Hiện tượng 'best-seller' Nguyễn Phong Việt: 'PR giỏi cũng chỉ lừa độc giả được một lần'

Tính cả tập thơ mới nhất “Sao phải đau đến như vậy” thì nhà thơ Nguyễn Phong Việt đã có trên 120.000 bản thơ được tiêu thụ trên thị trường. Anh được xem như một hiện tượng “best-seller” của làng văn hiện đại.

Trong cuộc trò chuyện, anh đã chia sẻ rất cởi mở về “bí quyết” phát hành cũng như quan niệm về tình yêu, hạnh phúc của một người nghệ sĩ.

Chỉ có Nguyễn Nhật Ánh là “sống khỏe”

- Thưa anh, số lượng sách in ấn nhiều có giúp anh“sống khỏe, sống tốt” bằng nghề viết không?

Chắc chắn là không! Thơ ca với tôi là niềm vui, sở thích, theo cách nào đó cũng là món nợ. Người sáng tác đôi khi sẽ nhận ra mình có những trải nghiệm mà nếu không viết ra được thì cứ luẩn quẩn, day dứt mãi trong đầu, còn viết được sẽ như sự giải tỏa stress. Vậy trước hết, sáng tác với tôi là cách nên làm cho bản thân, sau đó may mắn hơn, những điều tôi viết chạm tới cảm xúc người đọc.

Ở Việt Nam, nếu kể tên nhà văn “sống khỏe” bằng nghề viết có lẽ chỉ nhà văn Nguyễn Nhật Ánh hoặc có thể thêm Nguyễn Ngọc Tư. Tất nhiên, tôi không đại diện cho tất cả người viết để đưa ra phát ngôn chính xác nhất, nhưng trên bình diện một người làm báo, truyền thông… với những hiểu biết nhất định về phát hành, tôi nghĩ khó nhà văn nào tự tin mình “sống khỏe” bằng nghề viết.

Về số lượng sách phát hành của tôi, tôi thấy vẫn nhỏ nhoi lắm, chẳng qua giữa một thị trường thơ đang phát hành có phần chậm thì thành ra nổi bật hơn. Công việc chính giúp tôi mưu sinh là sản xuất, biên tập, PR phim điện ảnh. Thỉnh thoảng tôi có làm truyền thông cho một số nhãn hàng.

hien tuong best seller nguyen phong viet pr gioi cung chi lua doc gia duoc mot lan

Nhà thơ Nguyễn Phong Việt. Ảnh: TL

- Một cuốn sách phát hành tốt thì chất lượng sách, chiến lược truyền thông hay sự may mắn… quyết định?

Tôi nghĩ là cả ba. Đầu tiên là chất lượng. Nếu chỉ PR giỏi mà sách không có giá trị gì thì cùng lắm chỉ lừa độc giả được một lần. Chưa kể, mạng xã hội bùng nổ, khi có cảm giác bị lừa vì cuốn sách dở, người đọc còn có thể phản hồi ngay trên đó. Tôi phát hành đến cuốn sách thứ 6, người đọc thích ít hoặc nhiều nhưng chắc chắn sách của tôi có giá trị nhất định, độc giả không cảm giác bị lừa.

Tiếp đó, phải kể đến chiến lược truyền thông và yếu tố may mắn. Tôi có 15 năm kinh nghiệm làm báo, PR, maketting… nên vừa được đồng nghiệp ủng hộ, bản thân cũng biết cách PR tác phẩm, tiếp cận được những độc giả chịu bỏ tiền mua thơ. Đó là điều quá khó với đời sống hiện đại bởi họ có nhiều chọn lựa khác và đối tượng này thường phải có nội tâm sâu sắc.

- Anh là một trong những tác giả phát hành thơ nhiều nhất Việt Nam, nhưng số lượng đã giảm dần từ hơn 80.000 bản cuốn “Đi qua thương nhớ” đến 5.000 bản cuốn mới nhất. Anh có buồn không?

Thực tế là như vậy và tôi không buồn dù ai chẳng mong muốn sách của mình phát hành ngày càng nhiều. Tôi hiểu, có những người từng thích đọc thơ mình, giờ không thích nữa. Hoặc có những người đọc thơ mình chỉ vì trùng hợp tâm trạng, biến cố ở một thời điểm nào đó, giờ cuộc sống họ khác, họ từ bỏ mình. Khi tôi nhìn nhận các tập sách của mình là một sản phẩm như trăm nghìn sản phẩm khác, công chúng có quyền chọn lựa thì mọi chuyện hơn kém là bình thường.

