành công tiếp theo. Nguy cơ vỡ tử cung cụ thể như sau:
Nguy cơ vỡ tử cung cao nhất ở những sản phụ từng có vết mổ dọc thân tử cung
Với những trường hợp bị nhau tiền đạo (bình thường, bánh nhau bám ở vùng đáy hoặc thân tử cung, nhau tiền đạo là khi bánh nhau bám ở đoạn dưới tử cung, che một phần hay che kín cổ tử cung), thai nhi quá lớn, thai nhi nằm ngang trong khung chậu hoặc thai sinh non, thì vết mổ lấy thai sẽ mổ dọc thân tử cung thay vì mổ ở đường bikini.
Những trường hợp này vẫn có thể lên kế hoạch sinh thường sau sinh mổ. Tuy nhiên cần xác định vết sẹo mổ dọc đó có bị căng giãn dọc theo tử cung ở thai kỳ hiện tại hay không, rồi mới có thể quyết định sinh thường sau sinh mổ.
Một số sản phụ cũng có vết sẹo mổ hình chữ “T”, “J” hoặc chữ “T” ngược. Tuy nhiên những trường hợp này khá hiếm. Cũng ít có sản phụ có sẹo mổ dọc theo thân trên của tử cung. Đây là những vết rạch do thai nhi ngôi mông hoặc nằm ngang, do sản phụ bị dị tật tử cung hoặc do mổ đẻ trong những trường hợp cực kỳ cấp bách.
Vết sẹo dọc ở phần mỏng và dễ bị tổn thương của tử cung sẽ dễ bị giãn nứt hơn và tăng nguy cơ biến chứng cho sản phụ và em bé. Như vậy những sản phụ từng có sẹo mổ dọc hình chữ “T” hoặc “J” phải đối mặt với nguy cơ vỡ tử cung cao hơn.
Vết sẹo dọc theo thân trên của tử cung có nguy cơ bị vỡ tử cung cao nhất. Trường Cao đẳng Sản phụ khoa Hoa Kỳ (ACOG), Hiệp hội sản phụ khoa Canada (SOGC) đều khuyến cáo sản phụ từng có vết mổ dạng này nên sinh mổ ở lần tiếp theo.
Không thể dự đoán hay chẩn đoán chính xác một sản phụ sẽ bị vỡ tử cung trước khi nó thực sự xảy ra. |
Triệu chứng của vỡ tử cung
Không thể dự đoán hay chẩn đoán chính xác một sản phụ sẽ bị vỡ tử cung trước khi nó thực sự xảy ra. Vỡ tử cung xảy ra đột ngột trong quá trình chuyển dạ hoặc sinh nở. Một vài nghiên cứu cho thấy rằng việc đo độ dày vết sẹo mổ bằng siêu âm hoặc giám sát chặt chẽ các cơn co khi chuyển dạ có thể giúp ích trong dự đoán vỡ tử cung và ngăn chặn vỡ tử cung xảy ra. Tuy nhiên, vẫn chưa có đủ thông tin, bằng chứng chứng minh rằng những phương pháp này nên được áp dụng rộng rãi.
Một số triệu chứng đã được xác định, nhưng không phải ca vỡ tử cung nào cũng có các triệu chứng đó. Các dấu hiệu vỡ tử cung một phần hoặc hoàn toàn có thể tồn tại hoặc không tồn tại.
- Chảy máu âm đạo
- Đau dữ dội giữa các cơn co
- Các cơn co chậm lại và dần dần bớt mạnh
- Đau bụng bất thường
- Đầu thai nhi di chuyển trở lại vào ống sinh
- Sưng phồng dưới xương mu (đầu bé đã nhô ra ngoài vết sẹo tử cung)
- Đau dữ dội tại một vùng hoặc tại vết mổ cũ
- Nhịp tim của mẹ tăng nhanh, hạ huyết áp
- Tim thai bất thường, nhịp tim giảm hoặc chậm cũng liên quan đến nguy cơ vỡ tử cung.
Điều quan trọng bạn cần phải biết rằng khi vỡ tử cung, ca chuyển dạ vẫn tiếp tục, nó không làm giảm biên độ co bóp của tử cung.
Nhiều thai phụ mong muốn sinh thường sau sinh mổ vì những lợi ích mà sinh thường mang lại cho cả mẹ và bé là rất lớn. |
Cho đến hiện tại, các nghiên cứu chỉ ra rằng có thể phát hiện vỡ tử cung bằng cách sử dụng các thiết bị điện tử, hay còn gọi là monitor sản khoa (EFM) do những sản phụ tham gia nghiên cứu được theo dõi thai bằng điện tử. Mặc dù sản phụ sinh thường sau mổ thường được theo dõi qua siêu âm nhưng chưa có nghiên cứu nào chứng minh cách này có thể dự đoán được nguy cơ vỡ tử cung.
