Hết Tết, các chị các mẹ 'đua nhau' kể thành tích... rửa bát!

Có lẽ với các nàng dâu và cả các thiếu nữ chưa chồng, ngoài việc hỏi nhau “ăn Tết thế nào?” thì câu tiếp theo sẽ là “Rửa bao nhiêu mâm bát?”

Tết luôn là niềm vui của tụi trẻ con và trăm sự ngổn ngang của người lớn. Với các cô, các mẹ thì sự ngổn ngang ấy thường được hiện thực hóa bằng bổn phận làm dâu, làm con gái đảm, ngoài việc cùng hì hục thể hiện việc tay dao tay thớt thì “phi vụ” rửa bát cũng là một nỗi ám ảnh mấy ngày Tết của các cô, các mẹ, từ chưa chồng cho đến làm dâu có thâm niên.

het tet cac chi cac me dua nhau ke thanh tich rua bat
Với các thiếu nữ thì sau câu hỏi "Bao giờ lấy chồng?" - rửa bát chính là nỗi ám ảnh mùa Tết (Ảnh minh họa)

Mà lạ nỗi, năm nào cũng như năm nào, câu chuyện “rửa bao nhiêu mâm bát” vẫn luôn luôn là nỗi ám ảnh của phụ nữ, như một thứ “đặc quyền” chẳng ai mong đợi. Nếu như đàn ông năm nào cũng kể lể chuyện say sưa tới bến thì phụ nữ lại phải gồng gánh quá nhiều sự mệt nhọc trong những ngày lễ Tết, ngày mà lẽ ra họ nên được nghỉ ngơi sau cả năm trời vừa đi làm, vừa chăm con, vừa chăm sóc gia đình, đối nội đối ngoại.

“Rửa bao nhiêu mâm” chỉ là một câu chuyện điển hình của chị em phụ nữ trong những mùa Tết, bên cạnh đó còn bao nhiêu phiền muộn về lễ Tết nội – ngoại, cả sự thiệt thòi khi bao năm ăn Tết nhà chồng, chẳng có thời gian về ăn Tết nhà ngoại, sự báo hiếu cũng chỉ dám là những cuộc điện thoại hoặc nhà nào gần thì tranh thủ biếu cha mẹ đẻ đồng quà, tấm bánh rồi lại phải về nhà chồng thực hiện thiên chức làm dâu, làm mẹ, làm vợ ngày Tết. Ngày thường đã bao nhiêu bộn bề ngổn ngang rồi, ngày Tết thì lại càng thêm ám ảnh...

Chị Lan (quê Phú Thọ) kể: “6 năm ăn Tết ở nhà chồng, năm nào cũng được bố trí rửa bát cho cả họ. Nhà chồng cứ mùng 2 là họp, khoảng 20 mâm, mình ở xa về muộn không chung tay làm cỗ được với các cô các thím thì sẽ “được” bố trí rửa bát. Sẽ có thêm một người nữa phụ rửa 20 mâm bát, 6 năm nay kể từ ngày làm dâu chưa năm nào là không phải rửa. Có năm mình bị tụt huyết áp do ngồi lâu quá tê hết chân tay, lúc đứng dậy ngã cắm mặt xuống chậu rửa bát bẩn thỉu đầy dầu mỡ, cô em hộ cuống cuồng kéo dậy. Vào thay quần áo mọi người nhìn thấy cũng chỉ dăm ba câu qua loa, vừa thay quần áo mà nước mắt cứ chảy ròng ròng vì tủi thân ngay ngày mùng 2 Tết”.

het tet cac chi cac me dua nhau ke thanh tich rua bat
Những hình ảnh thường thấy sau các bữa hội họp lễ Tết, nên vui hay nên buồn? (Ảnh minh họa)

Không đến nỗi cắm mặt xuống chậu rửa bát theo đúng nghĩa đen như chị Lan nhưng chị Trang (quê Thanh Hóa) cũng có những ám ảnh khôn nguôi với những phi vụ rửa bát đầu năm. Chị vẫn nhớ như in năm đầu tiên đi làm dâu, các cô các thím bảo cứ ngồi đấy không phải làm để mọi người làm, nói là nói thế chứ ai dám không xắn tay vào giúp. Chị Trang kể: “Không biết bát đĩa ở đâu mà lắm thế. Mình vừa rửa sạch sẽ xong hết vài chồng cao vút thì lại thấy vài mâm bát bẩn để bên cạnh, chẳng lẽ không rửa? Thế là tiếp tục rửa cho đến khi ngẩng lên còn tưởng mình là siêu nhân, mấy chồng bát đĩa, nồi niêu xung quanh cao vút, cái lưng của mình tưởng như gãy làm đôi, mà chồng thì bận chén chú chén anh, cũng chẳng quan tâm, năm ấy may mà chưa có bầu, chứ nếu không thì chẳng biết còn mệt mỏi đến thế nào nữa...”.

Không chỉ các nàng dâu mới kêu than chuyện rửa bát, các cô thiếu nữ chưa chồng cũng liên tục up date cảnh rửa bát lên facebook, mà đa phần là than thở “bát ơi sao nhiều thế? Mỏi hết cả lưng chùn hết cả gối rồi mà bát vẫn chưa sạch hết...”.

Gần chục ngày Tết là gần chục ngày các cô các chị “đua nhau” kể thành tích rửa bát. Đương nhiên, đó không phải là một niềm vui mà là một nỗi ám ảnh về sự không được sẻ chia giữa vợ chồng trong công việc chung. Chẳng thế mà có một anh thấy vợ rửa nhiều bát quá anh ta liền bảo với các cô các thím: “Mọi người hộ vợ cháu rửa với, không cháu bế vợ cháu về đấy!”. Rồi anh ta xắn tay cùng vợ rửa chồng bát hai họ nhà anh vừa ăn xong, chuyện nhỏ thế thôi mà cả hội tâm sự Eva rần rần chia sẻ. Bởi vì, rõ là “chuyện nhỏ” mà mùa Tết nào các chị, các mẹ, các cô cũng phải gù cả lưng, sưng cả chân để rửa bát thì bỗng dưng có một anh đàn ông cúi xuống phụ vợ rửa cái mâm bát cả họ nhà anh vừa linh đình, thì thật là một “chuyện lớn!”.

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.