- Theo anh, người viết văn ở thời hiện đại khác xưa thế nào?

Tôi hay nói vui, chỉ riêng “giao diện” của người viết văn chương bây giờ đã khác xưa. Ngày xưa, nói đến nhà thơ chúng ta cứ hình dung là phải thâm trầm, có phần cũ kỹ, lãng đãng, ăn mặc không được bảnh bao… Trong khi các tác giả bây giờ rất phong cách, biết thu hút, đối thoại với đám đông, thay vì chỉ thể hiện mình trên trang viết.

Tất nhiên, có những tài năng vượt mọi giới hạn, độc giả buộc phải tìm đến họ nhưng số ấy không nhiều. Tôi thấy mình chỉ là người may mắn trong câu chữ chứ không phải thiên tài nên ít nhất tôi phải hiểu độc giả của mình cần gì. Ngày nay, cũng không chỉ còn kênh bán sách truyền thống mà người viết phải tận dụng kênh thương mại điện tử như: Facebook, các ứng dụng trên điện thoại… Trước khi người đọc tìm đến tác phẩm của mình, mình phải thay đổi để tìm đến họ. Tất cả sách của tôi đều có đơn vị phát hành, tôi được trả nhuận bút cho hợp đồng bản quyền trong 5 năm, với người khác có thể họ chỉ cần thế, nhưng mọi công tác PR tôi đều tự làm.

Mới nhất, trong chuyến đi Hà Nội ra mắt sách, tôi tự chi trả mọi chi phí, tự chủ động công việc. Đơn vị phát hành họ tung ra thị trường hàng nghìn cuốn sách, không thể ưu ái cho riêng mình. Sách của mình, mình không có trách nhiệm quảng bá cho tốt thì ai làm tốt hơn?

hien tuong best seller nguyen phong viet pr gioi cung chi lua doc gia duoc mot lan
Quyển sách Đi qua người thương của nhà thơ Nguyễn Phong Việt.

“Đi qua thương nhớ” vẫn là đỉnh cao

- Hầu hết người viết đến với văn chương từ biến động đời sống. Anh thì sao?

Tôi sáng tác từ lúc 13-14 tuổi, tức là những năm 1993 - 1994 khi các ấn phẩm cho tuổi học trò như: Áo Trắng, Mực Tím, Tuổi Xanh… đang thịnh hành. Tôi đọc hằng ngày và nghĩ: Mình có thể viết. Ngày ấy, tôi là cậu học trò tỉnh lẻ ở Phú Yên, một ly chè chỉ có giá 200 đồng thì mỗi bài viết nhuận bút vài chục nghìn đồng đã là số tiền “khổng lồ”.

Thuở ấy, tôi viết tưởng tượng là nhiều, về tình bạn, yêu thương hờn giận vu vơ… Mãi đến năm 2007 mới có sự thay đổi lớn khi tôi viết những bài đầu tiên của tập thơ “Đi qua thương nhớ” và được một người bạn đăng trên mạng Yahoo. Những tác phẩm ấy, tôi viết bằng biến cố tình cảm của cá nhân mình, trong tâm thế một người bị tổn thương, cùng cực, tuyệt vọng, thậm chí hận thù… Và chính tôi cũng không nghĩ nỗi đau đớn ấy lại chạm tới mọi người.

Thì ra, có một bộ phận không nhỏ những người đọc, đọc được nỗi đau khác lớn hơn nỗi đau của mình thì họ nhẹ lòng, đồng cảm. Tôi viết “Đi qua thương nhớ” với dung lượng cảm xúc quá lớn, quá đặc biệt và điều ấy chỉ đến một lần thôi. Đó là đỉnh cao của tôi, chắc chắn. Nếu giờ, bảo tôi quay lại để viết tôi cũng không viết được.

Hiện tại, tôi điềm tĩnh, bao dung hơn nên cuốn sách mới có độ lùi, có sự bình thản với cái cái nhìn nhẹ nhàng nhất dù nỗi đau quá khứ lớn cỡ nào.