Hướng dẫn từ ACOG và SOGC, khuyên sản phụ sinh thường sau mổ nên được theo dõi thai nhi trong quá trình chuyển dạ bằng điện tử.
So sánh nguy cơ vỡ tử cung trong sinh thường sau mổ với các biến chứng sản khoa khác
Với những sản phụ chuyển dạ tự nhiên, nguy cơ vỡ tử cung được báo cáo là ít hơn 1%. Như vậy bằng với nguy cơ ở những sản phụ sinh nở lần đầu.
Các chuyên gia y tế cho biết nguy cơ vỡ tử cung ở những sản phụ từng có vết mổ ở đường bikini không cao hơn bất cứ biến chứng sản khoa nào khác như suy thai, mẹ xuất huyết do nhau bong non hoặc sa dây rốn.
Nếu vết mổ cũ bị nứt, sản phụ cần được mổ lấy thai ngay. |
Chuyện gì sẽ xảy ra nếu vết mổ cũ bị nứt?
Mặc dù hiếm xảy ra trường hợp vết mổ cũ bị nứt khi sinh thường sau sinh mổ, nhưng nếu xảy ra, sản phụ sẽ được mổ cấp cứu ngay.
Càng kéo dài thời gian chẩn đoán và cố xử lý vết nứt tử cung, thì thai nhi và/hoặc nhau thai càng có nguy cơ bị đẩy qua thành tử cung. Khi đó mẹ có nguy cơ cao bị xuất huyết và thai nhi gia tăng biến chứng thần kinh và có thể tử vong (dù rất hiếm).
Chuyện gì sẽ xảy ra với mẹ và bé khi mẹ bị vỡ tử cung?
Phần lớn các nghiên cứu báo cáo rằng trong trường hợp hiếm hoi vỡ tử cung, nếu quá trình chuyển dạ được theo dõi chặt chẽ, nhân viên y tế được đào tạo để tham dự ca sinh thường sau mổ, và nếu đáp ứng y tế nhanh chóng, kịp thời, thì vẫn sẽ “mẹ tròn con vuông”. Nếu mổ cấp cứu nhanh chóng, khả năng thai nhi tử vong do mẹ vỡ tử cung là khá thấp.
Những sản phụ được chăm sóc tốt trước khi sinh bởi những nhân viên được đào tạo và có kinh nghiệm trong sinh thường sau mổ, sản phụ được sinh nở trong điều kiện y tế đầy đủ cũng sẽ sinh nở thành công.
Cho đến nay vẫn chưa có báo cáo về tử vong mẹ do vỡ tử cung. Theo báo cáo của Viện Y tế về sinh thường sau sinh mổ, tỷ lệ tử vong ở sản phụ tăng lên đáng kể nếu tiếp tục sinh mổ ở lần sau. Tỷ lệ đó là 13,4/ 100.000 ca, trong khi đó tỷ lệ tử vong ở sản phụ sinh thường sau sinh mổ chỉ là 3,8/100.000 ca.
Có thể giảm nguy cơ vỡ tử cung khi chuyển dạ ở những ca sinh thường sau sinh mổ. |
Có thể giảm nguy cơ vỡ tử cung hay không?
Mặc dù gần như là không thể biết trước sản phụ có bị vỡ tử cung khi sinh thường sau sinh mổ hay không, nhưng những nghiên cứu gần đây cho thấy, nguy cơ này tăng cao khi:
- Áp dụng kích thích chuyển dạ. Misoprostol – một loại thuốc dùng để điều trị loét dạ dày, có liên quan đến nguy cơ vỡ tử cung và không nên được sử dụng để kích thích chuyển dạ cho những sản phụ có kế hoạch sinh thường sau mổ.
- Sản phụ từng được khâu một lớp trong lần sinh mổ trước đó (khâu một lớp là kỹ thuật khâu vết mổ được sử dụng nhiều trong những năm gần đây nhằm rút ngắn thời gian trong phòng phẫu thuật).
- Phụ nữ mang thai và sinh thường sau mổ trong thời gian ít hơn 18-24 tháng sau lần sinh mổ trước đó.
- Sản phụ ngoài 30 tuổi.
- Sản phụ từng bị sốt sau khi sinh mổ ở lần trước đó.
- Sản phụ từng có vết mổ dọc thân ở lần sinh mổ trước đó.
- Sản phụ từng sinh mổ 2 lần trước đó.
- Sản phụ sinh thường sau sinh mổ sau tuần thứ 40 của thai kỳ.
Lối sống 00:00 | 06/01/2017
Lối sống 03:40 | 03/12/2016
Lối sống 02:47 | 25/11/2016