11 quốc gia thành viên ký kết CPTPP. Ảnh: Reuters |
Rạng sáng 9/3 (theo giờ Việt Nam), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã được ký kết tại Chile.
Theo Bộ Công thương, CPTPP được coi là Hiệp định thương mại tự do lớn nhất được kết thúc đàm phán trong thời gian gần đây. Hiệp định này được ký kết sẽ tác động đến Việt Nam trên nhiều khía cạnh như chính trị-đối ngoại, kinh tế.
Trao đổi với chúng tôi về cơ hội và thách thức của Việt Nam khi tham gia CPTPP, chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Trí Hiếu cho biết đây là hiệp định mang tính toàn diện.
"Đây không chỉ là hiệp định về tự do thương mại truyền thống như miễn giảm thuế quan cho hàng nhập khẩu từ các nước thành viên và xóa bỏ những hàng rào kỹ thuật để giới hạn thương mại giữa các quốc gia mà bao gồm các quy định về vấn đề mua sắm của chính phủ, nâng cao vai trò của giới lao động, các hiệp hội, công đoàn, các qui định để bảo vệ môi trường và các cơ chế để giải quyết những vi phạm hiệp định và những tranh chấp giữa các thành viên.
Chúng ta có thể xem CPTTP như là một bước đầu để xây dựng một thị trường chung giới hạn.
Nói chung, trong thị trường chung này các chính phủ không chỉ thực hiện việc tự do hóa thương mại mà các chính phủ phải đáp ứng các chuẩn mực cao của nền kinh tế thị trường.
Riêng Việt Nam, hiệp định có thể mang lại nhiều lợi ích, giúp mở rộng xuất khẩu đến các thị trường lớn trên thế giới và giúp tăng trưởng GDP và kích thịch đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Nhưng một mặt khác hiệp định này cũng tạo ra rất nhiều thách thức cho Việt Nam. Việt Nam sẽ phải thay đổi nhiều chính sách của chính phủ và nhiều luật lệ thương mại để phù hợp với những quy định chung của hiệp định.
Hiệp định cũng bắt buộc Việt Nam phải nâng cao tính minh bạch về thông tin và các kế hoạch của chính phủ, và thúc đẩy thay đổi trong cách điều hành của Chính phủ, cải thiện luật thuế và vai trò của doanh nghiệp có vốn nhà nước.
Đây là những thách thức lớn đối với Việt Nam vì nền kinh tế Việt Nam theo hiến pháp là nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, trong khi 10 thành viên khác đều là những nền kinh tế thị trường theo chủ nghĩa tư bản", TS Nguyễn Trí Hiếu cho biết.
TS. Nguyễn Trí Hiếu. |
TS Hiếu cũng nhận định rằng sẽ có nhiều ngành nghề bị tác động bởi CPTPP như dệt may, thuốc lá, dược phẩm.
"Đây là sân chơi chung, quy định chung cho khối gồm 11 quốc gia. Trong đó, Việt Nam là nước có nền kinh tế nhỏ nhất; trình độ lao động, năng lực lao động cũng thấp nhất. Trong sân chơi chung, năng lực lao động rất quan trọng; lao động yếu sẽ bị thất thế", TS Hiếu nói
Cũng theo TS Hiếu, lao động Việt Nam có nhiều điểm yếu như trình độ kỹ thuật thấp, phần lớn lao động là phổ thông, không phải lao động chuyên môn; trình độ ngoại ngữ cũng thấp. Trong khi nhiều nước khác lao động rất chuyên nghiệp và chuyên môn, và tại phần lớn các quốc gia trong khối CPTPP tiếng Anh là ngôn ngữ chính.
“Bên cạnh đó, một khó khăn khi hội nhập là văn hóa ứng xử. Cụ thể, văn hóa ứng xử của lao động Việt Nam đang không theo kịp đà phát triển thế giới.
Từ cách hành xử trong thương trường đến việc tuân thủ luật lệ, đến cách ứng xử của con người với nhau trong xã hội, chúng ta còn có một khoảng cách xa đối với người lao động trong các quốc gia khác.”
Do đó, khi "một người thấp đi vào sân chơi của những người cao" thì cuộc chơi chưa công bằng và chúng ta phải chạy nhanh hơn để bắt kịp họ.
Chính vì vậy, chúng ta phải thay đổi về quy định pháp luật, cơ chế, chính sách, lao động... để có thể đi chung với 10 thành viên khác.
Chắc chắn CPTPP là một thách thức về kinh tế và thể chế lớn nhất trong lịch sử cận đại của Việt Nam. Nhưng "cái khó ló cái khôn". Có CPTPP thì Việt Nam mới có động cơ và động lực để thay đổi và cải cách", TS Nguyễn Trí Hiếu kết luận.
Ký kết TPP-11: Khi châu Á thành ngọn cờ đầu của tự do thương mại
Việc các nước ký thỏa thuận TPP-11 (CPTPP) hôm nay ở Chile là dấu hiệu cho thấy châu Á sẽ vươn lên, thay thế Mỹ, ... |
Kết quả cuộc họp TPP 11 xuyên đêm: Đổi tên TPP thành CPTPP và thống nhất các vấn đề cốt lõi
Bên lề Tuần lễ cấp cao APEC 2017, cuộc họp giữa các Bộ trưởng của 11 nước đã đồng ý với tên gọi mới của ... |