- Là một nghệ sĩ, anh quan niệm thế nào về hạnh phúc gia đình?

So với trước đây, giá trị bền chặt của hạnh phúc gia đình đã mong manh hơn rất nhiều, vì áp lực cuộc sống, công việc, ngay những phương tiện giải trí cũng lấy bớt thời gian của con người dành cho nhau nên khả năng về những rủi ro là có thật. Chúng ta cố gìn giữ nhưng không chỉ từ một phía hay một câu nói… mà sự gắn kết ấy phải hai phía biết chia sẻ, nhường nhịn, chấp nhận nhau để mọi thứ tốt đẹp dần lên. Dẫu sao, con người vẫn là sự biến thiên của cảm xúc.

Hôm nay, thề hẹn đến cùng trời cuối đất, vượt núi cao vực sâu, ngày mai chắc gì còn nắm tay nhau bước tiếp. Giá trị của hạnh phúc gia đình trong đời sống hiện đại đang rất căng thẳng, nhiều nguy cơ nhưng nắm hay buông là ở chúng ta. Không thể đổ lỗi cho công việc, thời gian hay gì khác… mình thích thì mình dành thời gian, mình không thích thì mình viện lý do.

- Vợ anh từng là nhà thơ, bây giờ trở thành nữ doanh nhân. Vậy không khí văn chương có còn trong gia đình anh?

Trong nhà tôi không có không khí văn chương. Đến thời điểm hiện tại, bà xã tôi cũng không liên quan nhiều đến văn chương nữa dù gần nhất cô ấy có thành lập một trung tâm về sách ở vị trí người đầu tư chứ không phải người sáng tác.

Tôi nghĩ, trong một gia đình, một người liên quan tới việc viết thôi là đủ. Vợ kinh doanh, tôi rất ủng hộ. Ông bà ta có câu “phi thương bất phú” song kinh doanh thì phải chấp nhận rủi ro, ít thời gian cho gia đình nên tôi là người lùi lại chăm sóc con cái, từ đưa đón con đi học, đọc sách cùng con, cho con học bài… Bối cảnh ấy có thể khác với nhiều gia đình nhưng thực tế cuộc sống hiện đại đã thay đổi, chúng ta phải thích nghi như một việc bình thường. Tôi không cho điều mình làm lớn lao hay hi sinh mà đơn giản chỉ là điều chỉnh theo bối cảnh.

Cảm ơn nhà thơ Nguyễn Phong Việt!

hien tuong best seller nguyen phong viet pr gioi cung chi lua doc gia duoc mot lan Nguyễn Phong Việt vẫn là nhà thơ trẻ đông fan nhất

Nguyễn Phong Việt: Tập thơ thứ sáu "Sao phải đau đến như vậy" của nhà thơ Nguyễn Phong Việt vừa ra mắt với 5.000 bản ...

hien tuong best seller nguyen phong viet pr gioi cung chi lua doc gia duoc mot lan Nhà thơ Nguyễn Phong Việt: 'Háo hức một cái Tết quê'

Dù xã hội có thay đổi thì phong vị của Tết quê vẫn được giữ nguyên vẹn, vẫn gói bánh, làm mứt, vẫn trước nhà ...

hien tuong best seller nguyen phong viet pr gioi cung chi lua doc gia duoc mot lan Nhà thơ Nguyễn Phong Việt: 'Bà xã nặng lòng khi đọc thơ tôi viết'

Vì đang sống trong một gia đình hạnh phúc nên những nỗi niềm chất chứa trong từng câu thơ của Nguyễn Phong Việt đã không ...

chọn
Đấu giá đất ở Thanh Oai (Hà Nội): Chỉ có 12 trường hợp nộp đủ tiền
Tiếp tục thông tin về tiến độ nộp tiền sau trúng đấu giá đất tại huyện Thanh Oai (Hà Nội), ngày 16/9, lãnh đạo huyện cho biết: Với 68 thửa đất trúng đấu giá, đến thời hạn cuối cùng phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính theo quy định, chỉ có 12 trường hợp nộp đủ tiền; 56 thửa đất không nộp tiền hoặc không nộp đủ. Đáng chú ý, 12 trường hợp nộp tiền có giá trúng cao nhất là 55,167 triệu đồng/m2.