Hôm nay 30/9, ba dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam là đoạn Mai Sơn - QL45, đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết và đoạn Phan Thiết - Dầu Giây chính thức đồng loạt được khởi công.
Cùng với ba dự án thành phần sử dụng vốn đầu tư công gồm: Cao Bồ - Mai Sơn; Cam Lộ - La Sơn và cầu Mỹ Thuận 2 đang được thi công, dự kiến hoàn thành trong năm 2021 thì hình hài trục cao tốc Bắc - Nam xuyên Việt đang dần được hình thành.
Theo Báo Chính phủ, trong quá khứ, “tiền thân” đường cao tốc của Việt Nam là đường Pháp Vân - Cầu Giẽ, được hoàn thành cách đây gần hai thập kỉ. Theo quyết định Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) thì đường Pháp Vân - Cầu Giẽ được gọi là “đường khai thác theo tốc độ cao”.
Tuy nhiên, khi hoàn thành thì đường có nhiều đoạn sụt lún, mặt đường bị nứt, gãy khúc,... sau đó đường Pháp Vân - Cầu Giẽ không được công nhận là “đường cao tốc”.
Tới ngày 21/1/2010, Thủ tướng Chính phủ kí phê duyệt qui hoạch chi tiết đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, nối từ Hà Nội đến Cần Thơ, với tổng vốn đầu tư trên 300.000 tỉ đồng. Tuyến cao tốc này có chiều dài khoảng 1.811 km, bao gồm 16 đoạn tuyến, qui mô 4 - 8 làn xe với lộ trình xây dựng đến năm 2030.
Với qui mô và tầm quan trọng của tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Chính phủ đã ưu tiên bố trí nguồn lực để triển khai thực hiện dự án.
Trước mắt đầu tư 11 dự án thành phần với tổng chiều dài 654 km, đi qua địa phận 13 tỉnh với tổng mức đầu tư khoảng 118.716 tỉ đồng (bao gồm 55.000 tỉ đồng vốn nhà nước; 63.716 tỉ đồng vốn huy động ngoài ngân sách), trong đó có 3 dự án thành phần đầu tư bằng nguồn vốn trái phiếu chính phủ, 8 dự án thành phần đầu tư theo hình thức PPP.
Một điểm chung của phần lớn các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam dài 654 km là đều được xây dựng mới, đồng bộ và nằm trọn trong địa bàn 13 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung. Do đó, các tỉnh miền Trung sẽ là những địa phương được hưởng lợi trực tiếp từ tuyến cao tốc Bắc - Nam huyết mạch này.
Bên cạnh đó, hành lang vận tải Bắc - Nam phía đông còn giúp kết nối được 4 vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, miền Trung, phía Nam và vùng Đồng bằng sông Cửu Long, có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của đất nước.
Riêng đoạn cao tốc từ Hà Nội - TP HCM tác động đến 45% dân số, đóng góp 52% tổng sản phẩm trong nước, ảnh hưởng đến 75% các cảng biển loại I, II và 67% các khu kinh tế của cả nước và đặc biệt là kết nối ba vùng kinh tế trọng điểm.
Với mức độ ảnh hưởng như vậy, có thể nói đây là hành lang vận tải quan trọng nhất, có tính lan tỏa nhất, tạo động lực phát triển kinh tế cả nước.
Sáng nay, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự lễ khởi công dự án Mai Sơn - QL45 tại xã Hà Long, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa.
Phát biểu tại lễ khởi công, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, ngay tháng 10 sẽ tiếp tục làm hồ sơ liên quan để khởi công 5 dự án còn lại.
Nếu làm được các dự án của cao tốc Bắc - Nam, đặc biệt là các công trình đang triển khai thì Việt Nam có được gần 2.000 km cao tốc, Thủ tướng thông tin.
Thủ tướng cũng đã yêu cầu Bộ GTVT, Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan ngay từ năm đầu, phải thông suốt tuyến cao tốc từ Lạng Sơn đến Cà Mau để tiến tới có ít nhất 5.000 km cao tốc.
Một số hình ảnh từ lễ khởi công ba dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam khởi công sáng ngày 30/9: